Mối thù được hóa giải giữa làng Quan Nhân và Hòa Mục
Cuốn sách “Hà Nội ngày ấy” của tác giả Nguyễn Bá Đạm đã kể về mối thù giữa hai làng Quan Nhân và Hòa Mục cùng cách giải quyết êm đẹp. Theo đó, cô gái xinh đẹp Trần Thị Tùng quê ở Nhân Mục Môn, được làm hoàng hậu thời vua Lê Uy Mục lấy hiệu là Đoan Khánh. Sau khi lên làm vua, Uy Mục đã tìm cách tiêu diệt một số tông thất và đại thần chống đối và bắt giam Lê Oánh. Vừa ra khỏi ngục, Lê Oánh tức giận triệu tập binh mã tìm giết Lê Uy Mục và hoàng hậu. Hoàng hậu Đoan Khánh thấy vậy sợ hãi bỏ trốn, bị binh lính kéo về Nhân Mục Môn để tìm bắt. Lúc đó, có người làng Quan Nhân đã chỉ sang Hòa Mục, thế là đoàn quân kéo đến tàn sát nhiều người già, trẻ nhỏ làng Hòa Mục, gây nên cảnh tang tóc rùng rợn.
Sau khi Lê Oánh xưng vương (tức vua Lê Tương Dực), số người còn sống sót ở Hòa Mục đã làm tấu lên triều đình xin giải oan và trị tội người làng Quan Nhân. Nhà vua đã ra lệnh cắt ruộng ở Quan Nhân đưa sang làng Hòa Mục để xâm canh. Qua vụ gặt, làng Hòa Mục được quyền thu hoa lợi. Cứ một sào được 20 lượm lúa bằng 20kg thóc. Từ đó, mối hận thù giữa hai làng kéo dài năm này qua năm khác khiến không ai nhìn mặt hoặc nói với nhau câu nào. Một thời gian sau, mối hận thù giữa hai bên được hòa giải, mở rộng vòng tay đoàn kết hai thôn như một, tràn đầy niềm vui. Trải qua trên hai chục năm, hai bên đi lại rất thân mật có công việc hội hè hay ngày kỵ thánh đều mời nhau tới dự và trở thành mối giao hảo hữu nghị.
Hữu Trưởng