Văn hóa làng xã từ góc nhìn hiện đại
Làng, văn hóa làng, vai trò của nó trong lịch sử và đời sống hiện nay từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu. Những vấn đề về cơ cấu làng xã, có hay không có công xã nông dân, tinh thần dân chủ và tính tự quản, tự trị của làng xã có phải là thể hiện của tinh thần dân chủ, nhưng giá trị truyền thống và cả những trở lực của cái gọi là truyền thống ấy trong sự nghiệp hiện đại hóa nông thôn hiện nay như thế nào?
Trong cuốn sách “Chuyện quanh ta”, PGS. TS Phạm Quang Long đã trả lời câu hỏi đó thông qua việc nghiên cứu, phân tích văn hóa làng xã dưới góc nhìn hiện đại. Việc đánh giá di sản văn hóa truyền thống làng xã tuy vẫn còn những cách tiếp cận khác nhau nhưng tựu trung thống nhất ở những điểm sau: Văn hóa làng xã được xây dựng trên nền tảng kinh tế nông nghiệp lúa nước “dĩ nông vi bản”, “dĩ nông lập quốc”. Làng xã dù ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ hay đồng bằng sông Cửu Long dù hình thành sớm hay muộn, dù tổ chức theo phương thức nào thì tính chất mở hay nửa đóng nửa mở với tất cả những biến động về cơ cấu cũng không thể tách rời những vấn đề của liên làng hay siêu làng, vấn đề của quốc gia dân tộc. Tính chất gia tộc, tông tộc, quan hệ huyết thống, phe giáp và những ràng buộc chặt chẽ của quan hệ cộng cư vừa tạo cơ sở cho phát huy những nhân tố tích cực như đoàn kết, chung lưng đấu cật... Người Việt Nam ngày nay trong đó có những người xuất thân từ làng xã, không phải là con người làng xã nhưng vẫn không hoàn toàn đứt đoạn với quá khứ, vẫn có những liên hệ với cái xưa cũ và bồi đắp thêm những cái cần cho cuộc sống hôm nay.
Hữu Trưởng