Ngày nay, Hà Đông là một quận của Hà Nội. Song thời vàng son, Hà Đông từng là một tỉnh to nhất xứ Bắc Kỳ có 4 phủ, 6 huyện, 105 tổng và 826 làng. Tỉnh Hà Đông xưa chiếm một phần châu thổ và chiếm một phần trung du xứ Bắc Kỳ. Trong “Hà Nội ngày ấy”, tác giả Nguyễn Bá Đạm đã kể về một tỉnh Hà Đông nhộn nhịp chuyên về nghề canh nông và nhiều làng nghề truyền thống. Tỉnh Hà Đông xưa thường rất hay mở hội chợ trưng bày các hàng thủ công mỹ nghệ và sản vật. Hội thường kéo dài nửa tháng, hằng ngày mở cửa từ 9 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Mọi người ở xa kéo về rất đông, báo chí thời đó cũng có nhiều bài viết ca ngợi về việc làm này. Trong tỉnh thời đó có 150 chợ, như Chợ Đơ, chợ Bằng...
“Hà Nội ngày ấy” còn viết về cách cai trị trong tỉnh Hà Đông xưa. Trong làng thì có Lý trưởng thay mặt dân làm việc với trên và một Hội đồng gọi là Hương hội có Chánh hội, Phó hội, Thủ quỹ, Thư ký, Hộ lại và Trưởng bạ, mỗi người giữ một trọng trách... Tỉnh Hà Đông trước đây cũng nổi tiếng là vùng đất hiếu học. Trong đó, tứ danh hương 4 làng nổi tiếng về Nho học là Mỗ, La, Canh, Cót có nhiều người thi đỗ cử nhân tiến sĩ. Riêng phủ Thường tín theo báo cáo của các xã gửi lên thống kê lại có tới 63 tiến sĩ. Vàng son là vậy nhưng đến năm 1965, tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Nội. Sau này, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội và Hà Đông trở thành một quận.
Hữu Trưởng