Huyền tích về làng Ngọc Hà
Nói đến Ngọc Hà, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng trồng hoa. Ngọc Hà còn có tên là Hoàng Hoa Thị hay trại Hàng Hoa. Có một thời Ngọc Hà thuộc tỉnh Hà Đông. Đọc “Hà Nội ngày ấy” của tác giả Nguyễn Bá Đạm, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về nguồn gốc và đặc biệt là huyền tích về xung quanh làng Ngọc Hà. Theo đó, xưa kia Ngọc Hà là nơi hoang dã, cây cối um tùm, rập rạp, ao hồ rải rác mọi nơi. Dưới thời Lý Thái Tông, có một chàng trai ở làng Lệ Mật tên Hoàng Phúc Trung một hôm đã cứu được công chúa bị ngã xuống hồ. Vua biết tin mừng lắm, bèn thưởng cho vàng bạc nhưng chàng trai không nhận, chỉ xin nhà vua cho dân nghèo ở quê mình được sang kinh khai hoang lập ấp. Vua ưng thuận, thế là người làng Lệ Mật kéo sang khai khẩn lập thành 13 trại, trong đó có Ngọc Hà.
“Hà Nội ngày ấy” còn kể về một Ngọc Hà nửa đầu thế kỷ 20 là một vùng quê không pha một chút thành thị nào. Ngọc Hà vẫn có cây đa, giếng nước, sân đình những nếp nhà gianh, hàng rào râm bụt, hàng duối gai... Phong tục về hội hè, phong tục cưới xin, đất đai, địa lý hành chính của Ngọc Hà cũng được tác giả viết chi tiết trong cuốn sách này. Có thể kể tới việc con gái trong làng Ngọc Hà xưa khi đi lấy chồng phải nộp 500 viên gạch. Nếu lấy chồng thiên hạ thì số gạch phải nộp gấp đôi. Gạch sẽ dùng để lát đường làng ngõ xóm...
Hữu Trưởng