Dấu tích thời tiền Thăng Long
Có khá nhiều loại gạch lát nền hình vuông, trong đó có gạch trang trí hoa sen hay in hình cá sấu bơi trong nước. Ngói lợp mái chủ yếu là ngói âm dương, trong đó loại ngói dương có đầu trang trí cánh sen dường như là mẫu số chung trong toàn bộ khu vực Đông Á thời kỳ này. Còn những cống nước chủ yếu được xây bằng gạch chữ nhật màu xám, có viên ghi chữ “Giang Tây quân” (thế kỷ IX). Có những cống lớn chạy dài hơn 60m được xây dựng khá kiên cố, thậm chí một cống nước lớn được xây dựng theo kỹ thuật kè cừ bằng gỗ. Trong khi đó, giếng nước được xây tròn, rất sâu và kiên cố bằng cách loại gạch, ngói xám. Miệng giếng được xây thêm hàng gạch chữ nhật màu đỏ thời Lý xếp nghiêng, chứng tỏ giếng nước được thời Lý sử dụng lại. Có giếng nước được xây dựng bằng loại gạch chỉ có ở Việt Nam. Các di vật thời tiền Thăng Long như gạch, ngói, gốm, men, sành có nguồn gốc Việt Nam, Trung Quốc, Islam đã phản ánh nhiều mặt cuộc sống xã hội và con đường giao thương quốc tế ngày ấy. Những di tích, di vật này được thể hiện bằng hình ảnh rõ nét trong cuốn “Kinh đô Thăng Long - những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên, NXB Hà Nội ấn hành trong dự án Tủ sách 1000 năm Thăng Long.
Thu Hương