Đồ gốm sứ ở Thăng Long xưa
Trong cuốn “Kinh đô Thăng Long - những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên, điều làm độc giả mê mẩn nhất có lẽ là những hình ảnh đẹp mê ly về đồ gốm sứ qua các thời kỳ ở kinh đô Thăng Long. Hình ảnh những mảnh vỡ của bát gốm men ngọc, gốm men nâu, đế đĩa gốm hoa lam, lọ gốm hoa lam thời Trần vẫn giữ màu sắc hài hòa, tinh tế. Ngoài ra còn có dấu tích của bình tỳ bà hoa lam, bát gốm men ngọc thời Lê sơ, đĩa hoa lam trang trí rồng cuối thời Lê sơ - Mạc, mảnh bát hoa lam thế kỷ XVI, mảnh bát hoa lam trang trí rồng thời Lê Trung Hưng, mảnh gốm men Hizen (Nhật Bản) thế kỷ XVII.
Đã có các loại gốm men trắng cao cấp trang trí rồng, gốm men trắng mỏng cao cấp trang trí phượng khoảng cuối thời Lê sơ - Mạc, bình gốm hoa nâu tạo hình hoa sen thời Lý, đồ gốm men xanh thời Trần. Chiếc đĩa gốm men trắng thời Trần chỉ bị sứt một miếng nhỏ, vẫn nhìn rõ đường nét hoa văn tinh tế, một mảnh vỡ gốm hoa lam vẽ hình chim anh vũ đậu trên cành cây thời Trần trông như một bức tranh. Các loại vò gốm thời tiền Thăng Long, bình gốm men xanh Trung Quốc, bình gốm Trường Sa (Trung Quốc) thời tiền Thăng Long gần như còn nguyên vẹn. Đặc biệt, bát gốm men ngọc thời Trần, cốc gốm chân cao men nâu, vò gốm hoa nâu (đường kính miệng 17cm), bát lớn hoa nâu (đường kính miệng 23cm), thạp gốm hoa nâu, bình gốm hoa lam, bát gốm hoa lam thời Trần nhìn như mới và rất giống với một tác phẩm nghệ thuật. Cuốn sách ảnh này do NXB Hà Nội ấn hành trong Dự án Tủ sách 1000 năm Thăng Long thực sự là tài liệu quý cho những ai thích đồ gốm cổ.
Thu Hương