Tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong xã hội An Nam
Trong suy nghĩ của người An Nam, người cha trong gia đình là vị chúa tể đối với con cái. Họ có thể đòi hỏi chúng bằng tất cả mọi cách sự tôn kính và sự quy phục, bắt chúng làm nô lệ, bán chúng. Không những thế, hôn sự của con cái luôn được cha mẹ sắp đặt từ trước. Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” do PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên đã miêu tả, cha mẹ trong xã hội An Nam có quyền dựng vợ gả chồng cho con cái mà không cần hỏi đến sự đồng ý hoặc ý kiến của chúng. Trên thực tế, đây được xem là phong tục đã thỏa thuận với hợp pháp, không có trường hợp nào mà con cái có thể khiếu nại hoặc kiện cáo chống lại bố mẹ. Việc cưới xin nhất thiết phải tuân theo lễ thức, nó không thể hoàn thành và có giá trị nếu không tôn trọng những tục lệ và nghi thức thường thấy.
Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” còn viết về những tục lệ trong cưới xin trong xã hội An Nam cần phải tuân thủ nghi lễ: Ăn hỏi, trao đổi trầu cau, lễ gửi quà cưới đến cô dâu, lễ dẫn đồ sính lễ... Con cái trong xã hội An Nam được nuôi dạy rất tốt, nên tất cả con cái đều phải nghe lời cha mẹ.
Hữu Trưởng