Thăng Long - Kẻ Chợ qua hành trình lịch sử tám thế kỷ (từ triều Lý (đầu thế kỷ XI) đến cuối triều Lê Trung hưng (cuối thế kỷ XVIII)
Về đại thể, đây là diễn trình phức hợp đan xen giữa phát triển và suy thoái của kinh đô và quốc gia Đại Việt nói chung, với vận tốc không đồng đều, lúc từ từ tiệm tiến, lúc sôi động với nhiều đột biến nghịch lý.
Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt thời Lý có thể coi là một mô hình lai ghép kiểu hậu thuộc địa thời phong kiến, giữa cơ tầng Đông Nam Á bản địa và tầng bồi tụ Đông Á Trung Hoa, với tính trội nghiêng về cơ tầng bản địa (yếu tố tản quyền địa phương và cộng đồng làng xã). Thăng Long và Đại Việt thời Lý có thể có một cấu trúc còn sơ sài thiếu sót, chưa hoàn chỉnh về kinh tế văn hóa, nhưng trong một môi trường đầy hứa hẹn với những xung lực tuổi trẻ.
Thăng Long và Đại Việt thời Trần chuyển biến giằng co giữa thể chế quân chủ quý tộc và quân chủ quan liêu trong một thế lưỡng nguyên đối trọng. Tuy nhiên, với “Hào khí Đông A”, đây là thời đoạn mà bản sắc và bản lĩnh dân tộc có điều kiện bộc lộ rõ rệt nhất với ba cuộc kháng chiến thắng lợi chống giặc Mông - Nguyên.
Thăng Long và Đại Việt thời Lê sơ là một nghịch lý lớn. Chế độ quân chủ tập quyền và cấu trúc văn hóa đạt tới đỉnh cao, đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, cấu trúc đó lại gần như rập khuôn mô hình Đông Á Trung Hoa, mang tính xơ cứng. Phải chăng, ở đây kẻ thắng cuộc về quân sự - chính trị đã bị chinh phục lại về mặt văn hóa bởi kẻ thua cuộc?
Thăng Long - Kẻ Chợ và Đại Việt thời Mạc - Lê Trung hưng là một bức tranh đa sắc với nhiều gam màu tương phản, sáng tối. Một mặt, đó là thời đoạn lịch sử phát triển rực rỡ nhất về kinh tế hàng hóa, đô thị và mậu dịch đối ngoại cũng như về văn hóa nội - ngoại biên. Mặt khác, đó cũng lại là thời đoạn bùng nổ mãnh liệt nhất những cuộc tranh chấp xung đột cung đình, nội chiến Nam - Bắc và phong trào nông dân bạo loạn.
Người đọc, sau khi có một tầm nhìn tổng quan, khái quát về Thăng Long - Kẻ Chợ qua tám thế kỷ, có thể đi sâu rộng vào từng thời đoạn lịch sử: Lý, Trần, Lê, Mạc - Lê Trung hưng trong những cuốn sách chuyên sâu.
Tất nhiên, dù đã cố gắng, nhưng có thể đây đó vẫn có những chỗ còn sơ suất. Rất mong các bậc thức giả và đông đảo bạn đọc thông cảm, góp ý, chỉ ra những lỗi cần sửa chữa, để những lần tái bản sau bộ sách được hoàn thiện hơn.
Phòng Biên tập