Nghệ thuật múa - một loại hình nghệ thuật không thể thiếu với văn hiến Thăng Long – Hà Nội
Để xây dựng những nét thẩm mỹ đẹp đẽ nhất về phẩm chất của con người Thăng Long trong đời sống văn hóa, tinh thần thì bộ môn nghệ thuật múa góp phần quan trọng. Hà Nội có nghệ thuật múa từ lâu đời được tồn tại và phát triển tới ngày nay, hơn thế nó có đặc điểm của riêng mình và có đủ các hình thái múa dân gian, cung đình, tín ngưỡng, tôn giáo.
Với bố cục mạch lạc, chặt chẽ, cân đối, logic và nghiên cứu công phu qua gần 400 trang in, cuốn sách Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại sẽ mang đến cho người đọc những hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc, môi trường nảy sinh, bản chất và những nét đặc trưng, những giá trị sáng tạo văn hoá múa của người Thượng Kinh. Và hơn hết những giá trị văn hoá múa đó tồn tại và phát triển trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, cung đình hợp thành múa truyền thống của người Hà Nội. Đồng thời qua đó các tác giả cũng cho người đọc hiểu biết về nghệ thuật múa Hà Nội thời hiện đại thông qua nghệ thuật múa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp Hà Nội.
Cuốn Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại
Ngoài phần mở đầu “Tổng quan nghệ thuật múa Hà Nội, với cách điểm lược những sự kiện lịch sử có tác động trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật múa của Hà Nội, cuốn sách có hai phần, 8 chương và phần phụ lục.
Phần thứ nhất có tên gọi “Nghệ thuật múa truyền thống Hà Nội gồm 4 chương.
Chương I: Múa trong lễ hội cổ truyền. Nội dung của chương này cung cấp cho người đọc thấy được sự phong phú, đa dạng về hình thức và nội dung của các điệu múa dân gian trong các lễ hội trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Chương II: Múa Tín ngưỡng và Tôn giáo.Với sự trình bày công phu, có nhiều nhận định sắc nét, nắm vững nhiều tư liệu, thể hiện sự hiểu biết phong phú, sưu tầm nghiên cứu kỹ càng, vừa tiếp cận gần, vừa đứng xa để quan sát để có cái nhìn tổng thể rồi mới trình bày cụ thể, đó là cách mà các tác giả đã thể hiện về tín ngưỡng và tôn giáo qua nghệ thuật múa.
Chương III: Múa trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.Ở đây bạn đọc thêm một lần nữa hiểu rõ nghệ thuật múa Thăng Long – Hà Nội được hình thành và phát triển theo tiến trình lịch sử văn hóa của dân tộc nói chung và của vùng đất kinh kỳ nói riêng.
Chương IV: Múa cung đình Thăng Long.Qua nội dung của chương thể hiện rõ công sức tra cứu, trích dẫn các nguồn tư liệu trong nhiều cuốn sách: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Hoàng Lê Nhất thống chí, An Nam chí lược và nhiều công trình nghiên cứu, chuyên khảo về âm nhạc, về chèo, ca trù... Tác giả đã sắp xếp có hệ thống theo tiến trình lịch sử những vấn đề có liên quan đến múa, giúp người đọc có cái nhìn hệ thống, đầy đủ, hiểu biết thêm về múa trong cung đình Thăng Long.
Phần thứ hai: Nghệ thuật múa Hà Nội thời hiện đại gồm 4 chương.
Chương V: Múa trong lễ hội hiện đại. Từ sự truyền cảm của nghệ thuật múa trong lễ hội truyền thống đã tạo nên nét độc đáo với múa trong lễ hội hiện đại và nó đã được thể hiện qua những màn múa lớn như: lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội hay trong khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ XXII…
Chương VI: Nghệ thuật múa không chuyên Hà Nội. Đó là những màn múa của quần chúng đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ và phát triển mạnh qua những chương trình nghệ thuật múa không chuyên như Liên hoan nghệ thuật Uống nước nhớ nguồn hay hoạt động Nhảy múa tập thể. Hơn thế ở chương này các tác giả còn giới thiệu Các hình thức đào tạo múa không chuyên.
Chương VII: Nghệ thuật múa chuyên nghiệp Hà Nội. Ở đây các tác giả đã thể hiện Hà Nội là một trung tâm hàng đầu của nghệ thuật múa chuyên nghiệp ở nước ta. Đó là những trường đào tạo múa cũng như nhiều nhà hát ca múa nhạc đóng đô ở Hà Nội.
Chương VIII: Những công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa ở Hà Nội.Cũng bởi nghệ thuật múa của người Thăng Long không chỉ nổi trội bởi trong cơ cấu của nó có múa cung đình mang tính bác học và mặt độ phân bổ đều khắp các quận huyện, mà còn mang những đặc điểm riêng của văn hóa Kinh kỳ ở sự đa dạng của hình thức, thể loại nên nghệ thuật múa cũng là một đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu.
Phần cuối của cuốn sách gồm 9 phụ lục như: Danh mục múa trong lễ hội cổ truyền ở Thăng Long – Hà Nội; Các danh hiệu Nhà nước…Qua những phụ lục này giúp cho người đọc có thêm thông tin về bộ môn nghệ thuật múa của Thăng Long – Hà Nội truyền thống và hiện đại.
Với sự tâm huyết, say mê và trách nhiệm với nghệ thuật múa để giới thiệu một cách đầy đủ về nghệ thuật múa truyền thống và hiện đại ở Hà Nội, PGS.TS.NSND. Lê Ngọc Canh và nhóm biên soạn qua cuốn sách nhỏ đã phần nào phác họa cho người đọc thấy được tổng thể về nghệ thuật múa của Thăng Long - Hà Nội trong mối quan hệ với môi trường, địa lý, lễ hội, tín ngưỡng cũng như sự tác động tương quan trong quá trình hình thành và phát triển. Cuốn sách thật sự có giá trị và rất cần thiết cho những ai quan tâm đến nghệ thuật múa, một loại hình nghệ thuật không thể thiếu khi nói đến văn hiến Thăng Long – Hà Nội. Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn Nghệ thuật múa Hà Nội - truyền thống và hiện đại.
Lý Đàm
Nhà xuất bản Hà Nội