Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 30/05/2014 03:23
Những chặng đường lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua Tuyển tập văn kiện lịch sử

Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long, nay là Hà Nội. Với bề dày ngàn năm, Thăng Long - Hà Nội là nơi địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới, hình thành văn hiến Thăng Long - Hà Nội, toả chiếu mọi miền Tổ quốc. Tìm hiểu về lịch sử ngàn năm của Thủ đô không thể không tìm hiểu hệ thống văn kiện lịch sử liên quan đến các vấn đề hệ trọng nơi đây bởi mọi văn kiện đều là sản phẩm của lịch sử, chứa đựng thông tin lịch sử, đồng thời là các sử liệu có giá trị.

 

Ra đời trong những thời khắc lịch sử quan trọng và bao hàm những vấn đề lớn, văn kiện luôn mang tính lịch sử và cũng trở thành một nguồn sử liệu chính thống hết sức quan trọng khi nghiên cứu các vấn đề chung của quốc gia hay của một vài địa phương. Các văn kiện ấy có thể được lưu trữ trong các văn bản điển chế, pháp luật, các bộ chính sử hoặc cũng có thể được đề cập trong thơ văn hay các tài liệu lưu trữ khác và lâu nay đã được nhiều nhà nghiên cứu trích dẫn, sử dụng. Nhưng có thể nói, việc xuất bản các văn kiện này còn chưa có hệ thống, chưa được sắp xếp theo trình tự khoa học và thực tế nhiều văn kiện còn tồn tại nhiều dị bản, nhiều văn kiện quý báu hiện nằm trong kho lưu trữ quốc gia hoặc đang thất lạc, tản mát ở nhiều nơi, ở nhiều cơ quan, chưa được sưu tầm, nghiên cứu để xuất bản khiến cho việc sử dụng và khai thác thông tin hết sức khó khăn. Cuốn sách Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử do PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên đã tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện tiêu biểu, quan trọng nhất, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển Thủ đô.
 
Cuốn: "Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử"
 
Với 152 văn kiện được sắp xếp lần lượt theo diễn trình thời gian, căn cứ vào thời điểm chúng được ban hành, cuốn sách được chia thành 3 phần:

Phần thứ nhất: Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt, gồm 55 văn kiện. Văn kiện mở đầu cho phần này chính là Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn, mốc son bắt đầu sự tồn tại của một kinh đô Thăng Long tồn tại cho dến tận hôm nay. Cùng ở phần thứ nhất này ta thấy được sự thay đổi về chính sách, sách lược kinh tế, ngoại giao của đất nước trong hơn tám thế kỷ, cho thấy những dấu mốc quan trọng của lịch sử như đánh Nguyên, bình Ngô cho đến những quy định chung trong cuộc sống như “Lệnh cấm tụ tập chọi gà trong kinh” hay “Định lại thuế chợ”...

Phần thứ hai: Hà Nội thời Pháp thuộc, 17 văn kiện. Phần này bắt đầu bằng Chỉ dụ do vua Thành Thái ký ngày 3/10/1888, chính thức biến Hà Nội thành nhượng địa của Pháp. Các văn kiện ở phần thứ hai này tập trung đi vào những nghị định quy định cụ thể cho Hà Nội dưới thời Pháp thuộc như ấn định ranh giới, tổ chức các khu bản xứ,... và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng từ khi thành lập Đảng đến những ngày trước khi tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Phần thứ ba: Hà Nội từ năm 1945 đến nay, bắt đầu bằng Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và kết thúc là Nghị quyết 15NQ/QH ngày 1/8/2008 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc mở rộng địa giới Hà Nội, gồm 80 văn kiện. Từ năm 1945 đến nay là giai đoạn không dài nhưng lại là thời kỳ có nhiều đổi thay trong lịch sử với hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc cùng những năm tháng đổi mới, xây dựng đất nước nên số lượng các văn kiện vô cùng đồ sộ. Tập thể tác giả đã chú trọng và ưu tiên các văn kiện thuộc những thể loại quan trọng nhất, bao gồm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội, sắc lệnh, chỉ thị của Chủ tịch nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Với vai trò thủ đô của cả nước, những văn kiện được tuyển chọn không chỉ đề cập đến vấn đề trực tiếp của Thăng Long - Hà Nội mà còn bao quát những vấn đề của cả quốc gia, dân tộc.

Trong tuyển tập này, các văn kiện được tập hợp đều tiêu biểu, có giá trị cao, mang ý nghĩa sâu sắc, liên quan đến các vấn đề lớn, đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên mọi lĩnh vực từ chính trị, quân sự, ngoại giao đến kinh tế, văn hóa, xã hội... Bên cạnh những văn kiện chỉ mang tính nhất thời, theo yêu cầu quản lý của bộ máy hành chính hoặc xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, một số văn bản được tuyển chọn thực sự là những “áng thiên cổ hùng văn”, dồn nén trong đó tinh thần và ý chí thời đại như Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh... khiến cho tên tuổi Thăng Long – Hà Nội, Đại Việt – Việt Nam trở nên bất hủ.

 

Trước một số lượng văn kiện vừa ít ỏi, vừa đồ sộ tùy theo thời gian lịch sử, việc tập hợp được 152 văn kiện tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội đã cho thấy nỗ lực, sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm rất lớn của đội ngũ các tác giả góp phần làm phong phú hơn tư liệu văn hiến của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm tuổi. Tất cả đã khiến Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử thực sự là một một tư liệu hữu ích không chỉ cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn cho đông đảo độc giả Thủ đô và cả nước.

 

Nguyễn Thị Dung

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)