Tư tưởng giáo dục trong văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục – lối mở cho giáo dục Việt Nam hiện nay
Năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời trong phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX. Dù thời gian tồn tại chỉ có 9 tháng (từ tháng 3/1907 đến tháng 12 /1907) nhưng những gì ngôi trường này làm được đã để lại dấu ấn khó quên trong lịch sử giáo dục đất nước từ chính những đổi mới trong phương châm, nội dung và phương pháp giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam là xã hội thực dân nửa phong kiến vẫn lấy Nho giáo làm tư tưởng chính thống. Những nguyên tắc, lễ nghi, giáo lý của Nho giáo vẫn bó buộc con người. Trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp giải phóng đất nước cùng sự ảnh hưởng rộng rãi của luồng tư tưởng phương Tây các trí thức, sĩ phu yêu nước nhận thấy cần phải duy tân đất nước. Nhiệm vụ đó nền giáo dục Nho giáo, Hán học truyền thống không thể đáp ứng được, trong khi các thế hệ nhà Nho lại cố chấp không chịu thừa nhận sự thất bại của hệ tư tưởng Nho giáo trong xã hội. Vì vậy các trí thức của Đông Kinh Nghĩa Thục đã lên án, phê phán những nhà Nho bảo thủ đương thời bằng các bài Điếu hủ Nho, Tế sống thầy đồ hủ, phê phán lối học, khoa cử của Nho giáo. Đó là lối học mà “… cứ cắm đầu cắm cổ đọc những cuốn sách trống rỗng, không thiết thực, kiến thức thiếu thốn. Học xong đi thi, hoặc mong ở chỗ văn hay, hoặc sao chép những lời cũ rích. Bất hạnh mà hỏng, thì trở về làm kẻ sĩ, làm thầy đồ, chờ khoa thi sau. Thế là suốt đời mong làm công khanh đại phu mà không bao giờ được. May mắn thì thi đỗ làm quan không thì cũng được đứng đầu một làng xã, cho như thế là vinh. Cho nên đứa trẻ mới lớn ba tấc học được cách làm bài cũng vênh váo tự phụ sẽ là công khanh đại phu, không thèm ngang hàng với nông công thương…” (Đông Kinh Nghĩa Thục và văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục - Trang 286). Theo quan điểm của Đông Kinh Nghĩa Thục, khoa cử Nho học chính là nọc độc không những giết chết óc sáng tạo mà còn làm tê liệt tinh thần đối kháng của người dân, nó đào tạo ra những “kẻ sĩ” những nhà Nho “trói gà không chặt” không có tư tưởng cải cách xã hội. Do đó Đông Kinh Nghĩa Thục đã xây dựng một nền giáo dục mới mà ở đó “giáo dục phải phổ cập”. Có nghĩa là “cả nước không một người nào không được đi học. Con người sinh ra mà khác loài vật là nhờ giáo dục… Nước không có giáo dục phổ cập thì quốc dân chia ra thành nhiều tầng, nhiều lớp, người giỏi, người ngu cách xa nhau, không thể đem đạo lý ra để có một kế hoạch chung được… Giáo dục là nhằm cho các tầng lớp người vốn khác nhau về trình độ trở thành hiểu biết ngang nhau để cùng làm nhau văn minh tiến lên…” (Đông Kinh Nghĩa Thục và văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, trang 282). Có thể nói ngay từ đầu Đông Kinh Nghĩa Thục đã coi giáo dục là yếu tố hàng đầu để cải cách và xây dựng đất nước, hay như chúng ta vẫn nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu của quốc gia” mà ở đó mọi người dân phải được học hành, “có quyền và nghĩa vụ học tập”. Đó là một tư tưởng tiến bộ vì sự phát triển của đất nước cũng như về sự bình đẳng giữa người với người.
Phương pháp giáo dục mới được Đông Kinh Nghĩa Thục đưa vào trường học với sự tự do tiếp nhận các luồng tư tưởng, sách báo, tài liệu của nước ngoài chứ không chỉ giới hạn trong tứ thư, ngũ kinh như giáo dục Nho giáo. Đồng thời, người học được tự do trình bày ý kiến, suy nghĩ, tự do tranh luận, diễn thuyết với nhau. “Cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phài nề hà. Không cần thể cách gì hết” (Văn minh tân học sách). Phương pháp thi cũng được sửa đổi, theo đó khuyến khích tinh thần tự do tư tưởng, bỏ lối học thi theo văn biền ngẫu, trong khi chưa theo lối thi của phương Tây thì chỉ hỏi thi trong văn sách và luận, câu hỏi thi hạn định trong kinh và sử, cùng với những bài thi quốc ngữ và toán pháp… Có thể nói đây là những bước đi táo bạo trong việc thay đổi phương pháp học và thi của Đông Kinh Nghĩa Thục, tạo sự khích lệ đối với người học được tự do trình bày suy nghĩ của mình, phát huy óc sáng tạo của cá nhân. Cũng chính Đông Kinh Nghĩa Thục là trường học đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thành công trong việc tách rời thi cử ra khỏi giáo dục, học không chỉ là để đỗ đạt mà “cốt để làm người dân, chứ không học lối từ chương khoa cử”, “thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hướng của mình”… Đây thực sự là những tư tưởng tiến bộ mà nền giáo dục hiện nay cần phải suy ngẫm.
Cùng với sự thay đổi phương pháp giáo dục thì nội dung học cũng được thay đổi. Ngoài việc học kinh, sử, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng cổ suý cho việc học các môn như: Địa lý, toán pháp, thể dục, giáo dục công dân và kinh tế chính trị. Giáo dục là để người dân học được những kiến thức, những cái có ích cho cuộc sống và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là học để kiếm chút bổng lộc công danh.
Để đạt được mục đích, Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức. Trước đó các nhà Nho vẫn coi chữ Quốc ngữ là phương tiện của chủ nghĩa thực dân truyền bá chính sách xâm lược, coi đó là kiểu chữ “mọi rợ”, “ngoằn ngoèo như con giun”, nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục lại coi đó là kiểu chữ dễ học, dễ phổ cập đến với quần chúng nhân dân. Trong Văn minh tân học sách đã viết “người trong nước đi học lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ con cũng đều biết chữ, và người ta có thể dùng chữ quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay… Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy”. Chính việc đề cao chữ quốc ngữ của Đông Kinh Nghĩa Thục đã đưa tiếng Việt của nước ta có vị thế trên trường quốc tế. Đó là công lao đầu tiên không thể phủ nhận được của Đông Kinh Nghĩa Thục đối với nền giáo dục Việt Nam.
Có thể nói, những tư tưởng cải cách, đổi mới giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục cách đây đã hơn 100 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là việc hướng tới xây dựng một nền giáo dục hiện đại, bình đẳng, chú trọng thực tiễn và cầu thị. Đây thực sự là những bài học quý giá cho những người làm giáo dục Việt Nam hiện nay, khi mà giáo dục nước ta đang gặp phải những khó khăn chưa tháo gỡ được, đó là sự bế tắc trong phương pháp học, thi, cùng sự rối loạn trong nội dung học ở các cấp học… Đó là những vấn đề đòi hỏi các nhà lãnh đão, quản lý giáo dục phải nghiên cứu, tìm hiểu để làm cuộc “cách mạng” như Đông Kinh Nghĩa Thục đã từng làm.
Hoàng Tâm
Nhà xuất bản Hà Nội