Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 25/07/2014 03:37
Số phận con người từ chiến tranh đến đổi mới qua các tiểu thuyết trong “Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” tập 8

 

Nhà văn Nga A. Tônxtôi từng đánh giá chiến tranh là siêu đề tài của văn học. Và bởi thế, dù chiến tranh đã đi qua lâu nhưng những trang viết về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, về cuộc sống hậu chiến vẫn còn sức nóng, vẫn gợi bao trăn trở, nghĩ suy trong lòng người đọc. Ở Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội tập 8, nhóm biên soạn đã dành trọn vẹn dung lượng cho cuộc hành trình của số phận con người từ chiến tranh đến đổi mới qua những tiểu thuyết Lửa từ những ngôi nhà (Nguyễn Minh Châu), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Cuốn gia phả để lại (Đoàn Lê), Ngựa và xe chạy dưới ánh trăng (Hồ Anh Thái), Phố (Chu Lai).


 

 

Được viết từ năm 1977, trong bối cảnh thời chiến nhưng không trực tiếp viết về những khói bom, lửa đạn nơi chiến trường mà Lửa từ những ngôi nhà của Nguyễn Minh Châu là những suy nghĩ sâu sắc về vai trò của gia đình đối với cuộc sống của người chiến sĩ. Đó là cuốn sách ông viết lâu nhất, tới 7 năm, cũng là cuốn sách mà ông rất tâm đắc. Lửa từ những ngôi nhà là bộ mặt khắc khổ của những người lính từng là anh hùng nơi chiến trường nhưng xa lạ với lo toan đời thường sau chiến tranh, sống bất an trong hòa bình. Trong những trang viết của Nguyễn Minh Châu, cuộc sống hiện lên đa chiều, đầy những vết nham nhở, góc cạnh, ở đó có cả niềm vui lẫn nỗi buồn, sự vật vã, bức bối phức tạp và bất an. Nhà văn đã đi sâu vào những “góc che khuất” của chiến tranh, của tâm hồn con người, điều mà trước đây, do nhiều nguyên nhân buộc ông phải “ngoảnh mặt làm ngơ” hoặc nhìn nhận khác. Qua chuyện về thăm hậu phương của những người lính như Nhàn, Tiến và những đồng đội của họ… cùng cuộc sống nơi Hà Nội, chốn hậu phương của những Huy, Phượng, Tuy… nhà văn vừa gợi lên những thanh âm ấm áp như “tiếng reo vui của ngọn lửa dưới mỗi mái nhà, trong bếp núc của mỗi căn gác xinh nhỏ và ấm cúng” vừa có nỗi lo âu trước những vấn đề nhức nhối trong đời sống nhân sinh thế sự… Và chính Nguyễn Minh Châu tâm sự: “Cái tập mới này của tôi - Lửa từ những ngôi nhà - sẽ viết về những chuyện vơ vẩn trong chiến tranh, sẽ làm cho người ta cảm thấy chiến tranh len vào khắp mọi chuyện, khắp mọi con người. Chiến tranh là cả một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là công việc của mấy ông lính”.

Nếu Lửa từ những ngôi nhà viết về chiến tranh thì tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn đi vào khám phá cuộc sống gia đình thành thị những năm 80, giai đoạn xã hội giao thời đang có những biến động. Với tiểu thuyết này, Ma Văn Kháng đã đi sâu vào vấn đề: Truyền thống gia đình, một vấn đề được coi là nhạy cảm, đang bị xem nhẹ trong giai đoạn này. Và nhà văn đã phải đặt ra câu hỏi: “Gia đình, giọt nước của biển cả, cá thể của xã hội, liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này?”. Gia đình ông Bằng, một gia đình chính gốc Hà Nội vốn được coi là gia giáo, nền nếp, coi trọng truyền thống, năm anh con trai anh là liệt sĩ, anh là  trung tá quân đội, anh là nhà báo, anh học nước ngoài, những cô con dâu đảm đang, tình nghĩa, nhân hậu nay đang có những biến động lớn bởi những biến động không ngừng của xã hội. Nhưng rốt lại, người đọc có thể vững tin vào cuộc sống, vào điều nhân, thiện khi còn những con người như Luận đầy nghị lực, bản lĩnh, Phượng nhân hậu, thương người, có chị Hoài - cô con dâu trưởng dù đã có gia đình khác nhưng vẫn quan tâm, tình nghĩa với gia đình này để thấy phía trước vẫn có đường sáng.

Tiếp nối mạch nguồn về cuộc sống thời hiện đại, khi cơn gió đổi mới đã thổi đến từng nhà, từng người, Cuốn gia phả để lại là một tiểu thuyết được viết chắc tay với những trăn trở, suy ngẫm của nhà văn Đoàn Lê về cái vẫn bám rễ lâu bền trong cuộc sống của mỗi người Việt Nam, ấy là gia đình, dòng tộc. Cái tưởng là căn cội, gốc rễ không dễ bề thay đổi ấy đang lung lay trước cơn bão táp thời mở cửa. Nhân vật trong Cuốn gia phả để lại không chỉ là những số phận đơn lẻ, mà là loại “nhân vật tập thể”, ở đây là cả một dòng họ, mà hiển hiện rất sống động. Do chuyện phế trưởng, lập thứ; chuyện vợ lẽ con thêm bị coi như đứa ở, con hoang; chuyện tranh giành mảnh đất có ngôi nhà thờ họ… khiến xung đột đổ máu có thể bùng nổ. Nhân vật - dòng họ - dưới ngòi bút Đoàn Lê lúc mang màu sắc truyền thuyết, khi thì hiện đại, sinh động qua biết bao chi tiết đời thường. Vợ chồng Mỗ - Tự và bà mẹ sống hiền lành, trong sáng, nhưng khi cần thiết cũng biết phản kháng quyết liệt. Cánh họ Trần cùng nhóm mợ phán Ba, Ngọc Đường, Ty, là nhân vật quay quắt, xảo quyệt, mưu sâu kế hiểm, gian tham và độc ác đến trắng trợn. Kết thúc mở của cuốn tiểu thuyết gợi cho người đọc những suy ngẫm dài, rộng phía sau những con chữ.

Còn trong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái lại nêu lên được một cách khá sắc sảo tâm lý hoang mang của con người thời hậu chiến. Cái nhìn của nhà văn đã thoát khỏi cảm hứng ngợi ca thường có của văn học ta để nhìn sâu vào những dòng chảy tâm lý bên trong. Con người ta đi vào đời với đôi bàn tay trắng, sạch sẽ và lương thiện. Nhưng rồi càng đi càng phải giữ mình cho trong sạch, vậy mà đời cứ luôn muốn nhấn người ta vào sắc dục, vào những chỗ không được lương thiện lắm. Các nhân vật trong tiểu thuyết đều còn trẻ, Toàn, Hiệp, Trang, Minh… mỗi người một thân phận, bị cuộc sống xô dạt về những nẻo khác nhau và họ phải vật lộn với số phận trên con đường của cuộc đời mình. Với Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái đã khẳng định được một vị trí trong văn chương Việt Nam hiện đại. Ông đã có ý thức trách nhiệm của một nhà văn trước đời sống. Điều đó thể hiện qua cách tạo dựng những nhân vật có cá tính đa dạng, có nhân cách phức tạp, nhất là nhân vật Toàn; thể hiện trong cách nêu vấn đề khá nhân bản rằng, hết chiến tranh tưởng chừng con người không còn mất mát gì nữa, vậy mà chúng ta lại phải chịu thêm nhiều mất mát khác.

Chung những suy ngẫm như Hồ Anh Thái nhưng tiểu thuyết Phố của Chu Lai lại lấy bối cảnh là phố nhà binh những năm đầu của đổi mới, vào khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh. Những biến động trong lòng con phố ấy chính là những biến chuyển mạnh mẽ của cơ chế mới đang diễn ra trong toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội. Trên khu phố nhà binh, những Nam, những Lãm, những Thảo, những Trọng Bình… đã phải đối diện với sự dằn vặt, đau khổ, với những bi kịch, ẩn ức trong cuộc đời hậu chiến của mình. Nam là một sĩ quan có trình độ, anh lấy một người vợ thảo hiền, nết na và có một cô con gái xinh xắn. Hạnh phúc gia đình giản dị và có vẻ bền chặt, vững chắc. Vậy mà theo vòng quay không cùng của cuộc sống, gia đình bé nhỏ ấy cùng những số phận nhỏ bé, những hạnh phúc mong manh đã tan biến với những bi kịch khắc khoải mà đầy ám ảnh.

Đọc Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội tập 8 dù là tác phẩm viết về chiến tranh hay hòa bình, dù nói đến bất hạnh hay niềm hạnh phúc thì cũng đã khơi dậy trong tâm khảm người đọc niềm thương, niềm yêu ở cuộc đời dẫu còn đầy nhọc nhằn, vất vả này. Xin mượn lời của nhà văn Aimatốp khi nói đến những tác phẩm văn chương, rằng nó phải biết: “khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác, khát vọng khôi phục bảo vệ những cái tốt đẹp”. Có lẽ những tác phẩm trong cuốn tuyển tiểu thuyết này đã làm được như vậy!


Nguyễn Dung

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)