Thăng Long – Hà Nội trong tiểu thuyết lịch sử
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, với ông tình yêu Hà Nội rất cụ thể, nó được thể hiện trên những trang văn viết về lịch sử Việt Nam ở các triều đại mà trong đó kinh thành Thăng Long luôn là tâm điểm. Chỉ với khoảng thời gian gần nửa thế kỷ cầm bút, nhưng một Thăng Long – Hà Nội đã được tái hiện một cách toàn cảnh qua Trăng nước Chương Dương, Người Thăng Long, Khúc khải hoàn dang dở. Qua những tiểu thuyết của ông chúng ta không chỉ thấy không khí của “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù, hay những tiếng hô “Sát Thát”, biểu hiện sự đoàn kết của vua tôi một lòng chống giặc ngoại xâm phương Bắc… mà còn thấy cả một kinh thành Thăng Long xưa với những thành quách, lâu đài uy nghi, rộng lớn, những phường nghề được xây dựng bởi bàn tay “vàng” của các nghệ nhân khắp các vùng miền hội tụ về mảnh đất Kẻ Chợ. Qua những trang viết của ông, kinh thành Thăng Long như sống dậy với hào khí Đông A vang dậy non sông.
Không những thế, chúng ta còn bắt gặp cốt cách văn hoá của người Tràng An qua hình ảnh con người tài hoa, giỏi cầm, kỳ, thi, hoạ, có đôi tay tài năng, có khả năng thổi hồn vào các vật phẩm tạo nên những thứ đẹp đẽ, những tuyệt tác của cuộc sống, tinh tế trong từng công việc, nếp nghĩ, sinh hoạt. Họ là những bậc thân vương tài giỏi nhà Trần làm nên hào khí Đông A như: một vị vua cần kiệm, làm việc cẩn thận nghiêm ngặt Trần Thánh Tông, một Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn “quắc thước, gân guốc, râu ba chòm dài rậm, đôi mắt sáng lấp lánh, uy nghiêm…”, một Chiêu Minh vương Trần Quang Khải “linh hoạt và sắc sảo” và một Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật “thông minh, tháo vát, văn võ song toàn, có tài kinh bang tế thế” nhưng rất tự tin thanh lịch, hào hoa… Đó còn là một Đỗ Vỹ tài hoa, đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình và là một anh hùng của của triều đại nhà Trần trong “Khúc khải hoàn dang dở”. Tất cả họ đều là những vị thân vương “kiến văn quảng bác, đọc thông kim cổ bốn phương, hào khí hiên ngang, trí lực sâu sắc, có tài nguyên thủ và có đức thu phục được trăm họ…”. Những con người Thăng Long ấy được nhà văn Hà Ân tạo dựng nên một cách thi vị và ngọt ngào. Ở đó các nhân vật sống trong một thế giới rất riêng, họ tự sống, tự hít thở bầu không khí lịch sử, tự suy nghĩ và hành xử đúng với thời đại của mình chứ không còn là những áp đặt sống sượng của người viết nên lịch sử. Bên cạnh đó là những nhân vật, những con người dù không mang dòng máu hoàng tộc nhà Trần, cũng không sinh sống trên đất Kinh kỳ nhưng cũng mang trong mình bầu nhiệt huyết, tinh thần và hào khí Đông A cùng với lối sống giản dị, chân thận của những vùng quê của Đại Việt, đó là Hoàng Mãnh, Trịnh Mác, cô Mơ, cô Tầm…
Có thể nói, trong nền văn học Việt Nam, nhà văn Hà Ân xứng danh là cây đại thụ trong các nhà văn đương đại viết về lịch sử. Đọc tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hà Ân, bạn đọc không cảm thấy sự khô khan, trúc trắc bởi các sự kiện lịch sử bởi lẽ ông đã đi vào nội tâm nhân vật, lý giải vấn đề lịch sử bằng cái nhìn của ngày nay, cùng với sự tưởng tượng của nhà văn. Tất nhiên ông vẫn là tôn trọng chính sử, coi chính sử là cái mốc thời gian để trên đó hư cấu theo ý đồ của mình để nêu lên những ý nghĩa nhân văn và đạo đức cao cả. Nhắc đến ông là nhắc đến một con người hào hoa, thanh lịch nhưng rất uyên bác và am hiểu lịch sử. Với những tiểu thuyết lịch sử viết về Thăng Long – Hà Nội đặc biệt là bộ tiểu thuyết trường thiên “Người Thăng Long”, Hà Nội của nhà văn Hà Ân đã đến từ những câu chuyện rất nhỏ, với những góc nhìn độc đáo và tinh tế cũng giống như những trang sách của ông. Dù chỉ tái hiện được lịch sử trong một lát cắt là vương triều Trần nhưng ở đó khung cảnh, đất và người Thăng Long lại được tạo dựng một cách oai hùng, lắng đọng và đi vào chiều sâu từ chính những điều bình thường nhất đó là lối sống, là nếp nghĩ, cách ứng xử, nếp sinh hoạt tinh tế, khéo léo và thanh lịch của người Tràng An. Có lẽ đó cũng là tấm lòng của một người đã dành tình yêu trọn vẹn cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Khánh Minh
Nhà xuất bản Hà Nội