Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 25/07/2014 03:36
Văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu – Biểu tượng đẹp của văn hóa Thăng Long

Cuốn sách Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là khối di sản văn chương đồ sộ của Thần Siêu, là món quà mà nhóm biên soạn và Nhà xuất bản Hà Nội gửi tặng Thăng Long – Hà Nội nhân Đại lễ kỷ niệm ngàn năm tuổi.

 

Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là một danh nhân Thăng Long – Hà Nội sinh ra, lớn lên và gắn bó trọn đời với mảnh đất này. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu và nhà giáo nổi tiếng thế kỷ XIX được người đời xưng tụng là Thần Siêu. Lâu nay việc nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu công bố những tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu được nhiều học giả quan tâm. Tuy nhiên với khối lượng tác phẩm văn thơ đồ sộ của ông thì số tác phẩm đã dịch, giới thiệu còn khá ít ỏi và tản mát. Việc dịch và công bố các tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu dường như mới chỉ tập trung vào mảng văn mà chưa khai thác hết những tinh túy trong thơ ông. Đây là sự thiếu hụt trong quá trình tìm hiểu về một trí thức lớn, uyên bác, một nhà giáo gương mẫu, một nhà khảo cứu nghiêm túc, một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đáng trân trọng của đất Kinh kỳ. Để bổ sung sự thiếu hụt đó, Nhà xuất bản Hà Nội đã mời PGS. Trần Lê Sáng - người có nhiều năm nghiên cứu về danh nhân Nguyễn Văn Siêu  cùng các cộng sự biên soạn bộ Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.
 
Công trình Tuyển tập thơ văn Phương Đình Nguyễn Văn Siêu gồm 4 tập đã tập hợp, dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu gồm cả văn và thơ. Nguyễn Văn Siêu viết văn từ khi còn đi học cho đến khi thôi làm quan về quê mở trường dạy học. Do đó những sáng tác của ông cũng ở trong những hoàn cảnh khác nhau khi thì vui thú bạn bè, khi thì đi sứ nhà Thanh, khi thì du ngoạn danh lam thắng cảnh... Chính hoàn cảnh sáng tác đa dạng như thế nên văn chương của ông cũng đa dạng về loại hình. Có văn học hành chức, chức năng; có văn học ký sự, tùy bút; có văn học khảo cứu; có văn học du hí… và đặc sắc nhất là văn học trữ tình mà nổi bật nhất là thơ. Thơ của ông chủ yếu là các thể thơ: Đường luật, thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt,… Đặc biệt với Phương Đình thi loại nhóm biên soạn đã tuyển, phiên âm, dịch mới và giới thiệu các tác phẩm của cả bốn tập thơ Anh ngôn tập, Vạn lý tập, Lưu lãm tập, Mạn hứng tập. Có thể nói Tuyển tập thơ văn Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là công trình đồ sộ và đầy đủ nhất về sự nghiệp văn thơ của Nguyễn Văn Siêu từ trước đến nay. Nội dung thơ ông rất phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều bài phản ánh đời sống nghèo đói, cực khổ, loạn lạc của nhân dân thời ấy, ví như bài "Tự Bắc Ninh phó Hải Dương vịnh hoài"; "Nhân tự Bắc Ninh lai, ngôn Bắc Ninh sự, cảm tác"; và lòng tự hào về đất nước, về nhân dân, về dân tộc (Chương Dương độ). Bên cạnh đó, ông cũng làm nhiều bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên quê hương đất nước mà cụ thể và đặc sắc nhất là cảnh sắc Hà Nội (Thăng Long hoài cổ, Nhị Hà); và làm nhiều bài thơ để trao đổi, gửi tặng cho bạn bè, trong đó có Cao Bá Quát... Nhìn chung, với hơn nửa thế kỷ cầm bút Nguyễn Văn Siêu đã để lại cho đất nước, cho muôn đời sau một sự nghiệp văn chương đồ sộ, được dư luận đương thời và hậu thế suy tôn lên bậc thần.
 
Có thể nói, Nguyễn Văn Siêu là một trí thức trong sạch, đạo đức cao đẹp, học thức uyên bác, một nhà giáo gương mẫu, một nhà nghiên cứu nghiêm túc, một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đáng trọng. Ngoài việc là một học giả uyên bác, Nguyễn Văn Siêu còn đóng góp công sức lớn xây dựng và tôn tạo các danh lam thắng cảnh Hà Nội vào thế kỷ XIX như: sửa sang ngôi đền Ngọc, bắc lại cầu Thê Húc nối bờ đông với đảo Ngọc, bồi đắp thêm cho núi Độc Tôn và xây trên đó ngọn Tháp Bút với ý tứ sâu sắc “Tả thanh thiên”. Ba chữ “Tả thanh thiên” là một biểu tượng đẹp, đủ sức ôm chứa cả văn hóa, văn chương Thăng Long rực rỡ, tinh khiết, ngất trời trong tâm tưởng muôn đời của người dân Hà Nội nói riêng của người dân Việt Nam nói chung. Ông là nhà Nho hành xử theo Đạo, song cũng tự tin và ngang tàng, dám khen cái người khác không dám khen, chê cái người khác không dám chê. Ông đích thực là một nhà văn lớn, nhà thơ lớn của nước ta. Với ông viết là vì trách nhiệm, vì hứng thú, không vì danh. Nguyễn Văn Siêu xứng đáng là một nhà văn hóa, một nghệ sĩ danh tiếng của Thăng Long.Sự nghiệp văn chương của ông là một tài sản tinh thần quý báu của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.
 
Công trình Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là khối di sản văn chương đồ sộ của Thần Siêu, là món quà mà nhóm biên soạn và Nhà xuất bản Hà Nội gửi tặng Thăng Long – Hà Nội nhân Đại lễ kỷ niệm ngàn năm tuổi. Bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách này những giá trị văn chương, lịch sử, địa lý, văn hóa không chỉ của Thăng Long - Hà Nội mà của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó càng thêm tự hào về truyền thống văn hóa ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, tự hào hơn về những danh nhân đã góp phần làm nên những bản sắc văn hóa truyền thống đất Tràng An.
 
 
Khánh Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)