Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 30/07/2014 03:28
Lý Thường Kiệt – lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý

“Vẫn biết sống về tương lai nhưng dĩ vãng là gương nên ngắm lại” - đó là một trong những ý tưởng và nguyện vọng của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi kết lại lờiTựa cho cuốn sách Lý Thường Kiệt của mình (cuốn sách đã được Nhà xuất bản Sông Nhị xuất bản năm 1949). Hướng đến ý nghĩa đó, đồng thời hướng tới kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội và cũng là dịp tưởng nhớ tới công lao của các anh hùng dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Hà Nội tái bản cuốn sách Lý Thường Kiệt với tiêu đề Lý Thường Kiệt và lịch sử ngoại giao tông giáo triều Lý.

 

Đây là món quà tri ân tới những người anh hùng dân tộc, những người đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam và cho Thăng Long - Hà Nội mãi trường tồn, và cũng là dịp để người dân Việt Nam nói chung, người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng “ngắm lại” một quá khứ hào hùng của dân tộc ta.

Để có thể viết được cuốn sách này, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dành rất nhiều công sức và thời gian thu thập tư liệu trong các thư tịch cổ của nước ta và Trung Hoa, từ chính sử đến các loại bi ký, thần tích, gia phả. Tác giả đặc biệt coi trọng các thư tịch và tư liệu gốc thời Lý và Tống hay khoảng thời gian gần đó. Chính Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên khai thác các bộ sử và tư liệu của nước ta như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh…Hay các thư tịch và các bộ sử cổ của Trung Hoa như: Tống sử viết thời Nguyên, Đông Đô sử lược của Vương Xưng thời Tống, Nhị Trình di thư của Trình Di… Có thể nói, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã khai thác triệt để các nguồn tư liệu, thư tịch cổ của nước ta và Trung Hoa có liên quan đến Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống quân Tống. Không những thế tác giả còn sử dụng nhiều tư liệu văn bia đã được phát hiện và đích thân ông đi tìm tòi, sưu tầm và khảo cứu nhiều văn bia còn sót lại ở nhiều địa phương liên quan đến Lý Thường Kiệt, ví dụ như bia chùa Báo Ân ở An Hoạch (Thanh Hóa); bia chùa Sùng Nghiêm diên thánh (Hậu Lộc - Thanh Hóa), bia chùa Sùng Thiện (Duy Tiên - Hà Nam); bia chùa Linh Xứng (Hà Trung - Thanh Hóa); bia chùa Hương Nghiêm ở Càn Nê (Hà Trung - Thanh Hóa); bia đền Lý Thường Kiệt ở Ngọ Xá (Hà Trung - Thanh Hóa)…

Dựa trên những nguồn tư liệu được thu thập và kiểm chứng chặt chẽ, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã phục dựng lại các sự kiện và diễn biến lịch sử, đồng thời phân tích, đánh giá một cách khách quan, trung thực. Ngay trong lời Tựa cho lần xuất bản thứ nhất Giáo sư đã tự đặt cho mình trách nhiệm: “Những việc tôi kể trong sách hoàn toàn có chứng và được dẫn chứng. Cũng trong các hạng chứng, tôi chỉ để ý đến chứng chính xác mà thôi. Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng, đó là những chuẩn thằng tôi đã theo trong khi viết cuốn sách này”.
 
Cuốn sách Lý Thường Kiệt – lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý.

Cuốn sách Lý Thường Kiệt – lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý gồm 15 chương được chia làm ba phần (Phần 1: Bại Chiêm phá Tống; phần 2: Kháng Tống - đòi đất; phần 3: Vì dân vì đạo). Nội dung của cuốn sách đã làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống Tống của dân tộc ta, nhưng đặt trên một nền tảng rộng lớn của lịch sử bao gồm toàn bộ tình hình mọi mặt của nước ta dưới vương triều Lý, nhất là tình hình chính trị, văn hóa, vai trò của Phật giáo cùng quan hệ bang giao và chiến tranh với triều Tống và triều Chămpa. Ngoài ra, cuốn sách còn có phần Phụ lục gồm các Bảng chỉ dẫn tên đất, Bảng chỉ dẫn tên người và các tên khác; các ảnh và bản đồ minh họa… Đặc biệt tác giả đã dành mục Dẫn tài liệu để phân tích, đánh giá các nguồn tài liệu sử dụng trong sách. Đồng thời sau mỗi chương còn dành phần Chú thích để chú giải các xuất xứ tài liệu và tiến hành so sánh, đối chiếu tư liệu rất công phu để đưa ra các xác minh, giám định về từng chương. Phần Chú thích này có giá trị như một cuốn từ điển về lịch sử và văn hóa nước Đại Việt dưới triều Lý để bạn đọc tiện tra cứu.

Với phương châm luôn giữ thái độ khách quan, công minh và để cho diễn biến lịch sử cùng các sự kiện tự nói lên sự thật lịch sử và người đọc tự rút ra nhận định của mình, tác giả không đưa ra những bình luận dài dòng, cũng không dùng những lời lẽ tôn vinh với các mỹ từ để ca ngợi các nhân vật lịch sử. Đọng lại sau toàn bộ sự nghiệp chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước của Lý Thường Kiệt chỉ là những dòng rất ngắn gọn: “Đọc hết đoạn sử này, ai cũng phải nhận rằng Lý Thường Kiệt có công đặc biệt đối với vận mệnh nước ta là mở cõi miền nam và miền bắc, chống thắng cuộc xâm lăng của nước ngoài và củng cố biên thùy mọi mặt khiến các lân bang kính nể… Công Lý Thường Kiệt là rất to. Tài cầm quân Thường Kiệt là cao đã đành mà đến chính sách nội trị và ngoại giao của Thường Kiệt cũng khéo”. Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc và đầy sức thuyết phục về trang lịch sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc ta cùng vai trò to lớn của các anh hùng dân tộc với những tài ngoài giao và quân sự khéo léo.

Xin kết lại bài viết này bằng những dòng tâm huyết mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết trong lời tựa cho cuốn sách của mình như lời nhắn nhủ đến các thế hệ mai sau: “Mong ai nấy thấy rằng lòng dũng cảm, chí quật cường của dân tộc ta ngày nay có cội rễ xa xăm,

Mong ai nấy nhận thấy một cách rõ ràng, cụ thể, sự nguy hiểm của một cuộc ngoại xâm, nhận thấy sự lo việc nước không phải chỉ ở đầu lưỡi mà cần hết cả lòng hy sinh, trí sáng suốt để xếp đặt, tính toán.

Đọc xong đoạn sử này, độc giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đủ tài năng, nghị lực để gây dựng, tổ chức và giữ gìn khoảnh đất gốc cội của Tổ quốc ta ngày nay, độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sĩ bây giờ vẫn chan hòa máu nóng của tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt. Dẫu nhất thời, có kẻ lỡ lầm làm hại nước, hoặc con dân một nước có ý tưởng dị đồng, trước nạn bại vong giọt máu ấy cũng đủ gây nên chí quật cường, lòng tương ái.

Vẫn biết sống về tương lai nhưng dĩ vãng là gương nên ngắm lại.

Vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng; nhưng trước lúc ấy, nước mình phải là một nước thật...”.


Hoàng Minh

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)