Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 30/07/2014 03:35
Tục ngữ ca dao dân ca Hà Nội – một tài sản văn hóa tinh thần quý báu

Cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Hà Nội do ThS. Nguyễn Thúy Loan chủ trì là một công trình khoa học đã tuyển chọn được những phần tinh túy nhất, cốt lõi nhất trong kho tàng thơ dân ca Thăng Long - Hà Nội.

 

Thăng Long - Hà Nội - một vùng đất đô hội ngàn năm văn hiến có kho tàng ca dao tục ngữ hết sức phong phú nên số lượng sách tục ngữ ca dao cũng đa dạng. Một trong những công trình đó phải kể đến Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, tập 1 (do các tác giả Triêu Dương, Phạm Hòa, Tảo Trang, Chu Hà sưu tầm, tuyển chọn) và Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, tập 2 (do tác giả Chu Hà, Trần Lê Văn, Nguyễn Vinh Phúc biên soạn). Ngoài ra còn một số phần được in chung với ca dao tục ngữ của các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt khu vực Hà Nội mới mở rộng bao gồm vùng văn hóa Xứ Đoài cổ có nguồn văn học dân gian hết sức phong phú và đa dạng, trong đó có ca dao tục ngữ. Do đó nhóm biên soạn do ThS. Nguyễn Thúy Loan chủ trì đã sưu tầm tuyển chọn để giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Tục ngữ ca dao dân ca Hà Nội. Đây là công trình không những có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn món quà tặng thủ đô Hà Nội nhân dịp sinh nhật ngàn năm tuổi.
 
Cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Hà Nội.
 
Cuốn sách Tục ngữ ca dao dân ca Hà Nội dù là tuyển chọn nhưng thực sự là một công trình mang tính tổng tập như một kho tàng khá đồ sộ với hơn 1000 trang khổ lớn. Để có được một công trình đồ sộ như vậy nhóm biên soạn đã dày công tuyển chọn từ rất nhiều nguồn tư liệu thành văn và tại các địa phương. Do đặc điểm của ca dao dân ca là có rất nhiều nguồn gốc và dị bản khác nhau, vậy nên nhóm biên soạn phải tuyển chọn, so sánh để lựa chọn những văn bản tương đối chính xác và chân thực. Đặc biệt phần chú thích được biên soạn khá kỹ và đầy đủ, góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn nội dung của câu chữ xưa một cách cặn kẽ, thấu đáo. Có thể nói, cuốn sách như một bộ sưu tập với nhiều thể loại có những đặc trưng riêng và hội đủ các thành tố của thơ ca dân gian Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, bao gồm tục ngữ, ca dao, dân ca, vè… Chính vì vậy nhóm biên soạn đã sắp xếp các thể loại theo những phương pháp khác nhau, bạn đọc sẽ dễ dàng tra cứu, tìm hiểu cuốn sách sau khi nghiên cứu Quy cách biên soạn được nhóm biên soạn trình bày cụ thể trong đầu sách.
 
Với tinh thần làm việc cần thận, tỉ mỉ và công phu, cuốn sách Tục ngữ ca dao dân ca Hà Nội đã phản ánh đầy đủ diện mạo văn hóa tinh thần của cư dân Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Trước hết, ca dao tục ngữ dân ca Thăng Long - Hà Nội phản ánh chân thực cuộc sống bình dị và truyền thống khéo tay hay nghề của Kinh thành Thăng Long. Nói đến Thăng Long xưa, bạn đọc hình dung ra một đô thị phong kiến, trong là hoàng thành, ngoài là cửa thành, gồm những phố phường, trại. Chính điểm trên đã dẫn đến Thăng Long - Hà Nội là nơi thu hút và tập trung nhiều làng nghề truyền thống “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”. Bạn đọc sẽ nhận ra hình ảnh 36 phố phường Thăng Long được đặc trưng bởi những làng nghề truyền thống qua những câu ca dao đặc sắc:
 
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
         Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang
      Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà…
 
Không những thế nếp sống văn hóa phong phú đa dạng, vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” cũng được nhiều thế hệ gìn giữ, phát huy và gửi gắm qua những câu ca dao bình dị, mượt mà: Em là con gái Phụng Thiên/ Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng/ Nữa mai chồng chiếm bảng rồng/ Bõ công sớm tối vun chồng bên nhau. Đặc biệt ca dao tục ngữ Thăng Long – Hà Nội còn phản ánh truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cư dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng của người Việt Nam nói chung. Ngày nay, mỗi năm đến ngày hội đền Sóc (6/1 âm lịch) người dân bất kỳ nơi đâu cũng không thể quên được những câu ca dao ca ngợi người anh hùng làng Phù Đổng thuở xưa:
 
                Nhớ xưa đang buổi triều Hùng
Vũ Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa
            Trời thương Bách Việt sơn hà
Trong nơi thảo mãng nảy ra kỳ tài
 Lên ba đang tuổi anh hài
 

Roi ngà ngựa sắt ra oai trận tiền…
 
Có thể nói Tục ngữ ca dao dân ca Hà Nội là một công trình khoa học đã tuyển chọn được những phần tinh túy nhất, cốt lõi nhất trong kho tàng thơ dân ca Thăng Long - Hà Nội. Qua đây bạn đọc sẽ nhận thấy vị thế của văn học Thăng Long - Hà Nội trong dòng chảy của văn học dân gian Việt Nam và sẽ hiểu tại sao các giá trị của văn hóa dân tộc muốn trở thành giá trị lớn đều ít nhiều phải khúc xạ qua “môi trường văn hóa Thăng Long”. Do đó có thể coi cuốn sách như một di sản văn hóa tinh thần vô cùng quý báu của cha ông ta mà các thế hệ tiếp nối cần ra sức bảo tồn và phát huy, để xây dựng một Hà Nội ngày càng hào hoa, thanh lịch, ngày càng văn minh hiện đại. Hy vọng rằng những giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội sẽ trường tồn cùng thời gian.
 
 
Hoàng Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)