Trang phục Thăng Long – Hà Nội – Đôi nét khám phá
Nhiều chứng cứ khoa học cho thấy người Hà Nội biết cách ăn mặc đẹp từ thời Hùng Vương. Nhìn vào những hình trang trí trên trống đồng Cổ Loa (đào được trong lòng đất Cổ Loa, Đông Anh - Hà Nội) đã có thể hình dung được người Hà Nội khi đó trong trang phục ngày hội: đầu đội mũ có gắn lông chim, quần áo cũng làm bằng lông chim. Cũng có thể đó là hình những chiến binh đang cầm vũ khí, trên vũ khí lại được cắm lông chim vì chim dường như là vật tổ của cộng đồng người Việt cổ khi đó, hình ảnh này được miêu tả sinh động và phổ biến trên trống đồng. Cũng có cảnh đôi trai gái giã gạo, người con trai được miêu tả như mặc khố chứ không phải mặc áo ngày hội. Hình ảnh trang phục còn được thể hiện hết sức sống động và duyên dáng nơi tượng người phụ nữ khắc họa trên cán dao găm thời này: mặc áo chẽn, bó gọn lưng ong, váy dài chấm gót, có nhiều hoa văn đẹp trên váy áo, thắt lưng ngang hông, đầu đội mũ cao, thắt dải ngang trán.
Trong các triều đại phong kiến, sự tổ chức bộ máy triều đình thể hiện ngay ở việc quy định trang phục của vua và các chức quan theo phẩm hàm không chỉ là biểu hiện bề ngoài của quyền lực mà còn khẳng định sự thống nhất về quyền lực của nhà nước phong kiến. Chính vì vậy những quy định về trang phục của vua, quan lại từ kiểu cách đến màu sắc mũ, áo, giày… đều được quy định rất rõ ràng và được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Giữa tầng lớp vua, quan và dân chúng có sự khác nhau về trang phục. Đàn ông thuộc tầng lớp bình dân trong trang phục lao động thường ngày, có thể vẫn là đóng khố, phù hợp với sản xuất cũng như thời tiết nóng ẩm. Nữ giới mặc váy cho đến thời Minh Mạng, khi nhà Nguyễn muốn thống nhất trang phục trong cả nước để thể hiện sự thống nhất đất nước “tháng Tám có chiếu vua ra, cầm quần không đáy người ta hãi hùng”.
Trong suốt gần hai ngàn năm trang phục bình dân không có sự thay đổi nhiều. Tuy nhiên tầng lớp quý tộc ở kinh đô Thăng Long thì trang phục khá cầu kỳ và được ghi chép rất kỹ càng trong sử sách. Vào thời Lý, năm Canh Thìn (1040), vua xuống chiếu phát hết gấm vóc ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc. Vào thời Trần, năm Hưng Long thứ tám (1300), quy định kiểu mũ áo: Quan văn thì đội mũ chữ đinh màu đen, tụng quan thì đội mũ toàn hoa màu xanh vẫn như quy chế cũ, ống tay áo của các quan văn võ rộng 9 tấc đến 1 thước 2 tấc. Các quan văn võ không được mặc xiêm, tụng quan không được mặc thường (mũ toàn hoa xanh có 2 vòng vàng đính vào hai bên)
Từ thời Lê về sau, trang phục quý tộc có quy định chặt chẽ hơn dựa trên phẩm hàm: Các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm thì áo: xuân, hạ dùng sa tàu; thu, đông dùng đoạn tàu; đều màu huyền; khăn: hàng văn thì hai tao (vòng), hàng võ thì một tao. Các quan tứ phẩm thì áo được dùng sa và đoạn nhưng bằng hàng ta. Các thị nội giám khăn binh đinh, sau đổi làm khăn lục lăng. Các quan văn võ và nội giám, được sung vào chấp sự, khi hành lễ và làm việc đều mặc áo thanh cát và đội mũ sa thâm. Quan văn khi vào hầu ở Nội các cũng vậy.
Có thể nói, trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt là ba triều đại Lý, Trần, Lê đã để lại những dấu ấn rực rỡ trong trang sử phát triển của đất nước. Trong đó chúng ta thấy hình bóng và ý nghĩa của trang phục cũng hiện lên rõ nét. Trang phục thời kỳ này không chỉ đa dạng về kiểu dáng, phong phú về màu sắc, tinh xảo trong chế tác mà nó còn thể hiện sự khá rõ nét ý chí độc lập tự cường của dân tộc Việt Nam, sự phồn vinh về kinh tế, ổn định xã hội của một thời kỳ khá dài thái bình thịnh trị. Đồng thời trang phụcgóp phần tạo nên cốt cách con người Việt Nam truyền thống mà nhiều nét đặc trưng, tốt đẹp vẫn được lưu giữ đến ngày nay.
Khánh Minh
Nhà xuất bản Hà Nội