Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 03/10/2014 05:14
Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng – khúc khải hoàn ca chiến thắng

Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 10/10/1954, dưới chân cột cờ linh thiêng, quân dân Thủ đô thay mặt quân dân cả nước làm lễ chào cờ lắng nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với muôn vàn tình cảm thân thương: “Tám năm qua, Chính phủ phải rời Thủ đô kháng chiến để cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn ở gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hoà bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà lòng vui mừng khôn xiết kể”. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng cả nước bước sang trang sử mới.

 
Niềm tự hào, vinh quang ấy thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng mà trong đó quân dân thủ đô Hà Nội là lực lượng trực tiếp kháng chiến trong lòng địch ở một chiến trường đặc biệt - đầu não của chế độ thực dân và của quân đội Pháp trên toàn Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn “Toàn dân toàn diện, trường kỳ kháng chiến”, Đảng bộ và quân dân Thủ đô đã bền gan, nhất trí, người trước ngã xuống, người sau vững bước tiến lên, để chiến đấu và chiến thắng, đi đến ngày giải phóng Thủ đô. Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng chính là ca khúc khải hoàn dành tặng cho nhân dân Thủ đô Hà Nội yêu dấu.

Ngay từ những ngày tháng khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Hà Nội đã là “chiến trường chính trong cuộc tổng giao chiến đầu tiên”. Bởi vậy “trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước”. Nhiệm vụ của quân dân Hà Nội lúc này là phải “giam chân địch ít nhất là một tháng” để tạo điều kiện cho cả nước bước vào chiến tranh. Trên tinh thần đó, ngay sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều cuộc giao chiến của quân dân Thủ đô với quân địch ở các vị trí như cầu Long Biên, Bắc Bộ phủ, trụ sở Bộ Quốc phòng, khu Đấu Xảo (Nay là Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô), Cửa Nam… Trong khi cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở nội thành thì ở ngoại thành tự vệ của các khu, nhân dân các làng xã thực hiện “vườn không nhà trống, “tiêu thổ kháng chiến”, quyết tâm ngăn chặn bước tiến của quân địch. Do đó kế hoạch tấn công chớp nhoáng Hà Nội của thực dân Pháp đã thất bại. Sau những thắng lợi ban đầu đó, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cùng nhân dân cả nước bước vào một cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh”.

Từ khi bị thực dân Pháp chiếm đóng, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân dân thủ đô Hà Nội đã vượt qua mọi gian khổ hy sinh, xây dựng nền tảng của cuộc kháng chiến. Trong nội thành các đơn vị bộ đội chủ lực được thành lập, các đơn vị tự vệ, xung phong được tổ chức và rèn luyện. Ở ngoại thành và các vùng nông thôn, làng kháng chiến đã phát huy tác dụng và tỏ rõ sức mạnh của chiến tranh du kích; làng chiến đấu mọc lên ở nhiều làng xã như: Tam Hưng (Thanh Oai), Vật Lại (Ba Vì), Nam Hồng (Đông Anh)…; các khu du kích mở rộng ở ngoại thành làm bàn đạp cho các lực lượng vũ trang Thủ đô tiến vào sào huyệt của quân địch. Cán bộ, đảng viên bám đất, bám dân, kiên cường bám trụ địa bàn để giữ gìn ngọn lửa kháng chiến, nhân dân một lòng thuỷ chung nuôi giấu cán bộ, nhận cái chết về mình, thanh thản hy sinh với niềm tin sắt đá vào thắng lợi của dân tộc
 
Cuốn sách: "Thiên sử vàng của quân đội Thủ đô anh dũng"

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Hà Nội là đặc khu trực thuộc Chính phủ, “Hà Nội là một địa bàn quân sự quan trọng vào bậc nhất của địch về mặt quân sự, chính trị, kinh tế”, do đó nhiệm vụ của Hà Nội lúc này là “Chuẩn bị chiến trường; xây dựng bộ đội chủ lực tinh nhuệ; phối hợp với Liên khu III hoạt động và nghi binh để kiềm chế địch”[1]. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ nhân dân Thủ đô đã gấp rút thực hiện các kế hoạch, củng cố bộ máy lãnh đạo, tăng cường lực lượng, đào tạo cán bộ, đẩy mạnh công tác địch vận, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô lớn mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Đồng thời phối hợp với các mặt trận nhằm chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Những cố gắng, nỗ lực của quân dân Thủ đô đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tiếp theo những năm tháng kháng chiến gian khổ, nhân dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô một cách xuất sắc trong 80 ngày đêm. Để rồi, ngày 10/10/1954, từ các cửa ô “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” trong tiết trời mùa thu, rợp trời cờ hoa. Hình ảnh đó đã trở thành “bất tử” đối với mỗi người con của mảnh đất này.

Khúc ca khải hoàn của đoàn quân chiến thắng trở về đã được Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết những dòng cảm khái, tự hào xúc động về thời khắc vinh quang và thiêng liêng của dân tộc: “Những chiến sĩ quyết tử đã bảo vệ từng góc phố, từng ngôi nhà, rồi ra đi kháng chiến trường kỳ với lời thề chiến thắng trở về. Và không chỉ có người ra đi nhớ về Hà Nội, người ở lại cũng trông đợi từng ngày người ra đi mau chóng trở về. Chiến thắng Đông xuân 1953 - 1954 và đại thắng ở Điện Biên Phủ đã mang lại cuộc trùng phùng lịch sử. Sáng ngày 11/10, chúng tôi về tới Hà Nội - Thủ đô vẫn giống như những ngày Cách mạng tháng Tám khi Bác và chúng tôi từ chiến khu trở về, Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Bác Hồ gặp lại đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, nơi 9 năm trước Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Nụ cười của Bác Hồ trên lễ đài sẽ sáng mãi trang sử mới của Hà Nội nối tiếp Đông Đô, Thăng Long xưa”[2]

Sáu mươi năm đã qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người từ Việt Bắc trở về thành phố “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình,… để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta…”[3]. Lời căn dặn của Người mãi là niềm tự hào, động viên khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên và quân dân Thủ đô hôm nay trong công cuộc xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước - để thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng luôn sáng mãi muôn đời.

[1] BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930 - 2000), tr.227.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử. Nxb. Kim Đồng, H.2004. tr370.373.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Nxb. Chính trị quốc gia. Tr.368.
 
Hoàng Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)