Cảm hứng “thương nhớ đất Thăng Long” qua những trang văn du ký
Trong dòng chảy văn xuôi Hà thành nói riêng thể tài du ký là một bộ phận văn học quan trọng chưa thực sự được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở đề tài, nội dung và cảm hứng nghệ thuật của người viết chứ không phải ở thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký Hà Nội có các sáng tác văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, ghi chép, đề vịnh, thư từ, hồi ký, hồi ức về chuyến đi, các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, thậm chí có cả phương diện đời sống, văn hoá, xã hội… Nói đến thể tài ký về Hà Nội đầu tiên phải kể đến học giả Trương Vĩnh Ký. Dù không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng mảng sáng tác về đề tài Hà Nội bằng tập bút ký chữ quốc ngữ Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi là đóng góp lớn cho thể tài ký về Hà Nội. Đây là tác phẩm hiếm hoi viết bằng chữ quốc ngữ của thế kỷ XIX. Tác phẩm này cũng ghi nhận khả năng viết văn xuôi tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký và là hiện tượng “chín sớm” báo hiệu sự phát triển của một loại ngôn ngữ văn học mới. Điều đáng chú ý là tập ký của Trương Vĩnh Ký ghi chép lại khá nhiều tư liệu về quang cảnh Hà Nội một thuở, những địa điểm, di tích đặc trưng cho Hà Nội. Đó là Hồ Hoàn Gươm mà “giữa hồ lại có cái cù lao nhỏ nhỏ có cất cái miếu Ngọc Sơn, cây cối im rợp huyền vĩ coi tươi tốt. Nhà thiên hạ phố xá ở bao lấy miệng hồ”; là Đền Kính Thiên với những dấu tích xưa cũ của các triều đại phong kiến “trước hết vô hoang thành cũ. Lọt khỏi Ngũ Môn lâu lên đền Kính Thiên. Đền ấy nền cao lắm, có 9 bậc xây đá Thanh, hai bên có con rồng cũng đá lộn đầu xuống. Cột đền lớn trót ôm, tinh những là gỗ liêm cả. Ngó ra đang sau còn thấy một cung điện cũ chỗ vua Lê ở thuở xưa, bây giờ hư tệ còn tích lại đó mà thôi…”; là Cột Cờ “cao quá xây bằng gạch, có thang khu ốc trong ruột nó mà lên cho tới khi chót vót…”; là hồ Tây “chu vi 20 dặm, nước sâu từ một thước cho đến một trượng… Nước trong veo trông vào như mặt kính vậy”… Qua những ghi chép của Trương Vĩnh Ký, những đặc điểm về văn hoá như phong tục ngày tết, lễ hội, ẩm thực; những đặc điểm về kinh tế - điều kiện tự nhiên; chế độ ruộng đất, đền miếu, cầu cống, thổ sản hiện lện một cách khách quan và chân thực. Đó chính là những ấn tượng, cảm nhận khách quan qua con mắt của một người không phải “dân Hà Nội”.

Cuốn sách "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long"
Tiếp sau những ghi chép chân thực của Trương Vĩnh Ký là những trang du ký sinh động viết về vùng đất cổ ngoại thành – nơi in dấu một thời vàng son của lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Đó là cuộc chơi xuất phát từ cảm tình với lịch sử, “cái mục đích chỉ ở yêu mến lịch sử đấy mà thôi, đại khái là vì đường lịch sử mà đi chơi… há vì gì đâu, cũng chỉ là vì chút cảm tình với lịch sử mà đi chơi vậy…”. Xuất phát từ tấm chân tình với lịch sử ấy tác giả Tùng Vân đã đi thăm và “khảo sát” lịch sử của Loa thành với tấm lòng của những người đương thời hoài cố về ngày xưa, để chia sẻ và cảm thông với các nhân vật lịch sử. Để rồi khi ra về tác giả Tùng Vân được “uỷ cho làm một bài ký. Tôi nhân ngồi trên xe, trầm ngâm chiển chuyển, cầu lấy một cái triết lý để giải oan cho người đời xưa, còn đương lúng túng, nhác trông thì hoá ra phong cảnh hồ Tây, đi một lúc nữa lại hoá ra phong cảnh bến Mạc, mà bóng trăng thì suốt đêm cứ chảng vảng mập mờ, thỉnh thoảng hé ra được một tí thì lại có một cái đám mây mỏng che phủ ngay đi. Khác nào như một người đàn bà trinh thục náu ở trong bức rèm thưa, có cái tình tự ẩn gì, muốn nói mà lại không nói. Mới hay cái trận mưa sáng ngày với cái bóng trăng tối hôm nay thật là ngẫu nhiên nhưng mà hình như không phải ngẫu nhiên vậy”.
Sau Nguyễn Tùng Vân, còn có nhiều trang du ký trực tiếp diễn tả những nét đặc sắc của nền văn hoá cổ Hà Nội, bao gồm những khảo sát so sánh Hà Nội xưa và nay, những di tích lịch sử và thắng tích Hà Nội với nhiều vẻ phong phú. Thời kỳ này phải kể đến những tác giả như Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Nhật Nam Trịnh Như Tấu, Phạm Mạnh Phan… Đọc những trang viết của Tiên Đàm trong Hà Nội ngày nay không giống như Hà Nội dưới con mắt nhà học giả Trương Vĩnh Ký, Hà Nội xưa và nay… chúng ta lại gặp một Hà Nội cách đây hơn nửa thế kỷ, đặc biệt thấy thú vị khi tác giả lại so sánh ngược lại với thuở xưa hơn nữa, để thấy được những thay đổi, sự hiện đại của 36 phố phường khoảng gần giữa thế kỷ XX và mỉm cười về sự lạc hậu của Hà thành qua cách mô tả của học giả Trương Vĩnh Ký trong Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi. “Chùa Quan Thượng? Nay là phòng Thương Mại, nhà Địa ốc! Di tích của chùa còn trơ một cái Hoà Phong tháp sừng sững ở ven hồ. Mà xung quanh chùa khi xưa là nước thì nay lại đường phố sạch sẽ, dải nhựa, lại thêm tàu điện, xe cộ đi lại như mắc cửi… Khách du quan ngày nay, nếu lại đóng vai như nhà học giả họ Trương ra Bắc rồi chiếu bản đồ Hà Nội cũ mà thăm lại các nơi ấy, sẽ phải ngạc nhiên vì thấy một quang cảnh đẹp đẽ mới lạ, không còn như lúc cách đây sáu mươi, bảy mươi năm…”. Ngoài ra những bài ký Một dịp đi thăm làng Bối Khê của Vu Ngã, Đông Dương học xá của Cách Chi và Mạnh Phan, Thăm trại thanh niên Tương Mai của Minh Tuyền… đã phần nào tái hiện được không khí đời sống xã hội thuở Hà Nội nửa thực dân.
Qua những trang văndu ký ấy chúng ta hình dung được Hà Nội một thuở, để biết rằng có một Hà Nội trong mắt người Hà Nội, có một Hà Nội trong tâm tưởng người xa Hà Nội… và để biết ơn và trân trọng các thế hệ đi trước đã vun đắp cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này mãi trường tồn.
Hoàng Anh
Nhà xuất bản Hà Nội