Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 24/10/2014 10:35
Ngàn năm văn hoá Thăng Long – Hà Nội cho hôm nay, cho mai sau

Thăng Long – Hà Nội hấp dẫn, cảm hoá trái tim thế hệ người Việt Nam, bạn bè quốc tế, cả những ai đã từng đến với Hà Nội, không phải ở vẻ hoành tráng của một kinh đô rộng lớn, tráng lệ, phồn hoa mà có lẽ bởi chất anh hùng, hào hoa, thanh lịch và rất nhân văn của đất và người nơi đây. Trong suốt chiều dài ngàn năm lịch sử, Thăng Long – Hà Nội là nơi tích gộp, quy tụ và lưu giữ những giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc và văn minh nhân loại để tạo nên một diện mạo vừa có cái chung vừa có cái riêng mang đậm chất Kinh kỳ. Cái riêng của Hà Nội không phải cái gì xa lạ, trừu tượng mà chính từ những điều bình thường và giản dị như: thiên nhiên, cảnh vật, cái ăn, cách mặc, nói năng, ứng xử… Chính những điều rất đỗi thân quen đó lại có sức hút kỳ lạ không chỉ với các văn nghệ sĩ mà cả nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Điều đó tạo nên sự phong phú và đa dạng của các công trình nghiên cứu văn hoá nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội. Đây là lý do mà nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Hải Kế chủ trì đã cần mẫn tìm tòi, tập hợp thống kế các công trình nghiên cứu để biên soạn thành công cuốn sách “Thăng Long – Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu văn hoá”.

 

Khi biên soạn cuốn sách “Thăng Long – Hà Nội tuyển tập các công trình văn hoá”, nhóm biên soạn mong muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều, đa diện hơn về văn hoá Thăng Long – Hà Nội để trân trọng và yêu hơn những nét đẹp, tinh tuý của mảnh đất Kinh kỳ. Tuy nhiên đây thực sự không phải là công việc đơn giản bởi lẽ tính đến năm 2009, thư mục nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Thăng Long – Hà Nội đã có tới gần 7000 công trình nghiên cứu của hơn 2500 học giả, trong đó không ít nhà nghiên cứu đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, giải mã những vấn đề về văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Trong khuôn khổ cuốn sách này nhóm biên soạn tuyển chọn được 91 công trình nghiên cứu, bài viết và nhóm theo một số chủ đề về văn hoá Thăng Long – Hà Nội.
 
Phần thứ nhất (Văn hoá Thăng Long – Hà Nội: Môi trường sinh thái và cái nhìn tổng quan) là những bài viết khắc hoạ những không gian địa lý, tự nhiên và lịch sử của Thăng Long Hà Nội, từ khu vực thành trì núi Nùng, núi Khán… đến những địa danh mang dấu tích lịch sử như gò Đống Đa, trường thi Bác cử thời Lê - Trịnh, hay những con sông, hồ là nét đặc trưng của Hà Nội như: hồ Gươm, hồ Tây, sông Tô Lịch. Bên cạnh đó là những bài viết cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về văn hoá Thăng Long – Hà Nội và những giải pháp bảo tồn phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.
 
Phần hai của cuốn sách (Đời sống vật chất kinh tế) mang đến cho bạn đọc những hình dung về đời sống vật chất của kinh thành Thăng Long như ăn, mặc ở, đi lại. Qua những bài viết sâu sắc của các nhà nghiên cứu gạo cội GS. Trần Quốc Vượng, GS. Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS. Ngô Đức Thịnh bạn đọc sẽ biết thêm về những đặc trưng trong văn hoá ẩm thực Thăng Long cũng như sự tinh tế, kín đáo mà thanh lịch của trang phục Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt qua các bài nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê, Tiến sĩ Đào Thị Diến, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc… hiện lên một không gian kiến trúc – văn hoá Thăng Long có pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Một Hà Nội phố xá - từ phố cổ, phố Tây, phố mới – như là biểu hiện thống nhất hoà quyện giữa ở, làm ăn, sinh hoạt của cư dân với quy hoạch phát triển đô thị - một vấn đề trọng điểm trong sự phát triển của đô thị từ xưa đến nay.
 
Tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận không thể thiếu của văn hoá, các bài viết trong Phần ba (Đời sống tôn giáo tín ngưỡng) sẽ giúp bạn đọc phần nào hình dung được những dấu ấn của tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống của cư dân đất Kinh kỳ, cả khi Thăng Long là trung tâm của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử cho đến nay thông qua những phân tích về kiến trúc của những ngôi chùa, tháp như chùa Một Cột, tháp Báo Thiên. Bên cạnh đó chúng ta còn biết được sự tồn tại và phát triển của nền giáo dục Nho học qua bài viết Nguyễn Huệ với văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội, để thấy trách nhiệm của chúng ta trong việc giữ gìn và bảo tồn di tích lịch sử văn hoá của Thăng Long.
 
Sau không gian tín ngưỡng tôn giáo, là không gian sinh hoạt văn hoá (Phần 4: Sinh hoạt văn hoá) với những lễ hội không chỉ mang sắc thái văn hoá nông nghiệp mà còn tích hợp nhiều lớp tín ngưỡng, từ tín ngưỡng nguyên thuỷ - ẩn tàng sâu xa đến những tín ngưỡng thờ thành hoàng, danh nhân. Qua những phân tích về các lễ hội như Hội Gióng, hội đèn Quảng Chiếu, múa nghi lễ giảo long trong hội làng Lệ Mật, hội làng Triều Khúc… giúp chúng ta hiểu được những đặc điểm cơ bản của hội làng Hà Nội và sự phong phú đa dạng trong đời sống văn hoá tinh thần của cư dân Kinh kỳ.
 
Thăng Long – nơi tụ hội tụ của bốn phương trời đất, bởi vậy người Thăng Long – Hà Nội cũng không phải chỉ là người dân sinh ra, lớn lên, nhiều đời ở đây mà phần đông là dân “tứ chiếng” đã sinh cơ lập nghiệp và gắn bó với mảnh đất này, chính họ đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Dù ở đâu, khi về đây, những người dân này vẫn xây dựng và vun đắp cho mình những phẩm chất, nhân cách của người Tràng An, thanh lịch, nhẹ nhàng… Đó chính là cái hồn cốt, cái bản chất tốt đẹp được truyền giữ ngàn đời của người Thăng Long. Bạn đọc sẽ được thấy trong Phần năm (Người Thăng Long) những danh nhân, nhân sĩ, trí thức, những người sinh ra hoặc không sinh ra ở nơi đây nhưng đã gắn bó cả cuộc đời và dành nhiều tình yêu cho mảnh đất này như: Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, Bùi Huy Bích, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… Còn rất rất nhiều những danh nhân đã góp sức làm nên truyền thống văn hoá ngàn năm cho Thăng Long mãi trường tồn.
 
Một điều không thể phủ nhận rằng, Thăng Long – Hà Nội là nơi quy tụ và lưu giữ hồn nước, và là nơi tích hợp các giá trị văn hoá Đông – Tây. Đó là kết quả của quá trình tiếp xúc, giao lưu kinh tế - văn hoá, Thăng Long luôn tiếp nhập có chọn lọc những giá trị, thành tựu của văn hoá, kỹ thuật của các vùng, miền, khu vực và thế giới. Những bài viết trong phần kết của cuốn sách này (Tiếp xúc và giao lưu văn hoá) sẽ phần nào cho bạn đọc thấy được, một Thăng Long – Hà Nội năng động, hoà nhập nhưng không làm mất đi hồn cốt của riêng mình.
 
Qua Thăng Long – Hà Nội, tuyển tập các công trình nghiên cứu văn hoá bạn đọc sẽ gặp từ những bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá nổi tiếng: GS. Trần Quốc Vượng, những trang viết đậm tình cảm và lý trí của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, của Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, Vũ Khiêu,… đến những nhà nghiên cứu trẻ hiện nay… Nhưng một điểm chung của tất cả các nghiên cứu đó là đều đi đến một khẳng định khách quan về văn hoá Thăng Long - Hà Nội: “Thăng Long lồng lộng không duy nhất vì nhiệm vụ thủ đô mà chỉ có cái khác cao xa hơn, sâu lắng hơn… Thăng Long có một địa chỉ cụ thể, đồng thời mang nghĩa khái quát, bao quát, gắn với nền văn minh sông Hồng, cội nguồn của dân tộc ta. Thăng Long quy tụ, lưu giữ hồn nước… Ở đâu trên đất Việt Nam mà không có hình bóng Thăng Long”[1]

 

 


[1] Thăng Long – Hà Ni tuyn tp công trình nghiên cu văn hoá ngh thut, trang 936.


Tô Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)