Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 05/11/2014 04:00
Một số mô-típ thường gặp trong truyện cổ tích thần kỳ Thăng Long - Hà Nội

Truyện cổ tích thần kỳ là tiểu loại chiếm số lượng nhiều nhất trong kho tàng cổ tích Việt Nam, và đây cũng là nhóm truyện mang nhiều nét tương đồng với nhóm truyện cùng loại của các dân tộc trên thế giới. Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ trong Truyện kể Thăng Long - Hà Nội theo phương pháp loại hình học chúng ta sẽ có một hình dung tương đối toàn diện về những đặc điểm thi pháp của truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích thần kỳ của kinh đô Thăng Long nói riêng.

 

Mô-típ nhân vật thấp hèn

Mô-típ về nhân vật thấp hèn là tương đối phổ biến trong truyện cổ tích. Cái thấp hèn được thể hiện thông qua những nhân vật ở dưới cùng xã hội, hay dưới cùng một tầng lớp. Đó thường là những người phải sống trong đói nghèo, trong thiếu thốn như nhân vật “anh đi ở” trong truyện Cây tre trăm đốt, đó cũng có thể là hoàng tử bị ghẻ lạnh Lang Liêu trong Sự tích bánh chưng bánh dày. Hay nhân vật chàng trai trong câu truyện cổ tích Ai mua hành tôi cũng thuộc mô-típ nhân vật thấp hèn, có địa vị dưới cùng trong xã hội. Đó là “một chàng trai chưa vợ, sống bằng nghề làm ruộng”, kiếm củi. Và cũng vì nghèo đói “Ít năm sau đó, chật vật mãi anh mới cưới được vợ. Vợ anh cũng con nhà nông, quanh năm chân lấm tay bùn, nên đen đủi, xấu xí”. Chỉ qua một vài chi tiết người đọc cũng có thể thấy đây là một người mang thân phận thấp hèn trong xã hội xưa.

Qua một số câu chuyện, ta có thể thấy mô-típ nhân vật thấp hèn trong cổ tích chính là hình ảnh tượng trưng cho thân phận của người lao động trong xã hội cũ.

Mô típ nhân vật bất hạnh

Chính sự thấp hèn đến mức cùng kiệt chính là một yếu tố làm nên sự bất hạnh cho nhân vật cổ tích. Do thi pháp sáng tạo của truyện cổ tích nên các nhân vật được đặt trong một hoàn cảnh hết sức éo le. Nếu thằng ở trong truyện Cây tre trăm đốt luôn ra công, dốc sức làm việc cho chủ không quản nắng sương, không nài nhọc mệt sớm khuya mà rốt lại là công dã tràng, bị chủ lừa dối thì chàng trai trong Ai mua hành tôi vì nghèo nên quanh năm đầu tắt mặt tối, khó khăn, chật vật mới lấy được một cô vợ xấu xí, đen đúa… Khi vợ trở thành một người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần thì anh cũng bị người khác chiếm đoạt mất. Dường như đó là sự kiện để hoàn chỉnh nỗi bất hạnh của nhân vật này.

Mô-típ nhân vật nhân cách

Mặc dù mang thân phận thấp hèn, phải chịu những bất hạnh của cuộc sống nhưng những nhân vật chính diện trong các truyện cổ tích đều mang những nét đẹp về nhân cách. Đó là sự trung thực, nghĩa tình, thuỷ chung, thương người và phổ biến nhất là đức tính cần cù, chịu thương chịu khó. Chính nhờ đức tính tốt đẹp ấy mà họ thường được thần linh, những con vật giúp đỡ, giúp giành được chiến thắng cuối cùng. Chúng ta bắt gặp mô-típ về các nhân vật với phẩm cách đáng quý, đáng trân trọng như Dã Tràng (Sự tích con dã tràng), người giúp việc (Cây tre trăm đốt), Lang Liêu (Sự tích bánh trưng, bánh giày), Mai Tiêm (Truyện dưa hấu)…

Những đặc điểm trên đây như (thấp hèn, bất hạnh, tốt bụng...) là những phẩm chất rất tiêu biểu cho người lao động dù họ có xuất thân khác nhau. Đó có thể là hoàng tử, có thể là một anh trai cày, hay một chàng trai sống bằng nghề làm ruộng, kiếm củi quanh năm chật vật… Họ cho ta cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người lao động, cần cù, chịu khó, và nhân hậu…

Mô-típ nhân vật đổi đời

Đây là mô-típ mà ta có thể dễ dàng bắt gặp trong hầu hết những câu chuyện cổ tích mà kết thúc có hậu. Chàng trai trong câu chuyện Ai mua hành tôi nhờ có tình yêu vợ, sự thông minh mà từ một chàng trai cày nghèo khổ, anh bỗng chốc trở thành vua và hưởng hạnh phúc trọn đời. Sự đổi đời trong truyện cổ tích này giống trong nhiều câu chuyện khác là nhân vật sau những vất vả, khó khăn đã được hưởng hạnh phúc viên mãn như Cây tre trăm đốt là hình ảnh người đi ở lấy được con gái nhà chủ, anh đánh giậm trong Đồng tiền Vạn Lịch trở nên giàu có, được làm tuần ty ở sông Cả, Lang Liêu được kế vị ngôi vua... Qua những truyện này, tác giả dân gian đã thể hiện khát vọng muôn đời về lẽ công bằng, về mong ước “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Và đối với nhân dân, các nhân vật ấy dù được hưởng hạnh phúc có “quá” so với thực tế và công sức thì điều đó vẫn là xứng đáng vì sự chăm chỉ, lòng tốt mµ hä ®· bá ra.

Mô-típ trừng phạt

Song song với mô-típ đổi đời thường là mô-típ về sự trừng phạt. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho quan điểm của nhân dân xưa về lẽ “ở ác gặp ác”, “gieo nhân nào gặp quả nấy”… Trong truyện Hai anh em nhà Trạng, tên quân sư gian dối bị chém đầu, và nhà vua u tối cũng bị truất ngôi. Và ở trong truyện cổ tích Ai mua hành tôi thì tên vua bạo ngược đi cướp vợ của kẻ khác đã bị trả giá bằng mạng sống của mình, còn tên trọc phú trong Cây tre trăm đốt cũng phải nhận một bài học đích đáng.

Mô-típ đồ vật thần kỳ

Đây là một mô-típ mà ta có thể bắt gặp ở hầu hết các truyện cổ tích. Đó là minh chứng cho yếu tố thần kỳ, là yếu tố đảm bảo cho sự công bằng ở kết thúc câu chuyện. Nếu thần linh là một trong các yếu tố phụ trợ, giúp đỡ cho nhân vật chính diện vượt qua mọi khó khăn thì các đồ vật thần kỳ cũng thế. Các đồ vật ấy thường là phần thưởng, là sự trả ơn, là thành quả cho một quá trình chiến đấu hoặc thể hiện lòng nhân đạo, tốt bụng của nhân vật. Trong Sự tích con dã tràng, đồ vật thần kỳ là hai viên ngọc quý, một do rắn tặng, một do ngỗng báo đáp. Ở Ai mua hành tôi chàng trai được một lọ nước thần do con chim sẻ tặng chàng. Nhờ đó mà chàng trai có được người vợ xinh đẹp tuyệt trần, và cũng chính nó giúp chàng giành lại vợ, có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Các đồ vật tuy khác nhau ở công dụng song trong các câu chuyện cổ tích nó đều có chức năng góp phần làm thay đổi số phận của nhân vật.

Dưới góc độ loại hình học, ta khám phá sâu sắc hơn những yếu tố cấu thành nên truyện cổ tích Thăng Long - Hà Nội. Và cũng nhờ những yếu tố, những mô-típ ấy, triết lý về lẽ công bằng, niềm tin ở tương lai được nhân dân khái quát trở nên sâu sắc và sống động hơn, lâu bền hơn.


Nguyễn Dung

Nhà xuất bản Hà Nội


 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)