Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 05/11/2014 04:04
Đôi chút cảm nhận về vẻ đẹp Thăng Long – Hà Nội qua ca dao tục ngữ

Ca dao Thăng Long – Hà Nội ra đời từ rất sớm, từ trước khi có tên là Hà Nội và tồn tại cho đến ngày nay. Ca dao nơi đây đã thu hút ca dao nhiều vùng, đã Thăng Long hoá, phổ cập hoá một số lời mà có thể dẫn lúc ban đầu ra đời ở một vùng quê hẻo lánh. Mặt khác theo bước chân người Thăng Long – Hà Nội, theo bước chân người dân nơi khác có dịp ghé qua đất kinh kỳ, ca dao Hà Nội lại lan toả khắp vùng đất nước. Để rồi từ đó, những nét đẹp, những đặc trưng của đất và người Tràng An luôn toả sáng cùng thời gian và trên khắp mọi miền đất nước.

 

Nói đến Hà Nội xưa, người ta hình dung ra một đô thị phong kiến, trong là Hoàng thành, ngoài là các phường phố, các trại. Hà Nội gồm hai khu vực: khu vực đô thị nội thành và các làng xã, các huyện ngoại thành. Chính đặc điểm này dẫn đến số lượng các nghề sản xuất phong phú và trình độ lao động nổi tiếng của người dân nơi đây: “Khéo tay hay nghề, đất là Kẻ Chợ”. Kẻ Chợ là tên cổ lưu thành trong dân gian chỉ Kinh thành Thăng Long cũ và Hà Nội. Nhắc đến hai tiếng Kẻ Chợ, người xưa đều hiểu là nói đến Hà Nội.
 
Cảnh chợ búa đông vui ở thành Thăng Long được miêu tả rất rõ nét qua câu tục ngữ: "Bán mít chợ Đông, bán hồng chợ Tây, bán mây chợ Huyện, bán quyển chợ Đào". Chợ Đông tức là chợ Cầu Đông, ngày nay là khu vực ngã tư phố Ngõ Gạch và phố Hàng Đường. Về chợ Tây, có người cho rằng ở khu vực bến ô tô Kim Mã hiện nay. Chợ Huyện ở khu vực Nhà thờ lớn bây giờ. Chợ Đào chính là phố Hàng Đào, ở phía bắc Hồ Hoàn Kiếm.
 
Ngoài chợ này, đô thành Hà Nội còn có ba mươi sáu phố phường, trước kia mỗi phố phường tập trung sản xuất và bán một mặt hàng. Các nghề thủ công truyền thống: nung đúc, đúc đồng, sơn chạm, đan lát... đã được hình thành phát triển và đạt đến đỉnh cao về kỹ năng và nghệ thuật. Sản phẩm làm ra được đem bán ở các chợ thị thành, và thế là hình thành các phố: hàng Chiếu, hàng Đồng, hàng Lược, hàng Nón,... do vị trí, đặc biệt của mình, thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi giao lưu, tụ họp để buôn bán và trao đổi các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp của nhiều vùng quê. Có lẽ đặc trưng phố “hàng” chỉ có riêng ở Hà Nội, và điều đó cũng cho thấy một bức tranh của “thủ đô trăm nghề” của Thăng Long xưa.
 
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Than
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
 
Không những thế, những câu ca dao, tục ngữ Thăng Long - Hà Nội luôn gợi cho ta về bức tranh Thăng Long ngàn năm thấm đượm lối sống, tính cách, tâm hồn dân tộc, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
 
Thăng Long Hà Nội đô thành 
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô 
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.
hoặc:
Sông Tô một dải lượn vòng 
Ấy nơi liệt sĩ anh hùng giáng sinh
Sông Hồng một khúc uốn quanh 
Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài
 
Thăng Long - Hà Nội là chốn hội tụ tinh hoa đất nước, không chỉ hội tụ, mảnh đất trái tim Tổ quốc này còn sàng lọc, kết tinh hương hoa trăm miền để tạo nên bản sắc thanh lịch tiêu biểu cho mình, cho dân tộc mình, để rồi lại tỏa sáng ra trăm miền đất nước. Thanh lịch đã trở thành truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội, một vầng sáng của tâm thức Việt Nam. Nói đến thanh là nói đến sự thanh cao trong tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tâm hồn; là nói đến thanh nhã trong nói năng, lịch lãm, lịch thiệp trong giao tiếp và trong ứng xử.
 
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài 
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An
Hoặc:
Chẳng thơm cũng thể hoa mai 
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh
 
Qua ca dao Hà Nội, ta càng thêm yêu mảnh đất nghìn năm văn vật. Mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên cùng đất nước và Hà Nội cũng lớn lên cùng với dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường.
 
 
Bảo Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)