Người nhận trụ sở còn lại cuối cùng kể chuyện
Sau khi chiến tranh kết thúc, tôi có nguyện vọng tìm nơi yên tĩnh để chuyển tải những trải nghiệm của mình vào các trang văn nghệ. May thay, trong một lần tham dự cuộc họp mặt cộng tác viên của tạp chí Ngựa Gióng, tôi được ngồi chuyện trò rất thân mật với hoạ sĩ Phan Doãn, người lãnh đạo chính phụ trách biên tập, trực tiếp làm thiết kế mỹ thuật và tranh vẽ cho Ngựa Gióng (tôi chỉ nói về Ngựa Gióng thời những năm đầu, tạp chí khổ vuông). Mặc dù chỉ có 4 người trực tiếp làm, Ngựa Gióng đã trở thành ấn phẩm định kỳ hấp dẫn, gây tiếng vang trong toàn quốc, trẻ em từ vùng nôi cách mạng đến miền mới được giải phóng, từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng ngóng chờ Ngựa Gióng. Tiếc rằng thời ấy chúng ta có rất ít giấy không thể tăng kỳ xuất bản, tăng số lượng phát hành. Đặc biệt trang tranh truyện bìa 4 luôn là món ăn đáng thèm của nhiều bạn nhỏ đang có xu thế hướng tới những Tom và Jerry của hãng Walt Disney của Mỹ và những cáo và thỏ trong chùm phim Hãy đợi đấy của Liên Xô. Xin nói thêm: tạp chí Ngựa Gióng nằm trong Nhà xuất bản Thăng Long (thực tế là phòng Xuất bản thuộc Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội).
Nghe tôi tâm sự, hoạ sĩ Phan Doãn nắm chặt tay tôi:
- Về với chúng tao đi.
- Điều kiện về với các anh là gì? - Tôi hỏi.
Hoạ sĩ Phan Doãn trầm tư, đập nhẹ tay xuống bàn:
- Nếu mày tham ô, hủ hoá thì tổ chức Đảng, đoàn thể sẽ kỷ luật mày. Nếu mày buôn gian bán lận thì công an, thuế vụ sẽ bắt mày. Còn nếu mày lười nhác, làm việc không có hiệu quả, tao sẽ buộc phải đuổi mày. Mày là người quan hệ rộng, hãy đem về nhiều cộng tác viên nhiệt tình và tiềm năng, nhiều đầu sách có giá trị, còn ngoài ra mày được tự do, ở nhà cũng được, đến cơ quan càng tốt.
Trong đầu tôi bùng lên bao hy vọng, tôi xin chuyển ngay. Tôi về đây công tác rất vui vẻ, được một thời gian ngắn có lẽ khoảng 7 hay 8 tháng, trong đầu còn đang nghiền ngẫm biết bao đề tài thì một người bạn của anh ruột tôi lặn lội tới tìm tôi (“lặn lội” là vì đến được túp lều tôi mới dựng trên một khoảnh đất rộng ngoài ven ô phải qua một vạt ruộng thấp luôn ngập nước).
Quan sát cuộc sống của tôi, anh ấy ngao ngán:
- Sao trời lại đày mày vào cái xó này?
Chữ “xó” anh ấy nhằm chỉ vào cái lều tôi ở và cả cái lầu xuất bản ở phố Hàng Dầu. Tôi kể lại cuộc trao đổi giữa tôi và hoạ sĩ Phan Doãn, anh ngồi trầm ngâm.
- Này, - anh đột ngột hỏi tôi - có cách gì khuyên bảo được nó không?
- Ai? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Cái thằng thủ trưởng của mày ấy. Nó bị kỷ luật đến nơi rồi.
- Sao lại bị kỷ luật? Một người làm ăn đứng đắn hiệu quả cao.
Anh khẽ thở dài, nói rành rẽ từng tiếng:
- Không một cơ quan nào cho phép một lãnh đạo dùng người như thủ trưởng của chú mày. Nó sẽ bị khép kỷ luật. Lý do à? Thiếu gì, khi đã có “hướng chỉ đạo” người ta sẽ tìm bẫy được tội, có thể chỉ là một tội hủ hoá như thông thường các ca kỷ luật gần đây. Theo anh thì việc đến nơi rồi đấy, liệu sớm đi.
Anh tôi lắc đầu ra về, không nói thêm lời nào nữa.
Chuyện tưởng chỉ có thế, nào ngờ chỉ một thời gian sau, tôi buộc phải tham dự vào những cuộc họp kiểm điểm liên miên. Tôi là người mới không thuộc “phe” nào nên tỉnh táo để nhận ra rằng những cuộc họp này nhằm vào việc tìm lý do thi hành kỷ luật hoạ sĩ Phan Doãn. Tôi thấy cũng chẳng cần thiết phải kể tỷ mỷ ở đây, chẳng phải thêm thắt những tình tiết mới cho những truyện cổ tích đã từng có.
Chiến tranh đã rèn cho tôi không dễ gục ngã trước những nỗi buồn vẩn vơ, quả thật tôi cũng mất rất nhiều thời gian để đánh giá đâu là thật, đâu là giả, đâu là nghiêm túc, đâu là đùa. Xã hội chúng ta thời ấy, sự lẫn lộn tràn lan khắp nơi, đến bây giờ sau hơn ba chục năm, nhắc lại tôi vẫn không dám khẳng định nó thuộc loại nào.
Tôi nghe người ta bàn với nhau, mức độ kỷ luật hoạ sĩ Phan Doãn phải cao hơn, dù không bắt được quả tang… nhưng có “tư tưởng hủ hoá” là rõ ràng không phải bàn cãi, còn cái khoản “phương tiện” của hoạ sĩ theo kết quả điều tra, theo dõi, không những còn nguyên mà còn mạnh nữa là khác… Tôi nhiều lần thấy lờm lợm trong họng, may mà tôi tập yoga nên tự trấn tĩnh được. Sự việc sẽ đi tới đâu? May thay, cũng giống như ông Bụt trong truyện cổ tích, có một vị thuộc cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng và Thành uỷ Hà Nội, dù về công tác ở Hà Nội chưa lâu, đã nhận ra thực chất của mọi bùng nhùng ở đây nên quyết định lấp bỏ cái ao tù có thả vài con cá cảnh ở phố Hàng Dầu, thành lập cơ quan xuất bản xứng đáng với tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhà xuất bản Hà Nội chính thức ra đời, ban đầu trực thuộc Thành uỷ, sau chuyển sang Uỷ ban nhân dân Thành phố quản lý.
Nhà thơ Vũ Cao, một nhà thơ tài hoa, sâu sắc, một sĩ quan quân đội cao cấp có uy tín lớn về trình độ chính trị, khả năng quản lý, nhiều năm phụ trách tạp chí Văn nghệ quân đội, tờ tạp chí vào loại có tiếng vang nhất thời ấy được mời về làm giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản. Hơn nữa, ông Vũ Cao là con người luôn trung thực, đàng hoàng, luôn thân mến với tất cả mọi người kể cả cấp trên đến cấp dưới, một trong những nhà thơ hiếm có, không dính gì đến mọi thứ “tật nguyền” mà thường được người ta gán cho cái “tính nghệ sĩ”.
Ông Vũ Cao nhanh chóng xây dựng đội ngũ cán bộ và cũng sớm nhận được giấy phân phối trụ sở cơ quan ở số 4 phố Tống Duy Tân. Dù đã có giấy phân phối nhà nhưng ông Vũ Cao luôn đi theo cửa chính, thúc giục Văn phòng Thành uỷ và cơ quan phân phối nhà của thành phố, nhưng đến quá nửa năm chúng tôi vẫn phải “ở nhờ” trên phố Hàng Dầu. Chúng tôi đề nghị ông Vũ Cao cho phép đến thẳng số 4 phố Tống Duy Tân, lúc ấy đang nằm trong sự quản lý của Sở Nông nghiệp. Chúng tôi cũng xin đảm bảo với ông Cao là sẽ kiên quyết nhưng không gây ra chuyện gì đáng tiếc.
Được thủ trưởng đồng ý và có vài lời căn dặn, 5 người chúng tôi kéo đến số 4 phố Tống Duy Tân, chúng tôi bàn nhau hãy thử tỏ ra “chịu chơi” rồi tuỳ cơ ứng biến.
Trụ sở số 4 phố Tống Duy Tân ngày ấy là một căn nhà tầng hai xộc xệch, không có thường trực, các phòng thì cửa khép như không. Chúng tôi lên thẳng căn phòng tầng 2, có lẽ là phòng lãnh đạo vì trông nghiêm chỉnh nhất, có đèn sáng, có người ngồi làm việc dù hình thức chỉ một người.
Cửa mở, chúng tôi cứ tiến thẳng vào, tất nhiên có chào hỏi lịch sự. Nhóm chúng tôi có 3 người vào trước, đi đầu là anh Phùng Thái, một cựu sĩ quan pháo binh, người cao to, luôn mỉm cười, tôi đi bên cạnh anh Thái. Vốn là người đã từng nằm ở nhiều khách sạn sang trọng cũng như từng nằm bờ lăn bụi, ven hố bom, dọc các giao thông hào, ngoài chiến trường, sẵn sàng tung ra dấm ớt… hỗ trợ anh Thái (khi cần). Thứ ba là nhà thơ Nguyễn Thế Hội, người đeo cặp kính dầy hơn đít chai bia cổ, mắt chẳng nhìn thấy gì nhưng luôn đưa ra những câu châm chọc bướng bỉnh, đi sau là anh Lê Bầu và Trần Ngọ, cả hai đều ngăm đen, rắn chắc. Dù không bàn kịch bản với nhau nhưng khi thấy 3 người đi trước đã vào, anh Bầu và anh Ngọ dừng lại trước cửa chỉ trỏ nhận xét về nhà cửa với vẻ sẵn sàng chặn cửa để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Thấy chúng tôi xuất hiện đột ngột, chủ nhà bật dậy, lúng túng. Nghe chúng tôi tự giới thiệu, chủ nhà hấp tấp kéo ghế mời ngồi, khuôn mặt anh ta gần như bị méo đi, anh ta trình bày với chúng tôi rằng cơ quan anh ta cũng nhận được lệnh đến nhà khác và bàn giao nhà này. Lệnh thì có rồi nhưng nhà cũng vẫn không nhận được thành ra cứ phải nằm chết ở đây. Buổi nói chuyện trở nên thân mật, thông cảm lẫn nhau, chúng tôi biết thêm đang có âm mưu đổi chác gì đó ở bên trên và nhất trí cùng hợp tác xúc tiến nhanh việc này. Hơn một tháng sau, chúng tôi nhận được nhà, tất nhiên ban đầu còn phải sửa chữa.
Trong khuôn viên số 4 phố Tống Duy Tân có một cây đa khá to, khi chúng tôi đến gốc của cây đa được cắm đầy chân hương, dưới đất phủ nhiều lớp tro vàng mã, tiền giấy. Chúng tôi làm vệ sinh cho gốc đa rồi mới bàn giao cho đội sửa chữa. Công việc đầu tiên của Nhà xuất bản Hà Nội chưa phải là in sách mà là xoá đi một tụ điểm cúng lễ, bói toán…
Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện cũ, tôi chẳng còn nhớ gì đến ngày tháng, 5 người đi đòi trụ sở đầu tiên nay cũng chỉ còn một mình tôi, số cán bộ đầu tiên của Nhà xuất bản Hà Nội cũng chỉ còn lác đác. Rồi cũng đến lượt chúng tôi thôi nhưng tin rằng ở nơi ấy, với các bạn đang ở và chúng tôi sẽ đến cũng chả có gì phải đòi, phải bàn giao, gặp nhau là cười xoà, hình như cuối cùng chỉ có dáng điệu mà không phát ra tiếng thì phải!
Thôi chào nhé.
7/3/2014
Nguyễn Văn Hoan
Nhà xuất bản Hà Nội