Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 19/11/2014 06:55
Trưởng thành từ Nhà xuất bản
Tôi về làm việc tại Nhà xuất bản Hà Nội từ khi còn là phòng Xuất bản trực thuộc Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, trụ sở 47 Hàng Dầu, Hà Nội.
 
Ngày 24 tháng 11 năm 1979, Nhà xuất bản Hà Nội chính thức thành lập trực thuộc Thành uỷ, trụ sở tại số 4 Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tôi tiếp tục làm ở đó cho tới lúc nghỉ hưu. Giờ đây hồi tưởng lại rất nhiều kỷ niệm đẹp trong suốt 23 năm làm việc ở Nhà xuất bản Hà Nội, tôi thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc. Công việc đầu tiên của tôi là kế toán sau là Trưởng phòng Hành chính - Trị sự. Thời gian tôi công tác ở Nhà xuất bản Hà Nội trải qua 4 đời giám đốc là: Vũ Cao, Hoàng Ngọc Hà, Đỗ Ninh, Nguyễn Khắc Oánh, tuy tính cách khác nhau, người vui vẻ, người trầm tính nghiêm khắc nhưng tất cả đều chung một mục tiêu là xây dựng Nhà xuất bản thành một khối đoàn kết, vững mạnh và trong sáng để xứng đáng là cơ quan chính trị - tư tưởng - văn hoá của Đảng bộ Thành phố.

Nhà xuất bản Hà Nội là đơn vị kinh tế hạch toán độc lập, thời gian đầu tôi làm kế toán ở bộ phận tài vụ - kế toán do anh Trần Ngọ phụ trách. Sau vài năm hoạt động theo cơ chế mới, để có hiệu quả hơn, bộ phận kế toán biên chế ở phòng Hành chính - Trị sự, anh Oánh làm kế toán trưởng, tôi làm kế toán viên. Thủ quỹ qua từng thời kỳ là bác Tùng, cô Lương, Ngọc Anh. Kế toán là người ghi chép số liệu chính xác, trung thực để tham mưu cho lãnh đạo. Những ngày mới thành lập, bộ phận kế toán thật sự lúng túng vì không có việc để làm do sản xuất ngừng trệ, có vốn nhưng quá ít, tài sản cũng vậy, tiền lương của cán bộ công nhân viên nhiều lúc nguy cơ không có. Giai đoạn đó bác Vũ Cao làm giám đốc, phó giám đốc phụ trách biên tập là bác Ngô Minh, phó giám đốc phụ trách hành chính - trị sự là anh Đỗ Ninh. Anh đã cùng bác Nguyễn Ninh ở phòng Hành chính - Trị sự tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đầu tiên là khai thác mua giấy chịu ở các nhà máy giấy. Đó là vật tư quan trọng của một nhà xuất bản.

Đội ngũ biên tập lúc này gồm những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Hà Ân, Lê Bầu, Nguyễn Văn Hoan, Trương Ngọc Liên… là bộ mặt của Nhà xuất bản, ai cũng xây dựng cho mình một mạng lưới cộng tác viên tốt nhất viết sách, viết bài cho Ngựa Gióng. Các nhà thơ, nhà văn tìm đến Nhà xuất bản gửi bản thảo ngày càng nhiều, hoạt động của Nhà xuất bản ngày một đi vào nề nếp. Những năm 1986, 1987 là đỉnh điểm của cuộc sống khó khăn thời bao cấp. Để góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên, Ban lãnh đạo và bộ phận sản xuất, phát hành tìm đủ mọi cách để tạo và khai thác nguồn việc gia công, làm thêm cho anh em.

Trước đây, những công việc gia công, bốc vác hầu như do đơn vị bên ngoài đảm nhiệm như bồi bìa lịch, vận chuyển, bốc vác, kiểm đếm, đóng bó hàng… Anh em trị sự đã liên hệ với các công ty phát hành sách để giành lại một phần công việc bồi bìa lịch, mỗi năm bình quân bồi 60.000 bìa, phân đều cho anh em từ giám đốc đến nhân viên. Việc giao sách, bốc vác sách và giấy in cũng do anh em cơ quan đảm nhiệm. Vui nhất là những đợt làm tập trung cả cơ quan đóng dấu giá sách, kiểm đếm đóng gói văn hoá phẩm như phông lịch, câu đối, cuốn thư, tranh ngũ quả… Những buổi lao động đó luôn đầy ắp tiếng cười và nguồn thu nhập bổ sung từ những buổi lao động chân tay thuần tuý đó đã góp phần không nhỏ nâng cao mức sống cả vật chất lẫn tinh thần cho cán bộ công nhân viên cơ quan. Thời gian sau này để tránh thu nhập bình quân, Nhà xuất bản đã ra nhiều quy chế, động viên được tất cả mọi người làm việc. Ví dụ như quy chế tiền lương tiền thưởng. Mặc dù còn khó khăn nhưng cán bộ nhân viên trong cơ quan đoàn kết, ai ai cũng làm việc hết mình đầy trách nhiệm.

Nhà xuất bản dần phát triển, đi vào nền nếp, anh em được khoán định mức theo sản phẩm và công việc được giao, mọi người đều chuyên tâm làm ngày, làm đêm để hoàn thành công việc. Các cơ quan quản lý vốn, thuế của thành phố, Ban Tài chính quản trị Thành uỷ luôn quan tâm giúp đỡ Nhà xuất bản, hàng năm đều duyệt quyết toán nghiêm túc. Cùng với thời gian cơ quan ta ngày càng lớn mạnh, đã mở rộng quan hệ với các nhà in như Nhà in Hà Nội, Khoa học kỹ thuật… Mở rộng quan hệ phát hành với Phát hành sách Hà Nội, Tổng Công ty Phát hành sách Trung ương, Công ty Minh Thành (phía Nam), Thư viện Quân đội và nhiều nơi khác.

Những ngày đầu mới thành lập, dù còn nhiều khó khăn nhưng Ban lãnh đạo Nhà xuất bản vẫn quan tâm tới công việc đào tạo cán bộ nhân viên, trong đó có việc khuyến khích anh em nào chưa tốt nghiệp đại học thì có thể đi học tại chức. Bấy giờ tôi mới chỉ tốt nghiệp sơ cấp kế toán, nghĩ mình phải đi học mới đảm đương tốt công việc, tôi đã đăng ký đi thi và đỗ. Tôi đã chăm chỉ học tập, vừa đi làm vừa học thật gian nan, sau 6 năm tôi đã tốt nghiệp. Những kiến thức học được và qua thực tế làm việc đã giúp tôi tự tin và giải quyết công việc một cách tốt nhất.

Một kỷ niệm cách đây đã vài chục năm mà tôi tưởng như mới hôm qua. Đó là một hôm tôi đi làm về, mẹ tôi từ trong nhà đi ra nói: “Con ơi! Hôm nay có ông giám đốc Vũ Cao đến thăm nhà ta”. Mẹ tôi hỏi thêm: “Có phải ông ấy cao nên tên là Cao?”. Khi ấy tôi chỉ cười và nghĩ là mẹ đùa. Tôi nghĩ một người lãnh đạo bận trăm công nghìn việc sao lại có thể bớt chút thời gian đến thăm gia đình một nhân viên như tôi. Nhưng đó lại là sự thật, tôi và gia đình vô cùng cảm động được vị giám đốc - một nhà thơ nổi tiếng - đến thăm. Đó cũng là kỷ niệm mà tôi và gia đình mãi không thể nào quên.

Thời gian gắn bó công tác tại Nhà xuất bản Hà Nội dài, tôi có nhiều kỷ niệm đẹp mà ở đây tôi chỉ kể lại một vài chuyện nhỏ. Tôi chân thành cảm ơn lãnh đạo và cán bộ nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội đã cho tôi một thời gian làm việc thật may mắn và hạnh phúc.


 
Phạm Thị Lý(Nguyên Trưởng phòng Hành chính - Trị sự, Nhà xuất bản Hà Nội)

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)