Tinh thần thượng võ - sợi chỉ đỏ nối quá khứ với tương lai
Là một nước nhỏ, đất không rộng, người không đông nhưng trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt luôn đứng vững, giành thế chủ động khi đối diện với kẻ thù. Là bởi nhân dân ta luôn biết kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp, lưu giữ nét thuần phong mỹ tục, biết nhân lên sức mạnh nội tại của chính mình. Và sức mạnh ấy, từ bao đời nay, chính là kết quả của sự kết hợp giữa sức mạnh thể lực và sức mạnh tâm lực - tinh thần thượng võ. Sau mỗi lần đương đầu với giặc ngoại xâm hung hãn, mạnh hơn, tàn bạo hơn ta nhiều lần thì tinh thần thượng võ lại được cộng hưởng và dần dần đã kết tinh thành truyền thống thượng võ, nét văn hóa rất tiêu biểu của Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội.
Truyền thống thượng võ của dân tộc Việt Nam không chỉ thể hiện ở sức mạnh, trong chiến thắng trước những thế lực thù địch, mà cao hơn, nó là hiện thân cho khát vọng hòa bình, là nêu cao và tô thắm thêm ngọn cờ nhân nghĩa của dân tộc. Thế nên, “bí quyết” của mọi thắng lợi chính là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, là Hoàn Kiếm khi đất nước đã sạch bóng quân thù. Để hôm nay, khi truyền thống thượng võ đã trở thành một chủ nghĩa lớn của thời đại, chủ nghĩa anh hùng, thì thông điệp mà chúng ta muốn gửi đến bè bạn năm châu chính là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước và góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ hòa bình trên thế giới, trong khu vực, trên cơ sở các quốc gia, dân tộc, các nền văn hóa, tôn trọng lẫn nhau, giải quyết mọi bất đồng bằng đối thoại với nguyên tắc hiểu biết, trân trọng các giá trị văn hóa - đạo lý - công pháp quốc tế! Đây chính là hiện thân cho chủ nghĩa anh hùng sáng bừng trên từng trang sử Việt suốt mấy ngàn năm qua mà tại Thăng Long - Hà Nội, trái tim của cả nước, tinh thần ấy lại càng được tôn vinh, tỏa sáng.
Không chỉ là một công trình ôn lại truyền thống thượng võ, một trong các phương diện đặc sắc của Thăng Long nghìn năm văn hiến, của văn hóa Việt Nam, “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục còn chứa đựng trong đó những ý tưởng lớn lao, ấy là truyền cho lớp trẻ ngọn lửa của lòng yêu nước, cơn gió phấn chấn đầy xúc cảm của lòng tự hào dân tộc qua từng thế võ cổ truyền, qua những chiến công hiển hách vang dậy non sông của ông cha, và qua tinh thần yêu chuộng hòa bình đã trở thành mạch nguồn âm thầm, bền bỉ, mạnh mẽ của dân tộc.
Ngày nay, khi cuộc sống phát triển không ngừng, giới trẻ thường dễ bị cuốn theo cơn lốc của công nghệ thông tin, vui chơi giải trí… mà phần nào sao nhãng những tri thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam - Thăng Long - Hà Nội,bỏ quên chính vị trí, vai trò của mình với đất nước thì một công trình hướng đến trung tâm là giới trẻ trong vai trò những người kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc thực sự là điều cần thiết. Để những người trẻ hiểu rằng, con dân nước Việt, công dân Thăng Long - Hà Nội có quyền tự hào chính đáng khi nhìn lại hành trình của một kinh đô nghìn năm văn hiến, với tên tuổi và sự nghiệp của các anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - biểu tượng của truyền thống thượng võ, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và gắn bó máu thịt với số phận đất nước! Tự hào để vững vàng hơn trong gánh vác sứ mệnh trao truyền giá trị văn hóa của dân tộc tới những thế hệ sau, sau nữa…
Công trình “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục không chỉ truyền được cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho thanh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam mà còn như một thông điệp mạnh mẽ nhắn gửi đến thế hệ trẻ Việt Nam hãy biết phát huy truyền thống thượng võ của dân tộc một cách thiết thực, hãy ra sức phấn đấu, học tập, lao động, tu dưỡng, sáng tạo và lập nghiệp. Thông điệp ấy đáng quý, đáng trân trọng biết bao!
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội