Hùng khí Thăng Long trong những ngày kháng chiến qua “Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI”
Thế kỷ XX chứng kiến biết bao đổi thay trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội với những dấu mốc chói ngời: Cách mạng tháng Tám 1945 thành công; toàn quốc kháng chiến năm 1946; Hà Nội được giải phóng năm 1954 và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội; đất nước thống nhất năm 1975; và công cuộc đổi mới hiện nay… Chỉ điểm qua một số mốc lịch sử trên cũng có thể thấy Hà Nội đã trải nghiệm và chứng kiến biết bao sự biến động xã hội với những niềm vui và nỗi buồn, bao trăn trở và hy vọng. Những cảm xúc đó đã được thể hiện vừa hào hùng và vừa bi tráng trong những ca khúc Hà Nội.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, lời ca tiếng hát đã trở thành một vũ khí tinh thần của mỗi người Hà Nội. Bài Mơ đời chiến sĩ và Ngày về của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ thơ Mạc Tần và Chính Hữu đã trở thành hành khúc được các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô cất lên trong những trận chiến đấu ác liệt cầm chân địch với giọng điệu sôi nổi mà đầy lãng mạn, mơ mộng, đậm chất Hà Nội với những câu ca xúc động: “Mây núi rừng thiêng chinh khí ca/ Tinh binh rộn rã đi trên đường xa/ Đây hồn chiến sĩ oai hùng ngự, một thuở đao binh giục lánh nhà…” (Mơ đời chiến sĩ), “Nghe tiếng hẹn của những người Hà Nội/ Trở về/ Trở về chiếm lại quê hương/ Nguy nga sao cái ngày ta lên đường…” (Ngày về). Cùng sáng tác trong khoảng thời gian sau những ngày toàn quốc kháng chiến, nhưng Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi lại gợi chất Hà Nội theo một cách riêng. Bằng những giai điệu sâu lắng, trầm hùng, với lời ca thấm đẫm khí phách lãng mạn, Người Hà Nội thực sự trở thành ca khúc viết về người Hà Nội, đất trời Hà Nội, thúc giục những người con của Hà Nội giữ từng tấc đất thiêng, làm xao xuyến biết bao con tim: “Hà Nội đẹp sao/ Ôi nước hồ Gươm xanh thắm lòng/ Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng/ Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng...”.
Bao yêu mến và tràn đầy khát vọng vươn tới ngày trở về Thủ đô của những người con tạm biệt Hà Nội ra đi từ mùa đông 1946 đã được các nhạc sĩ gửi trong lời ca, câu hát. Và khúc hoan ca của một ngày về tưng bừng đã được Văn Cao viết thật say mê, rộn rã, như một sự thực hiển nhiên ở bài Tiến về Hà Nội, ca khúc được sáng tác năm 1948 giữa những ngày cuộc chiến đấu chống Pháp đang diễn ra vô cùng ác liệt. Bài hát đưa người nghe hòa vào không khí hân hoan, trong khung cảnh cờ hoa rợp trời và những tấm lòng Hà Nội đón người lính Cụ Hồ trở về Thủ đô.
Âm nhạc của những người Hà Nội đi theo kháng chiến, dấn thân vào thực tế đấu tranh của dân tộc, cho dù trước đây có xuất thân từ hoàn cảnh, giai tầng nào, dù viết về đề tài gì, bao giờ cũng toát lên một tinh thần Hà Nội vừa hào hoa, lãng mạn, vừa hào hùng, phóng khoáng trong những ca từ, giai điệu.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Thủ đô giải phóng nhưng đất nước vẫn bị chia cắt đôi miền. Không khí hòa bình ở Hà Nội không được bao lâu thì không lực Mỹ bắt đầu bắn phá leo thang ra miền Bắc. Một lần nữa, âm hưởng hùng ca lại vang lên mạnh mẽ nơi trái tim của cả nước. Bài hát Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc của Tân Huyền đã vang lên hào sảng một tinh thần Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: “Trên quảng trường Ba Đình uy nghiêm năm trước/ Vọng lời Bác Hồ tuyên ngôn dựng nước/ Nước Việt Nam ta từ trong gian khổ sinh ra/ Tầm vông đứng dậy quê ta…”, ca khúc Bài ca Hà Nội bằng giai điệu chứa chan cảm xúc đã tái hiện một Hà Nội thật hiên ngang với những con người mang vẻ đẹp của những chiến sĩ Vệ quốc quân năm xưa: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ… Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng/ Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang…”.
Khi Hà Nội bước vào những ngày thử thách ác liệt, đối đầu trực diện với không lực Mỹ thì cũng chính khoảnh khắc ấy, lời ca Hà Nội đã vút bay lên trời cao cùng lưới lửa phòng không, tiêu diệt kẻ thù. Dù bom đạn Mỹ có trút xuống Thủ đô, thì tiếng hờn căm, ý quyết chiến của người Hà Nội vẫn vang vọng từng ngày trong không gian Hà Nội. Khí phách và tâm hồn Thăng Long, trong gian khó, trong đạn bom, càng tỏa rạng và sáng ngời hơn. Thế nên Phạm Tuyên đã viết thật hay, thật tươi vui về nhịp sống vẫn trôi chảy qua các ngã tư giữa những ngày thật cam go: “Từ một ngã tư đường phố/ Cuộc sống reo vui từng giờ/ Khi nắng mai về người và xe nối nhau đi trên đường/ Đèn đỏ, đèn xanh với ánh nắng nhảy múa như ngàn hoa...”.
Âm nhạc là nơi nhạy cảm của tâm hồn, nên lời ca tiếng hát cũng chính là tiếng lòng người qua những thăng trầm lịch sử. Ca khúc Hà Nội của “một thời đạn bom, một thời hòa bình” (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp) trong suốt hai cuộc kháng chiến, đã vang lên, thấm sâu vào hồn người và đến hôm nay vẫn truyền những xúc cảm tươi nguyên đầy xúc động đến biết bao con tim.
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội