Cô bạn ngồi cạnh hứng khởi: “Còn mình rất thích được làm biên tập viên để được đứng tên đằng sau những cuốn sách. Mình sẽ làm việc trong ngành xuất bản”.
- Cái gì? Xuất bản à? Mà xuất bản là làm gì?
Những câu hỏi dồn dập khiến tôi thực sự chú ý vì tôi cũng không hiểu xuất bản là gì. Chưa kịp nghe hết cuộc hội thoại thì tôi phải xuống xe, nhưng hai từ “xuất bản” cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt buổi hôm đó. Rồi bẵng đi theo thời gian, tôi ra trường và xoay xở tìm việc.
Dịp may đến, tôi được giới thiệu đến nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước. Thật bất ngờ, đó lại là một nhà xuất bản. Câu chuyện của đôi bạn trên chuyến xe buýt ngày nào ùa về và khái niệm “xuất bản” khiến tôi lo lắng, hồi hộp mất ăn, mất ngủ không biết công việc của mình như thế nào, bởi lúc đó trong tôi khái niệm về “xuất bản” rất mơ hồ. Tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin, tìm hiểu về nghề xuất bản nói chung và công việc của một nhà xuất bản cụ thể. Càng tìm hiểu tôi càng hoang mang khi tôi bắt gặp các thuật ngữ như biên tập viên, kỹ thuật viên, in ấn, phát hành.... Chuyên ngành của tôi là tài chính. Song khát khao tìm hiểu cái mới cùng nhu cầu việc làm bức bách nên tôi vẫn quyết tâm xin việc ở Nhà xuất bản.
Đến ngày hẹn, tôi thấy bồn chồn lo lắng, cố đi lòng vòng chạy xe qua nhiều con phố để không đến quá sớm (thú thật tôi đã phải đi tìm địa chỉ cơ quan từ mấy hôm trước). Dừng xe trước cổng cơ quan để trấn an bản thân rồi tôi cố hết sức bình tĩnh dắt xe vào cổng. Hình ảnh đầu tiên làm tôi ngạc nhiên và gây ấn tượng suốt sau này đó là cây đa. Cây đa không nằm ở ngay cổng vào hay ở một khuôn viên rộng rãi, cây đa không sum sê cành lá, cũng không khẳng khiu nhưng ở các độ cao khác nhau đều có các tán lá vươn ra trước cửa như che trở từng dãy phòng làm việc. Trong suy nghĩ của tôi, cây đa thường gắn với bến nước, sân đình hay trên một bãi đất rộng ở các làng quê Việt Nam. Vậy mà ở đây, lại cây đa trong khuôn viên nhỏ? Cây đa quê tôi ở ngay đầu làng, thường là nơi trú chân của bọn trẻ chăn trâu, là nơi nghỉ chân của những người dân trong làng trên đường ra đồng hay đi đâu về. Còn ở đây, dưới gốc đa có để một chiếc ban thờ nhỏ. Tôi nghĩ chắc cây đa này thiêng lắm.
Tiếng bác bảo vệ hỏi khiến tôi giật mình dứt khỏi những ý nghĩ miên man về cây đa. Sau khi nghe tôi trình bày, bác bảo vệ chỉ tôi lên tầng hai. Đứng trước cửa phòng Tổng Giám đốc, tôi thấy hơi căng thẳng vì nghĩ sẽ là cuộc phỏng vấn kiểm tra về kiến thức ở trường hay một bài thi trắc nghiệm nào đó cùng vẻ nghiêm khắc và lạnh lùng của lãnh đạo. Thật bất ngờ, sự việc khác hẳn với những gì tôi đã nghĩ. Trước sự gần gũi, cởi mở cùng những câu hỏi như tìm hiểu, sẻ chia của ban lãnh đạo, tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy tự tin đôi chút. Tôi được nhận vào thử việc tại phòng kế toán và bắt đầu công việc ngay hôm đó.
Niềm vui trong tôi vỡ òa mặc dù lúc đó tôi biết thử thách là rất lớn, bởi tôi vẫn chưa định hình mình phải bắt đầu công việc từ đâu. Ngày đầu tiên ngồi vào bàn làm việc, trước máy tính tìm hiểu phần mềm kế toán nhưng đã không để lại gì trong đầu, vì tôi còn mải quan sát phòng làm việc và cách làm việc của mọi người.
Ngày thứ hai, lãnh đạo phòng đưa cho tôi tập tài liệu và bảo tôi đọc tìm hiểu về Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến để phục vụ công việc kế toán. Tôi đọc một lần, hai lần vẫn không hiểu gì, lần thứ ba vẫn lơ mơ. Ngày thứ ba tôi đánh liều gặp lãnh đạo phòng và may mắn được chú giới thiệu một cách sơ lược tổng quát toàn Dự án. Sau đó tôi bắt tay với công việc nhưng lúc đó tôi chỉ tâm niệm mình làm dự án không liên quan đến nhà xuất bản mà quên mất rằng đây là dự án xuất bản sách. Tôi chỉ chú tâm đến công tác kế toán mà quên đi việc tìm hiểu về xuất bản như suy nghĩ ban đầu. Sai lầm này là bài học lớn mà suốt thời gian học và thử việc tôi không nhận ra.
Thế rồi khi dự án bắt đầu triển khai gấp rút, yêu cầu công việc cao, tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuyên môn. Đây cũng là thời điểm mấu chốt để ban lãnh đạo xét duyệt xem tôi có thể tiếp tục đảm nhiệm công việc hay không. Điều quan trọng hơn cả là tôi đã bắt đầu yêu thích công việc của mình và thấy gắn bó với môi trường làm việc nơi đây. Tôi bắt đầu nhận thức được những hiểu biết về xuất bản là vô cùng quan trọng nhất là trong mảng giao dịch của tôi. Không còn cách nào khác, tôi trở thành một con ong chăm chỉ, cần mẫn, ngày ngày học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và trau rồi kiến thức về xuất bản, về chuyên môn. Nhờ đó, dần dần tôi đã tự khẳng định mình và chính thức được tiếp nhận vào cơ quan. Tôi cũng không còn thắc mắc tại sao dưới gốc đa lại có ban thờ. Mọi người trong cơ quan không ai biết đích xác cây đa bao nhiêu tuổi nhưng ai cũng thấy nó đã có từ lâu và cảm nhận rất linh thiêng. Chính tôi đã từng cầu nguyện thần đa phù hộ cho tôi được làm việc lâu dài ở đây. Không biết có duyên số gì không, dù nhiều lần luân chuyển công việc, ở các vị trí phòng ban khác nhau nhưng chỗ tôi ngồi làm việc bao giờ cũng có cửa sổ, mở ra là bắt gặp luôn cây đa.
Thấm thoắt đã gần bảy năm trôi qua. Giờ đây, tôi ngày càng trưởng thành trong chuyên môn cũng như các công tác khác tại Nhà xuất bản Hà Nội. Biết bao kỷ niệm vui, buồn bên đồng nghiệp, chứng kiến sự đổi thay của Thủ đô nói chung và công tác xuất bản nói riêng tôi thấy ngày càng gắn bó với nơi đây nhiều hơn.
Tôi xin được mượn hai câu thơ trong bài Lời than thở của nàng mỹ thuật của nhà thơ Thế Lữ để kết thúc bài viết này: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy \Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.
Lê Thị Ánh Tuyết
Nhà xuất bản Hà Nội