Đằng sau những trang sách
Cảm nhận đầu tiên về cơ quan là sự cổ kính thì cảm giác đầu tiên về công việc là mệt. Trước khi vào Nhà xuất bản, tôi là một giáo viên, và công việc thường nhật là lên lớp, giảng bài. Những ngày ấy tôi mệt vì nói nhiều. Còn khi bắt đầu làm quen với công việc biên tập, chỉ đọc và đọc khiến nhiều lúc tôi có cảm giác căng thẳng. Chuyển từ nói nhiều như “máy khâu” sang “hát khúc quân hành lặng lẽ” khiến tôi nghĩ công việc có vẻ tẻ nhạt. Thêm vào đó, quãng đường từ nhà đến cơ quan cũng làm tôi thấy nản. Hàng ngày, bắt đầu từ làng quê ngoại thành, tôi đi sâu vào lòng thành phố. Trời nắng, con đường không đáng yêu, còn trời mưa con đường thật đáng ghét. Tôi còn nhớ một ngày mùa đông, đi về trong mưa và rét, con đường đang thi công với ổ trâu, ổ voi cùng nước và nước làm đôi tay tê cóng và đôi chân giá buốt vì ngấm nước khiến lúc đó tôi tự hỏi sao mình lại chọn nghề này? Có phải mình đã đi quá xa? Lúc ấy, cảm giác buồn tủi, chán nản với chính mình làm tôi thấy cay nơi khóe mắt. Ấy vậy mà tôi đã gắn bó với Nhà xuất bản đến nay được gần 5 năm. Và sau quãng thời gian tuy không dài ấy nhưng đủ để tôi tìm được lý do níu kéo mình với công việc biên tập.
Qua thời gian, cảm giác bỡ ngỡ dần trôi đi. Tôi quen hơn với công việc và quen hơn với mọi người xung quanh, con đường đi về cũng gần gũi và đáng yêu hơn trong mắt tôi. Để giờ đây, khi nhìn lại chặng đường đã qua, những ngày đầu làm quen với công việc, chập chững bước đi đầu tiên với nghề vẫn còn sâu đậm trong tôi.
Sau khi tìm hiểu Luật Xuất bản, tôi được cô trưởng phòng hướng dẫn một cách tỷ mỷ các ký hiệu, cách xử lý, sửa chữa cho bản thảo, từ lỗi morat đến nội dung. Còn nhớ, ký hiệu “bỏ” nhìn có vẻ đơn giản là thế, vậy mà để trông có vẻ “chuyên nghiệp” tôi đã phải tập viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần. Sau đó, tôi được hướng dẫn cách thẩm định bản thảo. Với tôi, đó thực sự là việc khó. Tôi rà soát lại sách vở, tìm đọc lại những định nghĩa hy vọng cái mình viết, mình đánh giá là đúng đắn. Vậy mà, khi bắt tay vào viết, tôi vẫn thường phải vật vã, thậm chí có lúc căng thẳng khi không biết đánh giá của mình là đúng hay sai, đã khách quan hay chỉ là phiến diện. Thế nên, một bản giám định bản thảo hoàn chỉnh để đem nộp là kết quả của cả chục bản nháp và cả sự vật lộn trong suy nghĩ.
Sau khi đã khá quen với công việc giám định bản thảo, tôi bắt đầu tập sửa bông. Cái công việc ban đầu tôi tưởng là đơn giản nhưng khi bắt tay làm thực tế mới biết không dễ chút nào. Còn nhớ, khi mới vào nghề, được tham gia đọc bông một phần bản thảo Viết từ Hà Nội của Giáo sư Phong Lê, tôi thấy rất thích và tự nhủ chắc mình sẽ làm tốt và không thể sót lỗi. Vậy mà, mải miết đuổi theo những chi tiết, câu chuyện tác giả dẫn dắt, tôi - người đọc bông - lại thoát ly bản gốc, bỏ qua những gì biên tập viên đã sửa. Kết quả là sai sót. Tôi hiểu rằng, một công việc dù đơn giản nhất nhưng nếu thiếu sự cẩn trọng sẽ không thể hoàn thành tốt.
Sau khi được giao biên tập bản thảo Ngày về của tác giả Lê Lâm, tôi được cô trưởng phòng thông báo cần phải làm việc trực tiếp với tác giả để thống nhất việc chỉnh sửa bản thảo. Với tôi, đây thực sự là một việc quan trọng. Bởi thế, đêm trước buổi gặp gỡ, tôi tự lên đề cương các câu hỏi và dàn ý cho buổi nói chuyện, sáng hôm sau dậy sớm, cố gắng ăn mặc chỉn chu, chuẩn bị một khuôn mặt nghiêm túc, ra vẻ thuyết phục để mong lời nói với tác giả sẽ có thêm “sức nặng”. Kết quả buổi gặp gỡ không căng thẳng như tôi nghĩ và tất cả đều suôn sẻ. Nhưng đến giờ, đó vẫn là buổi tiếp xúc cộng tác viên đáng nhớ nhất với tôi.
Quen hơn để rồi yêu hơn. Qua những trang sách, bản thảo tôi cảm nhận thêm được cuộc sống muôn màu. Đọc tác phẩm của những tác giả trẻ như Tống Ngọc Hân, Ái Duy, tôi thấm thía hơn sự nhân văn trong cuộc đời, dõi theo những trang viết của Lan Khai thấy cái nét duyên vừa chân chất mộc mạc của những nẻo đường rừng, vừa ý nhị và tinh khiết như những giọt nước nguồn của chốn thâm u qua từng chi tiết nhỏ! Bên cạnh đó, những bản thảo của nhiều lĩnh vực khác nhau đã cho tôi thêm biết bao kiến thức xã hội… Những lúc ấy, tôi lại tự cười mình vì thấy bản thân giống văn sĩ Hộ của ông Nam Cao, khi cảm nhận được cái hay của một câu văn, một con chữ thì dẫu có ăn một miếng ngon đến đâu cũng không thích bằng.
Cứ thế, công việc gắn bó tôi với Nhà xuất bản và tình cảm của những con người nơi đây càng khiến cho sợi dây vô hình kia thêm bền chặt. Gặp bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống hàng ngày tôi đều nhận được sự động viên, chia sẻ từ các cô, các chị và bè bạn tại cơ quan. Nhà xuất bản Hà Nội, vì thế, không chỉ là nơi tôi có mặt 8 tiếng một ngày mà đã trở thành một nơi thân quen, gắn bó, đem đến cho tôi niềm vui và sự ấm áp.
Biên tập là một nghề “nặng nhọc”, theo cách cảm nhận của một chị đồng nghiệp trong phòng, và đó cũng là một công việc đầy khó khăn. Đặc biệt, khi thị trường xuất bản gặp vô vàn thử thách như hiện tại thì để làm tốt công việc này lại càng khó khăn hơn nữa. Trong gần 5 năm gắn bó với nghề biên tập, không chỉ một lần tôi cảm thấy khủng hoảng bởi thiếu niềm tin vào bản thân, cảm giác công việc này dường như quá sức với mình và băn khoăn tự hỏi liệu rằng nơi đây, chỗ này có thuộc về bản thân mình hay không. Vậy rồi, gắn bó với những con chữ, sống và làm việc với những cô chú, anh chị em bạn bè đồng nghiệp, tôi hiểu rằng, Nhà xuất bản là một cuốn sách hay, và nếu kiên trì đi đến trang cuối, đó sẽ là một câu chuyện có hậu.
Nguyễn Thị Dung
Nhà xuất bản Hà Nội