Để văn hóa nâng tầm Thủ đô
Hà Nội hôm nay với tầm Thủ đô lớn trong các Thủ đô lớn của thế giới phải khác! Có bao công trình đồ sộ mọc lên, đan xen trong một không gian trầm lặng, có nhiều thứ đã thay đổi để rồi những người xa quê hương hoặc ít có điều kiện đến Hà Nội sẽ không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp. Dẫu diện mạo đổi thay nhưng văn hóa, hồn cốt người Hà Nội vẫn còn đâu đấy! Thế nên, bên cạnh một Hà Nội phát triển, sôi động, ồn ào với nhiều điều phải làm, phải bàn, thì một phần không thể không bàn đó là sự gìn giữ và phát triển văn hóa “Người Hà Nội” - khái niệm đáng để tự hào về một truyền thống đã được khẳng định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt, cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Đảng cũng có những nghị quyết về phát triển văn hóa, con người văn hóa, bởi lẽ “Văn hóa quyết định sự phát triển của cả một dân tộc”. Với Hà Nội – “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…” - thì văn hóa Hà Nội bây giờ đa dạng, pha tạp? Đây cũng chính là những băn khoăn, trăn trở không chỉ của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý văn hóa mà còn là mối lo lắng của nhiều người Hà Nội hôm nay. Làm gì để gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống đồng thời tiếp biến luồng văn hóa mới mà không tạo nên sự “lai căng” văn hóa? Điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội, đặc biệt với đội ngũ cán bộ công nhân viên chức Thủ đô đều phải có ý thức cùng chung sức tìm cách tháo gỡ không chỉ bằng lý lẽ mà bằng cả những việc làm và hành động cụ thể.
Trước những cảnh báo của sự xuống cấp về văn hóa trong một bộ phận cán bộ, nhân dân nhất là giới trẻ, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng bộ sách “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội”, do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp thực hiện. Bộ sách được dạy ở ba cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông, với đầy đủ các nội dung: khái niệm thanh lịch, văn minh; những bài học về thưa gửi, chào mời, ăn mặc, giao tiếp bạn bè; ứng xử với môi trường, tự nhiên, di tích danh thắng… Bộ tài liệu nhằm từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi cho học sinh, xây dựng các thế hệ người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Với những hình ảnh, câu chuyện, những bài học có tính thực tế cao đi vào cuộc sống người Hà Nội nên bộ sách được nhiều người đồng tình, ủng hộ.
Việc áp dụng đại trà chương trình học bộ sách “Giáo dục nếp sống văn minh – thanh lịch” cho học sinh Hà Nội, có thể nói là bước đi khởi đầu tạo nền móng vững chắc trong giữ gìn, phát huy và định hướng văn hóa cho tương lai mai sau. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn hiện nay là chính quyền các cấp từ xã phường, quận huyện, thành phố đều quan tâm xây dựng nhà văn hóa nhưng những con người quản lý văn hóa, làm công tác văn hóa chưa được quan tâm đúng mức? Nên chăng, cần giáo dục cho cán bộ viên chức trong các cơ quan nhà nước về văn hóa, trong đó văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp để bộ máy công quyền, công bộc của dân có văn hóa trong xử lý công việc và giao tiếp với người dân. Cũng bởi lẽ đó, ngoài bộ sách giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh dành cho học sinh Thủ đô thì nên chăng Hà Nội có thêm một bộ sách “Thanh lịch - văn minh của công nhân viên chức Thủ đô” dành cho cán bộ công chức viên chức.
Là nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô hoạt động trên lĩnh vực chính trị văn hóa tư tưởng – Nhà xuất bản Hà Nội đang hàng ngày, hàng giờ trăn trở để cho ra mắt những ấn phẩm có ích với cuộc đời, góp phần nâng cao văn hóa trong xã hội, bởi chỉ văn hóa mới nâng tầm Thủ đô.
Nguyễn Kim Sơn
Nhà xuất bản Hà Nội