Mặc dù được ký hợp đồng với chức vụ biên tập viên nhưng công việc chủ yếu của tôi là xoay quanh với văn bản, giấy tờ, họp hành của Dự án… Cũng thiệt thòi hơn so với lớp nhân viên trước tôi ít năm, trước khi là nhân viên của Văn phòng Dự án, họ có thời gian học nghề biên tập. Những kiến thức về nghề mà tôi có được chủ yếu từ nghe, quan sát, rút tỉa từ những câu chuyện của các cô chú, bạn đồng nghiệp và những bài học “chớp nhoáng” của chú Tuấn - lãnh đạo phòng mỗi khi rảnh rỗi. Nhiều lúc, tôi cũng như chị em trong phòng cảm thấy lo lắng về kiến thức nghề của mình quá ít so với những biên tập viên cùng lứa khác.
Những cuốn sách tôi được tham gia biên tập đầu tiên là sách thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Cuối năm 2008, những cuốn sách đầu tiên của Dự án bắt đầu biên soạn xong, chuyển sang khâu biên tập. Mặc dù bận rộn với công việc nhưng chị em trong văn phòng vẫn thiết tha đề nghị được tham gia biên tập để có thêm thu nhập và quan trọng hơn là thêm kinh nghiệm, kiến thức. Sau khi hoàn thành tốt việc đọc bông bản thảo Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, tôi, Trang, Quỳnh được giao biên tập bản thảo Văn bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cho đến nay, việc biên tập bản thảo này vẫn để lại cho tôi nhiều kỷ niệm không thể quên.
Cánh trẻ chúng tôi thường đùa với nhau nghề biên tập viên là nghề “sup - pơ-soi”. Mỗi khi có người phát hiện lỗi thì lại bảo “nó đúng là có mắt cú vọ”. Dường như việc phát hiện lỗi là “niềm vui” bởi như thế cuốn sách khi xuất bản sẽ hoàn thiện hơn, hạn chế tối đa “sạn”. Khi biên tập bản thảo Văn bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám chúng tôi cũng có niềm vui như thế. Bản thảo do PGS.TS Ngô Đức Thọ chủ biên. Biết ông nổi tiếng là người “bảo thủ” trong giới nghiên cứu. Bản thảo lại được biên soạn công phu, cẩn thận nên khi thực hiện chúng tôi không đủ “tự tin” để biên tập. Nhưng thật không ngờ sau khi biên tập chuyển lại chủ biên khi nhận lại bản thảo, chúng tôi lại thấy được một góc khác rất đáng kính trọng của một học giả. Ngoài những lỗi morat, bên cạnh những chỉnh sửa về diễn đạt, câu từ… của chúng tôi, PGS. TS Ngô Đức Thọ đều có những ghi chú đồng ý hoặc mang tính chất “phản biện”. Đặc biệt, với những lỗi tác giả có sự nhầm lẫn mà chúng tôi phát hiện ra, ông đều viết bên cạnh dòng chữ “cảm ơn biên tập”. Những phản hồi của tác giả là niềm vui với chúng tôi, hơn thế chúng tôi học được nhiều điều và bắt đầu tự tin với công việc biên tập bản thảo.
Tuy nhiên, điều đáng nhớ hơn lại là những bài học mà chúng tôi phải trả bằng nhiều thời gian công sức trong quá trình thực hiện. Biên tập mới chỉ là công đoạn đầu tiên của quy trình sản xuất. Phải theo hết cả quy trình đến khi ấn phẩm hoàn thiện tôi mới thực sự được trải nghiệm những nhọc nhằn của nghề biên tập. Ban đầu bản thảo được chuyển cho bộ phận chế bản để ra bông nhưng không thực hiện được do bản thảo có tới 5 font chữ Hán khác nhau, chương trình Quark 6 không tương thích. Quanh đi quanh lại cuối cùng phải thống nhất chuyển cho chính chủ biên để chế bản. Việc sửa bông bản thảo này không hề đơn giản. Những lỗi (chủ yếu là lỗi font chữ Hán) trong bông trước không có, bông sau lại xuất hiện. Thậm chí lỗi ở bông 1, bông 2 sửa rồi, bông 3 lại thấy lỗi đấy. Sau này chúng tôi mới biết, chủ biên chế bản trên word, sau đó xuất sang file pdf để ra bông nên vẫn có những chỗ chữ Hán không hiển thị hết, mặc dù file chính trên máy không hề sai. Sau 4 lần đọc bông chúng tôi quay cuồng bởi không thể kiểm soát hết lỗi trong bản bông. Cuối cùng, thời gian gấp gáp, nên bản bông đó vẫn cho ra can, những chỗ chữ Hán sai sẽ tiến hành trổ. Thế nên dù là ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhưng việc chính của tôi lại là trổ can.
Bàn giao can xong tưởng đã thở phào nhưng xuống đến nhà in, can vẫn quay trở lại. Nguyên nhân là bát chữ giữa trang chẵn, trang lẻ lệch nhau, do lệch giữa các trang nên người bình bản không thể bình được. Ôm hộp can về, tôi quả thực chán nản và không hiểu tại sao như vậy. Khi đến gặp chủ biên, bác Thọ bảo tôi: “Thôi, vậy cháu ra can giúp bác vậy”. Ôm máy tính của chủ biên, sau khi hết giờ làm, tôi và Trang lại hì hụi làm công việc của một người chế bản: ra can bản thảo. Chúng tôi căn chỉnh từng trang sai, sửa lỗi font rồi in can từng trang, từng trang một.
Bao khó khăn, bất trắc xảy ra trong quá trình thực hiện bản thảo, cuối cùng cuốn sách đã được ra mắt kịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cầm cuốn sách trên tay, PGS.TS Ngô Đức Thọ mỉm cười hài lòng. Còn chúng tôi, những biên tập viên trẻ cũng có nhiều bài học không thể nào quên. Chỉ khi bắt tay vào thực tế công việc tôi mới cảm nhận được để cuốn sách đến tay bạn đọc, đằng sau đó là rất nhiều mồ hôi, công sức của người biên tập.
Quách Hòa
Nhà xuất bản Hà Nội