Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/11/2014 03:17
Kỷ niệm trong tôi: Những bỡ ngỡ bước vào nghề và những kỳ thi

Kể từ năm 2005, khi tôi bước chân vào Nhà xuất bản Hà Nội đến nay đã gần 10 năm. So với quãng đường 35 năm xây dựng và phát triển của Nhà xuất bản thì đó là gần một phần ba đoạn đường phát triển mà tôi đã có cơ duyên được gắn bó. Những sinh viên mới ra trường với bao bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa của cuộc đời, tôi và một số bạn đã đến với Nhà xuất bản Hà Nội để bắt đầu một hành trình trên con đường sự nghiệp của mình.

 
Tôi nhớ hồi đó, lớp nhân viên mới chúng tôi tương đối đông khoảng 18 người. Hầu hết chúng tôi là những sinh viên mới ra trường học những chuyên ngành khác nhau của khoa học xã hội nhân văn. Tôi là cử nhân xã hội học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn các bạn khác là cử nhân ngôn ngữ, triết học, lịch sử, văn học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến hôm nay, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, nhiều bạn không còn công tác tại Nhà xuất bản. Lứa vào đông nhất ngày ấy giờ chỉ còn lại tôi và Phạm Thị Thu Trang (Văn phòng Dự án).
 
Hồi đó, kiến thức về xuất bản của chúng tôi như những trang giấy trắng. Những gì được học trong nhà trường chỉ là nền để chúng tôi bước vào công việc, còn kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý công việc có được cần phải có thời gian trải nghiệm. Trong quá trình học việc, chúng tôi được tìm hiểu những điều cơ bản về Nhà xuất bản, công tác xuất bản, biên tập. Do số người đông nên chúng tôi được sắp xếp ngồi tập trung trên Hội trường của Nhà xuất bản, được các cô, chú trong Ban lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên “lên lớp” giảng kiến thức cơ bản về xuất bản, hướng dẫn những kỹ năng, nghiệp vụ công tác biên tập.
 
Người quản lý trực tiếp chúng tôi là chú Trương Đức Hùng và chú Nguyễn Huỳnh Mai. Khi đó, tôi vào sau các bạn khoảng vài tuần và không được may mắn dự những buổi lên lớp trong những tuần đó, nên có lẽ tôi là người bỡ ngỡ nhất. Tôi được bạn Trang - được giao là tổ phó - đưa cho tôi quy chế của Nhà xuất bản, Luật Xuất bản và một số tài liệu liên quan để tôi tự tìm hiểu. Tôi lao đầu vào tự nghiên cứu, thú thật là đọc xong tôi cũng chả nhớ được gì. Cũng bởi, trong khi tôi say sưa đọc tài liệu thì các bạn khác đã được học qua những khái niệm cơ bản như bản thảo, bản bông, bản in thử…, nắm được ký hiệu sửa bài và được giao bản thảo để “thử nghiệm”. Thấy các bạn xung quanh trao đổi và cùng thực hành, tôi thấy sốt ruột, lo lắng, băn khoăn và thêm một chút nản không biết mình nghiên cứu tài liệu để làm gì, bông là gì, bản in thử là gì, đến khi nào mình mới được làm như họ. Và rồi, sau vài ngày tự tìm hiểu, vào buổi sáng thứ 2 đầu tuần, tôi được bạn Trang dẫn xuống gặp “thầy” hướng dẫn Trương Đức Hùng. Tôi chào chú, giới thiệu qua về mình và trình bày rằng tôi đã đọc xong tài liệu, mong muốn chú hướng dẫn làm quen công việc. Chú Hùng với điệu cười của riêng chú, vừa cười vừa nói: “Thế cháu nghiên cứu xong tài liệu thì làm bài thi!”. Và đó là lần đầu tiên tôi làm bài thi mà một thí sinh – một giám thị (một “giám sát” một). Tôi được chú đưa cho giấy thi, giấy nháp và đề thi, một mình tôi làm bài tại bàn uống nước ở tầng 2 phòng Biên tập. Vừa làm vừa hồi hộp, tôi cũng không nhớ rõ đề thi là gì, nhưng đó là lần làm bài kiểm tra kiến thức đầu tiên của tôi về xuất bản. Không phải ai được tuyển vào Nhà xuất bản Hà Nội cũng may mắn được trải qua kỳ kiểm tra đặc biệt như tôi. Thời gian đó tuy ngắn nhưng cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai.
 
Sau một thời gian học việc, chúng tôi được tham gia kỳ thi tuyển nhân viên, biên tập viên của Nhà xuất bản Hà Nội. Theo tôi được biết, đây là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay Nhà xuất bản tổ chức thi tuyển đầu vào. Trước khi bắt đầu vào kỳ thi, chúng tôi được tham gia học nghiệp vụ chuyên môn biên tập, tin học, ngoại ngữ. Kỳ thi tuyển diễn ra nghiêm túc, bài bản về chuyên môn, chúng tôi được thi kiến thức về Luật Xuất bản, kỹ năng biên tập, thẩm định tác phẩm; về tin học và ngoại ngữ thi tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp, tiếng Trung. Tôi còn nhớ như in buổi thi ngoại ngữ hôm đó. Địa điểm thi tại Hội trường Nhà xuất bản Hà Nội, đề thi do Giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội ra đề, giống như các môn thi khác đề được niêm phong cẩn thận. Giám thị hôm đó là các cô, chú phụ trách hướng dẫn nghiệp vụ của Nhà xuất bản trông thi. Tôi may mắn được giám thị Trương Đức Hùng “giám sát” kỹ, tôi làm bài rất say sưa, nhưng không hiểu vì lý do gì “thầy” Hùng cứ đứng ngay sau tôi với ánh mắt theo dõi, giám sát,… rồi thầy đọc bài của tôi và cười… cười… với điệu cười mà tôi đã từng gặp trong lần làm bài kiểm tra đầu tiên khi tôi mới vào. Vì điệu cười của thầy giám thị lúc đó nên tôi tưởng bài làm của mình có vấn đề, nhầm lẫn, sai sót gì. Thế nhưng, thật may, khi công bố điểm, tôi là người có điểm cao thứ 2 của môn thi ngoại ngữ, trong khi nhiều người có điểm số thấp. Đó là một kỷ niệm thú vị tôi đã được trải nghiệm.
Sau kỳ thi tuyển đó, nhiều người đã không đủ điều kiện và ra đi, những người ở lại được phân vào ba phòng, dưới sự quản lý, hướng dẫn chuyên môn của các cô, chú biên tập viên phụ trách các phòng. Tôi may mắn được phân vào phòng Biên tập 3 do cô Hoàng Châu Minh phụ trách. Đó cũng là cái duyên. Cô Minh hướng dẫn tôi tỷ mỷ, cụ thể từ ký hiệu trong cách sửa bông bài, cách viết giám định tác phẩm, kỹ năng biên tập... Bản thảo đầu tiên tôi được giao “thử nghiệm” (tôi cũng không nhớ tên chính xác) nôm na về bệnh viêm tiền liệt tuyến. Thú thật, với những kiến thức cơ bản lúc đó, lần đầu tiên được thực hiện các kỹ năng biên tập, tôi chăm chú, say sưa và tự hào lắm, nhưng đó là bản thảo với những lỗi được tôi sửa như “ma trận”. Tôi còn nhớ, hồi đó sau một năm học việc, trải qua kỳ thi tuyển, kiểm tra đầu vào, rèn luyện, học tập cứ 3 tháng là họp phòng, chúng tôi được phụ trách phòng nhận xét từng cá nhân. Và bản thảo về bệnh viêm tiền liệt tuyến được sửa như “ma trận” của tôi cũng được cô Châu Minh nhắc lại trong lần nhận xét về sau. Cô nhận xét rất kỹ từng người về ưu điểm, nhược điểm, sự tiến bộ và đó cũng là những bài học để mỗi chúng tôi rút kinh nghiệm, trưởng thành dần trong công việc.
 
Một kỷ niệm vui đáng nhớ đó là lần đầu tôi được nhận tiền bồi dưỡng đọc bông bản tin Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội mà chú Phạm Quốc Tuấn giao, tôi và Phú mỗi người được 20.000 đồng. Mặc dù số tiền nhỏ chỉ đủ ăn một bát phở, nhưng hai đứa rất vui, cười như nắc nẻ, tự hào khoe với các bạn vì hồi đó hai đứa tôi là những người đầu tiên trong nhóm được nhận tiền công.
 
Những kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp tôi có được hôm nay là từ thực tế công việc, những bài học, những buổi tập huấn của các cô, chú biên tập viên (nhất là người thầy dạy nghề đầu tiên – biên tập viên Hoàng Châu Minh) của Nhà xuất bản đã hướng dẫn, dìu dắt tôi. Các biên tập viên trẻ chúng tôi - thế hệ sẽ tiếp nối những thành công của 35 năm xây dựng và phát triển để xây dựng Nhà xuất bản Hà Nội xứng đáng với vị thế Nhà xuất bản của Thủ đô, phát triển bền vững, có tiếng vang trong làng xuất bản.
 
 
Phạm Thị Anh Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)