"Mái nhà thứ hai" của tôi
Ngôi nhà ấy đã có một thế hệ biên tập viên gạo cội, gắn liền với những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như: Vũ Cao, Hà Ân, Lê Bầu, Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Đức Vụ… Nhắc đến những tên tuổi ấy, lớp trẻ chúng tôi không khỏi bồi hồi, cảm phục. Giờ đây, ngôi nhà ấy đang mở cửa đón chào những người mới như tôi, như nhiều bạn trẻ khác để “truyền nghề”, để phát triển đi lên, có thương hiệu hơn trong làng xuất bản.
Hồi ấy, ngoài tôi ra còn có hơn chục bạn khác cũng được tuyển từ nhiều ngành của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn như: Triết học, Văn học, Sử học, Xã hội học… Sau này, tôi có nghe nói đó là đợt tuyển dụng đông nhất từ khi thành lập Nhà xuất bản (1979) đến nay. Chúng tôi, những lớp người trẻ tuổi, vừa mới ra trường, đang tràn đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến, nhưng vẫn còn non nớt và nhiều bỡ ngỡ. Hơn chục đứa chúng tôi phải học nghề trong hai tháng đầu để hiểu về nhà xuất bản và nghề biên tập. Nghề biên tập là gì? Biên tập viên là ai? Biên tập viên phải làm gì trên bản thảo? Viết giám định, tóm tắt bản thảo như thế nào? Cách sửa lỗi ra sao?... là những bài học vỡ lòng về nghề đầu tiên của tôi. Người chịu trách nhiệm “đứng giảng” ngày ấy là chú Trương Đức Hùng, một biên tập viên kỳ cựu của Nhà xuất bản. Chú Hùng đã thu nhặt mọi vốn hiểu biết và kinh nghiệm có được để truyền đạt kiến thức đến chúng tôi một cách nhiệt tình. Bên cạnh đó, chú Nguyễn Đức Vụ - Trưởng phòng Biên tập Nhà xuất bản ngày đó (giờ đã mất) cũng tham gia giảng dạy, giải đáp nhiều thắc mắc của chúng tôi.
Sau khi được học những kiến thức chung, chúng tôi được phân thành các nhóm dưới sự quản lý của các cô chú là những biên tập viên chủ chốt trong cơ quan. Đó là các nhóm do chú Trương Đức Hùng, chú Phạm Quốc Tuấn, chú Nguyễn Huỳnh Mai và cô Hoàng Châu Minh phụ trách. Ban đầu, tôi được phân vào nhóm chú Trương Đức Hùng - người thầy đầu tiên của tôi ở Nhà xuất bản. Tôi được chú chỉ dạy không lâu, nhưng cái tôi học được ở chú chính là sự nghiêm cẩn trong từng câu chữ, sự sâu sắc trong việc phân tích, nhận định bản thảo. Tôi đã ấm ức, đã trăn trở, đã tốn không ít giấy mực để viết đi viết lại đến mấy lần bản giám định bản thảo chú giao. Những lúc ngồi “nặn” mãi không được chữ nào, tôi mới thấy “cái cực” của người làm biên tập.
Người thầy thứ hai của tôi là chú Nguyễn Huỳnh Mai - một biên tập viên và cũng là một họa sĩ. Đó là thời gian tôi làm biên tập trong phòng Biên tập 2. Nếu như chú Hùng là người chỉ cho tôi cách xử lý các lỗi trên bản thảo thì chú Mai lại chỉ thêm cho tôi những vấn đề về market trình bày, về bố cục, về hình ảnh, màu sắc từ bông đến can... khi ra thành phẩm là một cuốn sách. Càng làm tôi càng thấy sự phức tạp của nghề. Nó đòi hỏi sự tỷ mỷ và kiên nhẫn đến phi thường.
Người thầy thứ ba của tôi là chú Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án. Tháng 8/2007, tôi được lãnh đạo điều động sang làm nhân viên của Văn phòng Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đây là một may mắn và cũng là niềm vinh dự đối với tôi. Chuyển sang Dự án tôi lại như đứa trẻ phải học lại từ đầu. Công việc chính của tôi không phải là biên tập mà là một nhân viên văn phòng với đủ thứ việc từ chuyển công văn giấy tờ, photo, đánh máy đến việc liên hệ với các tác giả, với những nhà khoa học, với những chứng từ… và với cả Luật Đấu thầu. Đã không biết bao nhiêu lần mắc lỗi nhưng tôi đều tự sửa mình và luôn cố gắng học hỏi. Dưới sự chỉ bảo của người thầy thứ ba, tôi lại thu được những bài học mới, những bài học sâu hơn về nghề và cả những bài học về trách nhiệm đối với nghề. Từ công việc của một nhân viên Văn phòng Dự án đã cho tôi sự tự tin, tăng khả năng giao tiếp, loại bỏ dần sự thụ động và quan trọng hơn cả là những kiến thức, là vốn hiểu biết mà tôi tích lũy được.
Thời gian trôi đi không ngừng nghỉ, từ cái ngày mùa thu ấy cho đến nay (2014) đã gần chục năm. Những người được tuyển thời ấy giờ chỉ còn lại tôi và bạn Anh Minh. Người ra đi nhiều hơn người ở lại. Phải chăng Nhà xuất bản hay cái nghề này “kén” người? Phải! Nó “kén” những người thực sự tâm huyết, những người muốn lao tâm, khổ tứ về nghề muốn gắn bó với Nhà xuất bản Hà Nội. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đủ tâm, đủ tầm mà chỉ đơn giản là tôi có “duyên” với Nhà xuất bản.
Không chỉ vậy, Nhà xuất bản Hà Nội đã níu giữ chân tôi, trái tim tôi bằng những tình cảm hết sức chân thành từ các cô chú, từ những đồng nghiệp luôn sát cánh bên tôi. Bên cạnh đó, sự quan tâm chu đáo đến đời sống nhân viên của lãnh đạo, của công đoàn đã khiến tôi coi Nhà xuất bản như “mái nhà thứ hai” của mình. Để Nhà xuất bản Hà Nội phát triển từng ngày, khang trang hơn, đàng hoàng hơn. Sách của Nhà xuất bản Hà Nội đã được bạn đọc tìm đến nhiều hơn. Thương hiệu của Nhà xuất bản đã thực sự được khẳng định.
Có thể nói mái nhà ấy không chỉ cho tôi một cái nghề, một công việc tôi yêu thích mà còn đem đến cho tôi nhiều kiến thức và những tình cảm chân thành. Tôi xin được cám ơn trước sự quan tâm của lãnh đạo Nhà xuất bản, cám ơn những người thầy đã truyền thụ kiến thức cho tôi, cám ơn những tình cảm yêu mến của các đồng nghiệp và bè bạn. Tôi tự nhủ với lòng mình đã gắn bó với nghề, với Nhà xuất bản thì “Hãy sống hết mình, làm hết khả năng/ Để mỗi ngày trôi qua không uổng phí”.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội