Một thế hệ đi qua… những gì còn để lại
Hồi mới vào phòng Biên tập, tôi chưa quen với 15 phút đầu giờ ngồi uống trà. Đơn giản tôi nghĩ là chỉ có các cô, các chú lớn tuổi mới uống, còn bọn trẻ chúng tôi không đủ tuổi và cũng không đủ “trình” ngồi trà đạo và “đàm đạo”, dù tôi cũng là người hay uống trà. Thế rồi, bẵng đi, tôi hòa nhập rồi “nghiện” 15 phút uống trà ấy lúc nào không biết. Đây như là một hình thức “giao ban” buổi sáng mà ở đó nhiều thông tin “thời sự” được “cập nhật”. Đằng sau chén trà, đọng lại sau tất cả với chúng tôi là những bài học, những kinh nghiệm về nghề, về cuộc sống mà không sách vở, trường lớp nào dạy.
Trong những phút giây chè nước ấy chúng tôi được nghe những câu chuyện bi hài “chết người vì lỗi biên tập, đọc bông” như khi làm sách thuốc chữa bệnh, người sửa bông đã để sót lỗi ngày uống 102 lần (đúng là 1-2 lần) haymỗingày uống 5-10l rượu (đơn vị đúng là ml)…Những câu chuyện tưởng như đùa đó lại là những bài học kinh nghiệm chân thực nhất cho các biên tập viên trẻ chúng tôi. Mỗi nghề đòi hỏi những tố chất khác nhau, với biên tập tính tỷ mỷ, cẩn trọng cần thiết phải có. Cô Châu Minh vẫn thường nói với chúng tôi “Chậm một tý, kỹ một tý, cẩn thận một tý để không phải hối hận”.
Xung quanh chén trà không chỉ là những câu chuyện vui từ nghề hay những trao đổi thông tin, vốn hiểu biết mà chúng tôi còn được nghe kể về những năm tháng mới thành lập của Nhà xuất bản cùng với vô vàn khó khăn. Đã có thời kỳ, trụ sở Nhà xuất bản như một xưởng sản xuất bởi cán bộ công nhân viên nhận việc làm gia công như bồi bìa, dán lịch... để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cũng có không ít câu chuyện “cười ra nước mắt” như chuyện một biên tập viên kiên quyết không tổ chức buổi liên hoan chia tay về hưu, chỉ bởi trong khi dọn dẹp, phòng đã “nhỡ tay” bán mất bản thảo của cộng tác viên cho đồng nát khiến biên tập viên phải mất bao công sức giải thích, xin lỗi cộng tác viên. Hay như chuyện biên tập viên đã “kiên trì đeo bám” ở nhà cộng tác viên từ 10 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau buộc cộng tác viên phải giao bản thảo… Đó là lý do vì sao các cô, các chú vẫn nói với chúng tôi “biên tập viên coi bản thảo là con đẻ, cộng tác viên là bạn đời của mình”. Những câu chuyện đó còn là những dấu ấn thời khó khăn mà chỉ có tình yêu, sự tận tụy, tận tâm với nghề mới không làm các cô chú từ bỏ nghề. Muốn trưởng thành trong nghề phải xuất phát từ tình yêu nghề. Quả thực với chúng tôi kinh nghiệm, bài học không ở đâu khác chính là từ những câu chuyện như thế.
Trong ngôi nhà chung Nhà xuất bản Hà Nội, không chỉ có mối quan hệ đồng nghiệp mà còn là mối quan hệ thân thiết giữa các gia đình với nhau. Gia đình ai có việc là tất cả mọi người cùng chung tay giúp đỡ, chia sẻ. Chính sự chân thành cùng sẻ chia đã giúp mọi người vượt qua những khó khăn từ nghề đến cuộc sống đời thường. Những tình cảm đó đã theo các bác, các cô, các chú đi cùng năm tháng, để hôm nay mỗi khi gặp nhau họ vẫn kể lại những câu chuyện ngày xưa và cảm thấy tự hào vì cái thời khó khăn nhưng tình người thì chân thật. Đó cũng là điều mà các thế hệ đi trước muốn gửi gắm đến thế hệ chúng tôi hôm nay.
Đã ba lăm năm trôi qua, thế hệ đầu tiên xây dựng Nhà xuất bản nay người còn, người mất, số đang công tác cũng chỉ còn vài ba người. Thời gian cùng guồng quay của cuộc sống kéo theo nhiều sự thay đổi về “đời” về “nghề”. Một số người về hưu muốn dành tâm lực để chăm sóc gia đình; một số người vẫn dành “trí lực” để cống hiến như bác Đỗ Ninh cộng tác của Cục Xuất bản; cô Minh Tâm cộng tác viên của báo Người cao tuổi, chú Oánh cộng tác viên của Nhà xuất bản Hồng Đức... Những người thuộc thế hệ đầu đang công tác vẫn miệt mài trên con đường xuất bản, họ đang sống và cống hiến phần “đời nghề” cho Nhà xuất bản Hà Nội và để dìu dắt lứa trẻ chúng tôi trưởng thành. Hiện nay, số cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản số trẻ chiếm tới 80%. Nhiệt huyết, tình yêu nghề có, nhưng “tay nghề” còn non, đó không chỉ là mối lo lắng, trăn trở của lãnh đạo cơ quan mà còn của cả một thế hệ sắp đi qua - những người tâm huyết gắn bó với Nhà xuất bản Hà Nội - chẳng còn bao lâu nữa sẽ về hưu hết.
Tôi xin khép lại đôi điều chia sẻ của bản thân bằng lời bài hát “Một rừng cây, một đời người”: “Khi nghĩ về một đời người tôi thường nghĩ về một rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người. Trẻ trung như cụm hoa hồng. Hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về. Cây đã mọc từ thuở nào trên đồi núi thật cằn khô… và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình, phải đâu may nhờ rủi chịu? Phải đâu trong đục cũng đành? Phải không em, phải không anh? Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi, xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người…”. Lời bài hát cũng là lời tri ân mà tôi muốn gửi tặng tới thế hệ các bác, các cô, các chú cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội dù đã nghỉ hưu hay còn công tác - những người mà tôi “mạn phép” được gọi là đồng nghiệp của mình. Mong rằng dù “tuổi có cao” nhưng “tâm” và “tình” của các bác, các cô, các chú sẽ luôn “trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về”…
Hoàng Tâm
Nhà xuất bản Hà Nội