Tôi đã trưởng thành từ một ngôi nhà như thế
Tôi chỉ là một cô sinh viên “mới ra lò” khi bước vào cánh cổng Nhà xuất bản Hà Nội năm 2004. Sự hứng khởi, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng không giúp tôi hết lo âu, ngơ ngác khi đứng trước mình là những biên tập viên kỳ cựu - những “cây đa, cây đề” của Nhà xuất bản.
Sau nhiều năm không tuyển cán bộ, đến lứa chúng tôi, có lẽ là những lứa cán bộ - biên tập viên trẻ đầu tiên của Nhà xuất bản Hà Nội cho đến nay. Bởi vậy, khi đó độ tuổi đội ngũ cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản chia thành hai lớp khá rõ: một là các bậc “lão thành cách mạng” mà chúng tôi luôn “nem nép” như: chú Nguyễn Khắc Oánh, chú Phạm Quốc Tuấn, chú Trương Đức Hùng, cô Hoàng Châu Minh, chú Nguyễn Huỳnh Mai... và một bên là “đám trẻ ranh” chúng tôi. Bắt đầu từ năm 2004, 2005, Nhà xuất bản đón nhận khá nhiều lứa sinh viên mới ra trường đến làm việc, lúc cao điểm có đến gần 20 “tân chiến sĩ” cùng vào chung một đợt.
Tôi vẫn còn nhớ những buổi sinh hoạt chuyên môn của phòng Biên tập ngày ấy, chúng tôi chăm chú ngồi nghe “thầy” Trương Đức Hùng giảng về cách thẩm định một bản thảo; hay thảo luận về các tác phẩm văn học “nhạy cảm” như: Bóng đè, Con cá vược, Thằng câm em tôi... Tôi cũng không thể quên những buổi học “phụ đạo” về Luật Xuất bản, về quy trình biên tập, về cả tiếng Anh và vi tính để chuẩn bị cho các kỳ thi sát hạch mà Ban lãnh đạo đề ra với các biên tập viên trẻ. Trong kỳ thi ấy đã có một bài quả quyết: “Luật Xuất bản cho phép thành lập nhà xuất bản tư nhân”. Quan điểm “thoáng quá đà” đó đương nhiên đã bị “thầy” Hùng dẫn chứng nhiều lần cho chúng tôi mỗi khi nhắc nhở về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị của một biên tập viên - người lính gác cổng trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Đó là kỷ niệm thú vị mà chúng tôi không thể quên khi mới bước chân vào nghề.
Nhìn lại chặng đường 10 năm, đến giờ tôi vẫn không thể quên bước vấp đầu tiên trong nghề biên tập. Đó là khi tôi được tham gia biên tập, đọc bông bộ Giáo trình Trung học chuyên nghiệp (một đề án xuất bản sách kết hợp giữa Nhà xuất bản Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội). Tôi đã để sót một lỗi quan trọng ngay trong Lời giới thiệu của một cuốn giáo trình. Chú Hùng – người trực tiếp phụ trách chúng tôi – thông báo: “Cháu phải làm giải trình về sai sót này với Tổng Biên tập”. Tai tôi như ù đi vì lời thông báo “sắc lạnh” ấy. Với tôi, đó là một ngày tồi tệ nhất kể từ khi tôi bước chân vào Nhà xuất bản. Rồi mọi chuyện cũng trôi qua, như thể bao chuyện bình thường ở huyện vậy. Chỉ riêng tôi, vẫn không thể nào quên được cảm giác hoang mang, sợ hãi của lần đầu vấp lỗi ấy.
Hoang mang là thế, sợ hãi là thế song nghề của chúng tôi đâu phải chỉ có lỗi, có kiểm điểm, có giải trình! Tôi sẽ không thể nào quên cảm giác hạnh phúc, tự hào và hãnh diện, khi lần đầu tiên được đứng tên biên tập trên một ấn phẩm. Tôi đã rất lo lắng, hồi hộp cho đến khi sách in xong và đưa về cho biên tập viên soát lỗi trước khi phát hành. Cái cảm giác nhìn thấy tên mình trên sách, đối với tôi khi đó, thật “đã”! Và cả khi tác giả gọi điện cảm ơn biên tập viên sau khi ra sách, họ thấy hài lòng vì những gì biên tập viên đã làm với tác phẩm của mình! Những niềm vui tưởng chừng rất nhỏ ấy nhưng lại giúp chúng tôi ấm lòng biết chừng nào!
Rồi những ngày trăn trở vì cơ chế khoán. Có lẽ riêng về đề tài này cũng đủ cho chúng tôi viết hoài, viết mãi không hết những kỷ niệm dở khóc dở cười. Bởi suốt hơn 5 năm thực hiện cơ chế ấy, đối với biên tập viên - nhất là đám biên tập viên trẻ chúng tôi, không lúc nào không: “ăn – nghĩ đến khoán, ngủ - mơ thấy khoán và chơi – nghĩ tiếp về khoán”. Và đa phần trong chúng tôi, bị nhắc nhở về tinh thần khai thác việc, tìm kiếm hợp đồng, xây dựng mạng lưới cộng tác viên... Thú thực, nghe vài lần đầu, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng, thấy sao mà mình kém cỏi quá, sao mà mình thụ động quá... Thậm chí tôi đã từng nghĩ, liệu có phải mình đã sai lầm chọn nghề? Giờ đây, khi mà cơ chế khoán đã có nhiều thay đổi và chúng tôi cũng đã cứng cáp hơn, mỗi khi nghĩ về những ngày đó, vẫn không khỏi lắc đầu e ngại! ...
Tôi tự thấy mình may mắn khi được trải nghiệm dấu ấn kỷ niệm 25 năm thành lập Nhà xuất bản Hà Nội, tháng 11 năm 2004, khi còn là một “tân binh” của Nhà xuất bản được vài ba tháng. Và giờ đây, tôi lại được hòa mình trong dòng chảy đầy hứng khởi hướng đến kỷ niệm 35 năm thành lập cơ quan. Thật may mắn và tự hào biết bao!
10 năm tuổi nghề - với tôi đó là một chặng đường khó quên được bồi đắp từ bao niềm vui, nỗi buồn, bao trải nghiệm đáng nhớ với những gương mặt thân quen, những cái tên trìu mến... Được sống trong ngôi nhà ấy - Nhà xuất bản Hà Nội - tôi đã được học làm nghề, trở thành một biên tập viên đủ vững để bước trên đôi chân của mình; và được học làm người - một người sống có ý nghĩa.
Tôi tin tưởng son sắt rằng, ngôi nhà của chúng tôi - Nhà xuất bản Hà Nội - sẽ còn là niềm cảm hứng vô tận cho mỗi chúng tôi trên những chặng đường sắp tới, để 10 năm và nhiều năm sau nữa, tôi vẫn còn nguyên vẹn những xúc cảm ngập tràn và tươi mới mà nhớ lại những tháng ngày hôm nay.
Với tất cả mọi người, tôi có thể hãnh diện và tự hào nói rằng: Tôi đã trưởng thành từ một ngôi nhà như thế - Nhà xuất bản Hà Nội dấu yêu!
Phạm Thị Thu Trang
Nhà xuất bản Hà Nội