Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/11/2014 03:53
Tôi làm giám đốc

Tôi nhớ như in hợp đồng đầu tiên mà tôi khai thác (đúng ra là chồng tôi khai thác giúp) là vào năm 2007. Đó là một bản thảo dạy ghi-ta cho thiếu nhi dày 32 trang khổ 19x27, số lượng in 2.000 cuốn kèm theo đĩa CD. Hồi đó, khoán khiến tôi đứng ngồi không yên. Thấy tôi suốt ngày than thở, lo lắng chồng tôi thương vợ đã khai thác giúp. Chính là bản thảo tôi vừa kể trên, trị giá hợp đồng ấy khoảng 20 triệu. Mừng hơn được vàng!

 
Sáng hôm sau đến cơ quan, việc đầu tiên là tôi chạy lên phòng giám đốc để báo cáo. Tôi nhớ khi đó sếp đang chăm chú đọc bản thảo gì đó. Gặp sếp tôi nói một mạch với giọng phấn khởi: “Anh ơi, em đã khai thác được một hợp đồng, (như thế, như thế)… em nộp anh, nộp cơ quan ạ!”. Trong khi tôi đang trình bày, sếp vẫn vừa nghe, vừa chăm chú đọc. Tôi sốt ruột (vì đang phấn khích lắm), vỗ nhẹ lên chồng công văn giấy tờ trên bàn sếp và nhắc lại: “Thế là em có cái nộp khoán cho cơ quan anh nhé. Em trình anh bản thảo đây, tác giả sẽ mang tiền đến nộp ạ!”. Tôi vừa dứt lời, sếp nhướng mắt nhìn tôi cười: “Chúc mừng! - Rồi nói - Sao lại nộp cho cơ quan, tự mà làm chờ ai làm hộ nữa? Hợp đồng cá nhân tự khai thác thì tự làm từ A đến Z, tự làm giám đốc công việc của mình. Ai cầm tay chỉ việc mãi được. Ban Giám đốc còn phải lo việc cho cả cơ quan, trả lương cho ngần ấy người, có khoán các vị mới biết tìm công ăn việc làm nuôi bằng ấy người khó thế nào…”. Thấy tôi đứng ngây ra đó, sếp như nhận ra mình nói quá lời nên dịu giọng lại với vẻ cảm thông: “Lê xuống tài vụ, bảo nó hướng dẫn cho! Khai thác được thế là giỏi rồi!”. Khi tôi đứng lên sếp lại nhấn mạnh: “Giám đốc từ A đến Z, oai thế còn gì!”. Sếp cười động viên sau khi dặn dò tôi xuống gặp tài vụ rồi lại cúi xuống đọc bản thảo.

Lòng đầy hoang mang, ra khỏi phòng sếp mà sao bước chân lại không giống ban đầu chạy vào nhỉ? Ô hay, mình làm “giám đốc” là kiểu gì? Soạn thảo hợp đồng ra sao? Khổ sách, giấy má, định lượng giấy thế nào?... Đầu óc tôi bỗng mụ mẫm! Giờ kể lại đây một vài thuật ngữ đơn giản nhất của nhà in mà hiện tại không còn là chuyện lạ, chứ ngày ấy, tôi nào biết đâu.
Gặp tài vụ, họ nói gì mà đầu óc tôi mơ hồ, không sao hiểu được. Tay cầm tập bản thảo, cả người tôi bồng bềnh, chưa kịp mừng lại thấy hoang mang tột độ.

Sau nhiều ngày chạy tới lui hỏi người này người khác chỉ trong khuôn viên nhà xuất bản mà đảo hơn rang lạc, tôi nhờ được cháu Mạnh Thắng thiết kế, trình bày giúp và cả tính toán giá thành từng công đoạn một, rồi tôi xuống kế toán nhờ soạn hợp đồng. Khi kế toán hỏi: “Thế cô in ở đâu, giá bao nhiêu?”. Tôi sững người hỏi lại: “Giá gì cơ? In ở đâu là thế nào? Cô không biết, cô tưởng đưa bản can rồi cháu đem in”. Đến đó kế toán nói: “Thế thì cháu chịu. Hợp đồng của cô, cô làm chủ, in như thế nào, in ở đâu là do cô, cháu chỉ soạn giúp hợp đồng thôi”.

Kinh hãi chạy lên sếp cầu cứu xem in ở đâu. Sếp lại cười và bảo: “Phải năng động tìm nhà in, không biết thì hỏi tài vụ nó chỉ cho. Làm cho quen đi, giám đốc công việc của mình cơ mà!”. Sếp vỗ vai tôi động viên khích lệ.

Giám đốc ư? Được lắm! Tôi nghĩ, thôi cứ cố thử xem sao!

In ở đâu bây giờ nhỉ? à phải rồi, chồng mình tìm hợp đồng cho mình thì phải có trách nhiệm tìm nhà in cho vợ chứ! Người chùng xuống một ít, tôi đắc ý lắm! Về nhà tôi bèn kể lại đầu đuôi mọi người ở cơ quan đã tận tình chỉ bảo thế nào, rồi tôi “cao giọng”: “Giao cho anh in ấn đấy. Giờ mình làm… giám đốc!”. Nhớ lại lúc đó sao tôi có thể Chí Phèo đến thế!

Chồng tôi vừa cười to vừa nói: “Chịu Lê thật, đã tìm hợp đồng hộ, lại còn phải đưa bản thảo đi in nữa. Hay để anh về làm xuất bản cho rồi!”. Tôi tỉnh bơ: “Khoán là phải làm từ A đến Z, sếp đã “bổ nhiệm” rồi nhé. Tìm hợp đồng về thì phải in ra sách, thế mới hoàn thành công việc, mới gọi là giúp vợ chứ”. (Đến giờ tôi cũng chả hiểu sao lúc đó có thể nói thế được!). Nghe tôi nói xong chồng tôi lại cười to hơn. Lúc ấy tôi hơi khó chịu với thái độ “vô duyên” của chồng, có gì đáng cười đâu mà cười? Đã biết vợ chả biết ất giáp thì hộ cả đi có hơn không. Dẫu vậy tôi vẫn bấm bụng làm thinh, dù sao tôi cũng đang bị lép vế. Đầu óc tôi bấy giờ chỉ nghĩ đến việc làm sao thực hiện cho được cái hợp đồng để có cái nộp khoán cho cơ quan mà thôi.

Sau khi nhấc điện thoại lên, chồng tôi nói với ai đó. Đặt máy xuống, chồng tôi lại nói: “Chịu Lê thật, khoán kiểu này có một không hai. Sáng mai, có người qua nhà xuất bản đón Lê lên Xí nghiệp In Bản đồ. Rồi các anh ở đó lo cho”. Nói xong chồng tôi lại cười ha hả và lẩm bẩm, vẫn câu “chịu thật”. Kệ, tôi nghĩ bụng: in xong đã, có cái nộp khoán đã.

Hôm sau, khoảng 10 giờ sáng, anh Phan - Cục phó Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu - bạn chồng tôi qua Nhà xuất bản đón tôi. Trên xe, khi hỏi han về Nhà xuất bản, về chức năng, nhiệm vụ rồi anh hỏi tôi in gì, muốn giúp thế nào… Thấy tôi không biết gì cả, anh Phan trấn an: “Em yên tâm, anh sẽ giúp em một cách tốt nhất, nhưng sao không để phòng kế hoạch nó làm? Khoán gì mà lạ thế, thả kiểu mạnh ai nấy làm à?”. anh nói vậy, tôi chỉ biết im lặng, bởi anh phụ trách kế hoạch nên anh rất am hiểu công việc.

Lên đến Xí nghiệp In Bản đồ, ra đón là anh Lê Thắng - Giám đốc. Sau màn chào hỏi, anh Phan (hoá ra là cấp trên) vào thẳng vấn đề: “Đây là em Lê ở Nhà xuất bản Hà Nội, lên đây nhờ các ông in sách. Nói luôn cô này chả biết gì về in ấn, giá cả, giấy má. Chỗ người nhà các ông tư vấn, in cho đẹp rồi giao về nhà xuất bản cho cô ấy”.

Choáng quá, vừa ngượng, vừa có chút xấu hổ, tôi ngây người ra. Ôi, tôi bao giờ cũng yêu quý bộ đội. Bởi sinh trưởng trong gia đình quân nhân. Nghe tôi nói bố tôi cũng là bộ đội, chồng tôi thì các anh ấy biết cả nên các anh ấy nhiệt tình lắm. Và ở đó tôi bắt đầu học bài học đầu tiên về in.

Sách in xong, giao tận về nhà tác giả. Tôi cầm 30 cuốn về cơ quan để nộp lưu chiểu với niềm hân hoan khó tả. Rồi tác giả đặt vấn đề nhờ Nhà xuất bản phát hành giúp, tôi sốt sắng nhận lời. Lại về xin ý kiến, sếp bảo trừ phí ít nhất 25% giá bìa. Ôi chao, đầu óc tôi quay cuồng, sao không ai bảo tôi từ trước nhỉ? Một lần nữa tôi lắp bắp: “Nhưng khi làm hợp đồng đã tính nhà xuất bản thu lãi 10% rồi, giờ mà trừ 25% thì tác giả lỗ hả anh?”. Sếp cau mày: “Làm ăn thì phải tính toán, ai làm không công. Thời buổi khó khăn, phải đi câu, ăn đong từng bữa...” v.v và v.v. Trong lòng vô cùng áy náy, tác giả đã bỏ tiền túi ra gần 20 triệu (năm 2007 thì món tiền đó là không hề nhỏ), giờ bán hộ lại mất một phần tư. Tôi lê bước về phòng với nặng trĩu suy nghĩ. Chợt nhớ kèm theo sách là 2.000 đĩa CD mà tôi nhờ cô bạn thân đưa tác giả (nhạc sĩ) đến tận phòng thu, để thu âm ghi đĩa gần như tặng khoản đó (cũng là tặng cả tôi). Vì bạn tôi cũng biết là tôi mù tịt nên khi gặp cô bạn cười và bảo: “Chịu mày, chả biết gì mà cũng đua đòi chạy hợp đồng”. Cười gì tôi cũng mặc kệ. Tôi phải chịu khoán nên không thể không có gì nộp cho cơ quan. May bạn tôi phụ trách cửa hàng băng đĩa Hồ Gươm, thế là nhận cho mấy trăm cuốn, bán hộ không lấy tý phần trăm nào, giúp không, kiểu làm phúc. Giống chồng tôi, nó bảo: “Dở hơi, chả biết gì như mày mà khoán chỉ tiêu kinh tế”. Nó mắng nhưng hồi đó tôi chả giận. Giời thương tôi có đám bạm bè thân nhau từ ngày còn bé đi trại sơ tán với nhau nên dù gắt tý, nó vẫn giúp tôi như việc của nó vậy. Nhớ đến đây, tôi không khỏi thầm biết ơn sự giúp đơc của bạn tôi.

Cuối cùng thì mọi việc cũng xong! Ngày ấy để khai thác được một hợp đồng dù nhỏ cũng vô cùng khó khăn, rồi khi thực hiện cũng có nhiều gian truân nhưng cứ tìm được hợp đồng là tôi thở phào nhẹ nhõm. Khoán khiến tôi luôn lo nghĩ, lúc nào cũng căng thẳng. Thậm chí tôi còn gõ cửa, chạy đôn chạy đáo ngay trong cơ quan mong tìm được công việc nào đó để mỗi khi sơ kết hay tổng kết còn có vài gạch đầu dòng kê ra.

Lo khoán, phải tự chạy việc mà làm, tôi chạy lên phòng Biên tập, hỏi Châu Minh xem có việc gì không “thuê” tôi làm. Châu Minh cũng có nhờ tôi đọc một bản thảo mỏng, tôi nhớ rõ, khi thanh toán tôi yêu cầu Châu Minh xác nhận số trang quy đổi ra tiền trên giấy tờ để còn nộp cho phòng tính khoán. Châu Minh còn nói: “Tao không biết, tao trả mày tiền, còn mày muốn làm thế nào tao không biết”. Có hơn trăm bạc mà tôi phải kê biên xin nộp vào cơ quan để lấy cái cho vào “tài khoản” mà tính khoán. Giờ nghĩ lại vẫn vã mồ hôi.

Ngày ấy, có lẽ thảy những ai chịu khoán đều phồng hết cả người. Ai cũng khó đăm đăm, thi thoảng gặp nhau ở cầu thang mọi người hỏi: “Lại đi khai thác à?”. Tôi thường đùa: “Đi thác đã, rồi mới khai”, thế là các đồng nghiệp của tôi cười vui, họ cũng hay đùa như tôi, chúng tôi vẫn hay đùa nhau như thế. Cứ khai thác được hợp đồng thì tôi làm “giám đốc”, xong hợp đồng tôi trở lại là mình!

Khoán là việc đúng đắn, tôi nghĩ thế. Nhưng phải có cơ chế hợp lý, đảm bảo hài hoà giữa vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, tính chủ động của từng cá nhân, giữa lợi ích của cá nhân và tập thể. Có như vậy mới khai thác hết được các nguồn nhân lực, vật lực, đảm bảo sự đoàn kết và phát triển bền vững của nhà xuất bản.

Quả thực, ngày ấy giá như Ban Giám đốc làm tốt công tác chuẩn bị tư tưởng, mở những buổi hướng dẫn cho cán bộ nhân viên trong cơ quan nắm rõ quy trình xuất bản, in ấn, cho đi thực tế tại nhà in… như thế nhân viên không chỉ biết cách tư vấn cho đối tác mà còn cả lên dự trù kinh phí cho một cuốn sách ra sao, hoặc giá như cơ quan giao cho các cá nhân đi liên hệ với sở, ban ngành nào trong thành phố để kiếm đầu việc thì tốt biết bao…

Sau 5 năm thực hiện cơ chế khoán tài chính, đã có cuộc tổng kết phân tích, đánh giá cái được cái mất và cơ chế khoán đã thay đổi. Vẫn khoán nhưng ở hình thức khác, đã có phương án quy hoạch lại các phòng ban mang tính chuyên môn hoá, nên tôi chắc sau này phòng nào làm việc nấy chứ không còn cảnh “trăm hoa đua nở”, “người người làm xuất bản, nhà nhà làm xuất bản” nữa.

Kỷ niệm của tôi về khoán là thế, khi căng lúc chùng, khi vui lúc nản. Nhưng nhờ thế những năm sau này tôi trở nên nhanh nhẹn và làm việc hiệu quả hơn. Chia sẻ ở đây, để mọi người cùng ôn lại và suy ngẫm về niềm vui và những khó khăn chung của nghề xuất bản.


Lê Anh Lê

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)