Giữa cái tiết trời se lạnh chớm đông, nhìn lại những bức hình ấy, biết bao ký ức trong tôi lại ùa về, bàn tay vô thức lần giở những bức hình cất kỹ, rồi tự mình nhớ, tự mình mỉm cười. Và chợt nhận ra mình đã gắn bó với Nhà xuất bản Hà Nội được gần chục năm (từ năm 2005). Đó là khoảng thời gian không hề ngắn chút nào. Trong các bức hình kỷ niệm đó, có những bức hình về chuyến thăm quan Vườn Quốc gia Cúc Phương là để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai. Đó là chuyến đi thăm quan dài ngày đầu tiên của tôi tại Nhà xuất bản (hai ngày một đêm). Và thú vị hơn cả là chuyến đi được Chi đoàn thanh niên Nhà xuất bản tổ chức, hầu hết là những người trẻ tuổi, chưa lập gia đình, vẫn còn “single”. Những người trẻ tuổi ấy là những người “thích đùa” và không thua bọn “nhất quỷ, nhì ma” là mấy.
Hôm lên đường đến Cúc Phương là một ngày nắng đẹp trời (vào 22/4/2006). Đoàn Nhà xuất bản chúng tôi gồm 14 người gồm: 5 nam và 9 nữ không kể chú lái xe. Dẫn đầu đoàn là chú Nguyễn Huỳnh Mai - Phó Bí thư chi ủy, phụ trách Đoàn thanh niên ngày ấy. Dưới sự tư vấn của chú Mai - một người dày dặn kinh nghiệm trong các chuyến đi, đoàn chúng tôi đặt phòng tại Khu Trung tâm của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Nơi đây cách cổng Vườn Quốc gia 20km, nằm sâu bên trong rừng. Nó là một khu nhà sàn tập thể với các phòng nghỉ đơn giản, gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Chính sự tách biệt ấy là cơ hội hiếm có để bọn trẻ chúng tôi tha hồ phát huy đủ thứ “tài năng”.
Ảnh 1. Chi đoàn Nhà xuất bản trong chuyến thăm quan Vườn Quốc gia Cúc Phương
(Từ trái sang phải: Minh, Tú, Nguyên, Tuấn, Ly, Ngọc, Anh Minh, Bạch Lê, chú Mai,
TrangB, Lý, Ngần, TrangA, Thủy) [Nguồn: Nguyễn Huỳnh Mai - Tháng 4/2006]
Đoàn chúng tôi đến Cúc Phương vào lúc gần trưa, mọi người ăn nhẹ rồi vào Khu Trung tâm nhận phòng. Theo đúng lịch trình, sau khi đi thăm động Người xưa - di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử, đoàn sẽ lên đường đi bộ trong rừng. Ban đầu cả bọn còn “hí ha hí hửng”, nhưng sau khoảng 1 giờ đồng hồ đi bộ, người nào người nấy toát hết mồ hôi, mặt mày bơ phờ, chả còn chuyện trò gì nữa, cứ thế cắm đầu đi. Thế mới biết cái tội lười vận động của đám thanh niên văn phòng. May thay, đang lúc muốn nghỉ ngơi thì chúng tôi đến địa điểm có cây Chò chỉ ngàn năm tuổi. Trước vẻ đẹp hoành tráng của cây Chò, chúng tôi quên hết mệt mỏi, thậm chí còn tranh nhau chụp hình.
Ảnh 2: Chụp hình kỷ niệm bên cây Chò chỉ ngàn năm tuổi
[Nguồn: Nguyễn Huỳnh Mai - Tháng 4/2006]
Chiều tối hôm đó, mấy chị em trong đoàn đảm trách việc chuẩn bị cơm nước, dưới sự chỉ đạo của hai “bếp trưởng”: Thu Ngần và Hải Lý. Vì ở đây tách biệt với bên ngoài, lại ở hai, ba ngày nên ngoài việc mang đồ ăn nhanh chúng tôi còn mang thêm một số thực phẩm, gia vị để nấu nướng với đủ các dụng cụ như: bếp ga du lịch, xoong nồi, bát, đũa... Chính vì điều kiện thiếu thốn, “tài năng nấu nướng” của các chị em mới được phát huy. Ai nấy đều tất bật. Chúng tôi đã cãi cọ, đã cười nói, đã cùng nhau chuẩn bị bữa cơm, ấm áp giống như một gia đình. Thế rồi bữa tối cũng xong, thức ăn được bày ra tươm tất. Chú Mai và các anh em thưởng thức cứ khen ngon mãi. Các chị em nhìn nhau cười sung sướng. Tôi thầm nghĩ: “Không biết có ngon thật không? Nhưng anh em cứ thử không khen xem? Chết với bọn tôi ngay. Có mà cho nhịn”.
Đến tối, chúng tôi lên kế hoạch tham gia giao lưu và đốt lửa trại với một số đoàn “hàng xóm”. Tất nhiên là chúng tôi phải được sự cho phép của chú Mai. Kế hoạch hay là vậy mà bị thất bại bởi tính “nhát” của cả đoàn. Đi ra ngoài trời tối mà đứa nào cũng run như cầy sấy, cứ phải túm vào nhau mà đi, vừa đi vừa nói chuyện cho đỡ sợ. Không chỉ có các chị em sợ mà các anh em cũng “nhát” chả kém. “Nhát” vì bóng tối thì đúng rồi nhưng tệ hơn cả là chúng tôi còn “nhát” trong việc “làm quen”. Người nọ đẩy cho người kia chả ai dám bắt chuyện với các đoàn khác. Chán! May mà cuối cùng dưới sự giúp đỡ của chú Mai, một đống lửa đã được nhóm lên. Xoay quanh đống lửa, chúng tôi ngồi bên nhau, cùng nhau trò chuyện, hát hò, cười nói. Tuy vui là vậy, nhưng tôi vẫn thấy hơi tiếc, giá mà mọi người “dũng cảm” hơn, mời “hàng xóm” tham gia cùng thì cuộc vui tối đó sẽ thực sự trọn vẹn.
Ảnh 3. Đốt lửa trại [Nguồn: Nguyễn Huỳnh Mai - Tháng 4/2006]
Trời gần về khuya, theo “lệnh” của chú Mai chúng tôi đều phải trở về phòng. Đêm khuya giữa rừng, không gian tĩnh mịch, trời tối lại càng thêm tối[1], chỉ thỉnh thoảng có chút ánh sáng lấp loáng của chú đom đóm nào đó bay qua. Đúng là “thiên thời, địa lợi” cho bọn trẻ chúng tôi nghịch ngợm. Đêm đó, chờ cho mọi người ngủ say, bốn đứa chúng tôi (Anh Minh, Bạch Lê, Thủy và tôi) đã âm thầm lên kế hoạch “dọa ma” một ai đó. Đối tượng chúng tôi nhắm đến chính là anh Minh béo - người được ưu tiên một mình một phòng vì… chiếc giường chỉ đủ chỗ cho một mình anh nằm. Cô bạn cùng phòng với tôi - Anh Minh - là người đưa ra ý tưởng trước:
- Bọn mình ghi âm tiếng gọi: “Minh ơi, Minh ơi…”, rồi đặt trước cửa phòng anh ấy là được.
Thủy, Lê và tôi cùng gật đầu đồng ý. Chúng tôi đã loay hoay thử giọng, thu âm cho thật chuẩn, hẹn giờ vào máy điện thoại. Xong đâu vào đấy rồi nhưng không đứa nào dám xông ra đặt trước cửa phòng. Cuối cùng chúng tôi cũng nghĩ ra trò buộc dây vào điện thoại rồi lấy gậy đẩy vào, khi xong việc sẽ dùng dây kéo chiếc điện thoại về để không bị lộ tẩy. Cô bạn cùng phòng tôi - người đeo cặp kính dày sụ - tình nguyện thực hiện “phi vụ” này nhưng cứ vừa làm, vừa run. Khi làm xong, cô ấy phi thẳng lên giường, túm lấy tôi, lắp ba, lắp bắp:
- Ôi! Trang ơi, tao chả nhìn thấy gì cả. Kính của tao đâu rồi?…
Tôi nhìn Minh, cười chảy cả nước mắt:
- Suỵt! Bé cái mồm thôi, lộ bây giờ... Kính của mày ở trên đầu đó.
Lúc ấy cô ấy mới thở phào nhẹ nhõm.
Khi tiếng gọi thì thầm: “Minh ơi, Minh ơi…” vang lên đều đặn từ chiếc điện thoại thì cũng là lúc chúng tôi nghe thấy tiếng động từ phòng anh Minh béo phát ra. Lúc đầu là tiếng cựa quậy, sau là tiếng gọi khe khẽ: “Chú Mai ơi! Chú Mai ơi! Cứu cháu với!… Cứu cháu với!…”
Không biết chú Mai có nghe thấy không? Có lẽ chú biết thừa “lũ quỷ” chúng tôi đang bày trò.
Đêm giữa rừng hôm đó, có một người trong đoàn thức đỏ mắt và sởn da gà vì bị “ma gọi”. Sáng hôm sau, nhìn khuôn mặt bơ phờ của anh Minh béo, bọn tôi lại bấm bụng nhau cười.
Bữa tiệc nào cũng có lúc tàn, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay, chúng tôi tạm biệt Cúc Phương, tạm biệt “đêm giữa rừng đáng nhớ”, tạm biệt...!
***
Có thể nói, cả đoàn đã có một chuyến đi an toàn, bổ ích và nhiều kỷ niệm. Sau chuyến đi đó, chúng tôi thấy hiểu nhau hơn, gắn bó hơn, tạo nên một sợi dây đoàn kết trong Chi đoàn Nhà xuất bản.
Giờ đây, khi nhìn lại bức ảnh ngày đó, một số bạn bè, đồng nghiệp đã rời đi vì những lý do khác nhau, chỉ còn lại 5 người trong đó có tôi. Chú Mai cũng đã nghỉ hưu. Nhưng không vì thế mà Chi đoàn Nhà xuất bản suy yếu, thậm chí còn lớn mạnh và phát triển không ngừng. Số lượng đoàn viên tăng lên, các hoạt động cũng phong phú và đa dạng hơn nhiều.
Dù sau này Chi đoàn Nhà xuất bản có tổ chức nhiều những chuyến thăm quan khác, đến những địa điểm ấn tượng hơn, nhưng tôi vẫn không thể nào quên chuyến đi đầu tiên ấy. Có thể với ai đó chuyến thăm quan ấy hết sức bình dị, giản đơn nhưng với tôi đó là một chuyến đi đáng nhớ, đã để lại trong tôi nhiều dư vị ngọt ngào và tươi mới.
[1] Vì ở Khu Trung tâm điện chỉ thắp sáng 4 tiếng vào buổi tối (chạy bằng máy phát điện).
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội