Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 29/11/2014 11:16
Có một mùa thu Hà Nội qua những khúc tình ca

Hà Nội mùa thu. Đất trời se lạnh, cảnh sắc man mác với những con phố nồng nàn hương hoa sữa và lá vàng xào xạc ngõ phố là lúc mảnh đất Kinh kỳ nghìn năm này “thơ” nhất. Người Hà Nội và bè bạn khắp mọi miền có ai mà chẳng từng si mê những vần thơ bất hủ về mùa thu của Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Xuân Diệu, và hẳn có nhiều người nao lòng với những ca khúc viết về mùa thu của Hà Nội. Mùa thu Hà Nội không chỉ làm xao xuyến các thi nhân mà còn trở thành chất men làm lan tỏa sức sáng tạo vô bờ của các nhạc sĩ ngay từ thuở đầu Tân nhạc cho đến tận hôm nay. Đọc “Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI” người đọc sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc, tâm hồn của Thăng Long - Hà Nội và cả những bức tranh thu đầy xúc cảm qua những ca khúc mang sức sống vượt thời gian.

 
Những năm ba mươi của thế kỷ XX, phong trào Tân nhạc xuất hiện và phát triển mạnh mẽ với nốt chủ âm là tâm trạng bi ai, thương cảm trước cuộc sống ngột ngạt, bức bối, tù túng của xã hội thực dân đen tối. Và bởi thế, mùa thu tàn úa càng gieo nỗi buồn cho những tâm hồn thơ mộng, lãng mạn để từ đó những ca từ cất lên nỗi lòng đầy phiêu lãng. Lê Phương với Thu trên đảo Kinh Châu thả hồn bồng bềnh trong xứ sở hư ảo xa vời. Đặng Thế Phong, một trong những gương mặt sáng giá nhất của dòng âm nhạc lãng mạn thời Tân nhạc, người chỉ với ba bài hát về mùa thu đủ làm cho ông trở thành bất tử mặc dù số mệnh đã cướp đi cuộc sống của người nghệ sĩ tài hoa lúc ông chỉ mới 23 tuổi. Ngoài Đêm thu với tình cảm bâng khuâng nhẹ nhàng, mùa thu đã ám ảnh Đặng Thế Phong nặng nề đến nhường nào để nhạc sĩ phải vò xé tâm can trong Giọt mưa thu đầm đìa nước mắt của vợ chồng Ngâu và thiêm thiếp một nỗi thương đời bao la nức nở. Mùa thu còn làm rung động lòng ta biết bao trong Con thuyền không bến của ông: “Đêm nay sương thu sang cùng heo may/ Đêm nay sương lam mờ chân mây/ Thuyền ai lờ lững trôi theo dòng/ Như nhớ thương ai chùng tơ lòng…”. Cũng như Đặng Thế Phong, mùa thu đã trở thành niềm day dứt Văn Cao đến độ để những tác phẩm đầu tay của ông thời Tân nhạc đều in sáng hình của nó: Thu cô liêu, Buồn tàn thu… Những giai điệu này đã vượt thời gian đến với thính giả hôm nay bởi những ca từ và giai điệu xôn xao, thiết tha một nỗi buồn thấm đẫm nhân tình thế thái và tâm hồn Hà Nội, nỗi buồn phảng phất phong vị Đường thi đượm màu Đông phương: “Thu cô liêu tịch liêu/ Cô thôn chiều/ Ta yêu thu yêu mùa thu/ Vàng hoen đáy nước, soi rõ đường đi…” (Thu cô liêu).
 
Và rồi theo dòng chảy vô tận của thời gian, mùa thu không ngừng trôi qua bao cuộc đời, để lại dấu vết của nó trong những ca khúc thật lãng mạn đắm đuối đến tận hôm nay. Phải chăng đây là sự nối dài vô hình của những mùa thu Hà Nội xa xôi từ buổi bình minh Tân nhạc. Trong những bài ca về Hà Nội hôm nay, ta đều có thể bắt gặp những nét đặc trưng, những hình ảnh đã trở thành “kinh điển” của mùa thu đất Kinh kỳ. Từng ca từ êm ái, ngân vang như lời thơ diễn tả tấm lòng yêu đời, yêu người, yêu thiết tha hương và vị thu: “Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào con mưa nhỏ”(Em ơi Hà Nội phố - Phú Quang), “Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm”…. (Có phải em mùa thu Hà Nội - Trần Quang Lộc). Mùa thu Hà Nội trong những nốt nhạc của Phú Quang bình yên đến lạ trong gam màu trầm mặc, cổ kính, thu của Trần Quang Lộc lãng mạn, mơ màng trong khung cảnh Thăng Long xưa. Còn bức họa mùa thu trong ca khúc của Trịnh Công Sơn lại hình thành từ những gam màu cây cối, cửa nhà, gam màu thâm trầm, sâu lắng: “Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ/ Mái ngói thâm nâu” (Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn). Mỗi câu ca như một tiếng lòng biết bao bâng khuâng.
 
Hà Nội làm xao động bao tâm hồn, làm đắm say cho bao xúc cảm sáng tạo không chỉ bởi nắng, lá nhuộm vàng từng con đường, góc phố, bởi hồn thu khẽ khàng như một làn sương khói, mà mùa thu Hà Nội còn là mốc thời gian ghi dấu biết bao sự kiện lớn của Thủ đô, của đất nước. Hà Nội mùa thu 1945 vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác thời bình với màu sắc rực rỡ của nắng vàng trời xanh, cở đỏ sao vàng và hình ảnh quảng trường Ba Đình âm vang lời Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập (Tiếng hát từ quảng trường Ba Đình - Cao Việt Bách, Hà Nội mùa thu - Vũ Thanh, Mùa thu ở Ba Đình ­- Trần Chung, Thu Hà Nội - Cao Minh Khánh). Và Hà Nội mùa thu 1954 vẫn sống với cảm xúc vui trào nước mắt và say trong câu hát trùng trùng đoàn quân đi (Khi Hà Nội vào thu - Vũ Trọng Tường). Ở đây còn gặp thêm một hình ảnh quen thuộc nữa là lớp lớp đoàn quân tiến về Hà Nội với cờ sao tung bay năm cửa ô trong ca khúc hùng tráng của thập niên năm mươi (“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về... Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh/ Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/ Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…” - Tiến về Hà Nội, Văn Cao) đã được tái hiện trong không ít bài ca của hôm nay như Hà Nội những kỷ niệm trong tôi của Đoàn Bổng, Nhớ mùa thu tháng mười của Nguyễn Hải Hà, Có một mùa thu Hà Nội ­ của Phạm Tuyên phổ thơ Lê Hoài Minh.
 
Thăng Long - Hà Nội, mảnh “đất thiêng ngàn năm văn vật” (Trần Quốc Vượng), mảnh đất lưu giữ trong đó lớp lớp trầm tích văn hóa dồn tụ từ bao đời và cả ngàn năm lịch sử, đã và sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi sáng tạo văn chương nghệ thuật, Và với âm nhạc, trong những tình khúc, ta chợt nhận ra một vẻ đẹp rất riêng của mùa thu Hà Nội, sự trầm mặc cổ kính, nét thanh nhã, hiện đại đầy xao xuyến, bâng khuâng. Phải chăng điều ấy đã khiến mùa thu Hà Nội đẹp hơn, thơ hơn, say đắm lòng người hơn?
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)