Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 05/12/2014 08:47
Nhà xuất bản Hà Nội - những cơ hội và thách thức trong cơ chế Đổi mới

Những năm sau Đổi mới là một thời kỳ khó khăn và đầy biến động trong đời sống xã hội nói chung và trong hoạt động xuất bản nói riêng: áp dụng chính sách giá - lương - tiền; bắt đầu công cuộc đổi mới; sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường; sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu… Tình hình đó đòi hỏi mỗi người, mỗi tập thể, mỗi ngành và cả toàn xã hội vừa phải nhạy bén, linh hoạt, uyển chuyển lại vừa phải bản lĩnh, kiên định, vững vàng để vượt qua thử thách.

 
Trong cơn lốc đó, các nhà xuất bản (đặc biệt là các nhà xuất bản địa phương) đều lao đao. Hệ thống phát hành sách của nhà nước gần như tê liệt. Chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động xuất bản đã dẫn tới tình trạng “nhà nhà làm sách, người người làm sách”. Xu hướng chạy theo thị hiếu dễ dãi xuất hiện khiến cơ cấu đề tài bị phá vỡ. Hoạt động xuất bản bắt đầu lộn xộn, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh và đứng trước nguy cơ khủng hoảng.
 
Cùng một lúc, Nhà xuất bản Hà Nội phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua: Số vốn còn lại qua đợt đổi tiền năm 1985 không đủ mua 1 tấn giấy. Cơ quan rơi vào tình trạng đọng nợ quá hạn ngân hàng, nợ các xí nghiệp in sách và văn hóa phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ… Chỉ trong vòng ba năm (1985 - 1988), Nhà xuất bản đã buộc phải bán cân tới 14 tấn sách và văn hóa phẩm tồn kho. Đời sống cán bộ công nhân viên gặp nhiều khó khăn…
 
Trước tình hình đó, với quyết tâm vượt qua khó khăn, Ban Giám đốc phát huy tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của tập thể cán bộ trong cơ quan, tìm tòi từng bước đi thích hợp với cơ chế thị trường trong khả năng và điều kiện cụ thể của mình. Một số thay đổi được Nhà xuất bản Hà Nội áp dụng trong thời gian này là:
 
- Quyết tâm thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, không chạy theo kinh doanh đơn thuần mà tập trung vào việc chọn lọc các tác phẩm có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc.
 
- Hạch toán trên từng sản phẩm cụ thể để từ đó có sự điều chỉnh kế hoạch đề tài cho phù hợp. Không xuất bản những tác phẩm có nhiều khả năng bị tồn đọng, thua lỗ.
- Tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cơ quan và cá nhân dưới nhiều hình thức.
 
- Hợp tác với Tổng Công ty Phát hành sách Trung ương, đồng thời mở rộng mạng lưới cộng tác viên về phát hành ở các tỉnh lân cận, không bó hẹp phạm vi ở địa bàn Hà Nội như trước đây.
 
- Huy động cán bộ nhân viên làm gia công một số công đoạn sản xuất văn hóa phẩm và mang sản phẩm đi phát hành tới các đầu mối tiêu thụ.
 
Trong một thời kỳ đầy áp lực về kinh tế, sự năng động và linh hoạt của bộ phận trị sự đã tác động quan trọng đến sự tồn tại của Nhà xuất bản. Bên cạnh đó, công đoàn cũng có những đóng góp lớn trong việc lo toan cải thiện đời sống và tạo nguồn động viên tinh thần làm việc cho cán bộ nhân viên cơ quan. Nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp, cùng định hướng đúng đắn và những bước đi thích hợp của Ban Giám đốc, kết hợp với sự làm việc tận tâm và nhiệt tình của toàn thể cán bộ công nhân viên, Nhà xuất bản Hà Nội đã vượt qua cơn sóng gió và bắt đầu khởi sắc.
 
Cuối năm 1989, Nhà xuất bản Hà Nội có một số thay đổi trong bộ máy lãnh đạo. Các đồng chí: Vũ Cao, Giám đốc - Tổng Biên tập; Ngô Minh, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập; Hà Ân - phụ trách biên tập cùng nghỉ hưu. Thành ủy điều động đồng chí Hoàng Ngọc Hà, Phó ban Dân vận Thành ủy, về làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội. Cơ cấu bộ máy lãnh đạo Nhà xuất bản có sự điều chỉnh. Đồng chí Hoàng Ngọc Hà trực tiếp điều hành công tác biên tập. Đồng chí Đỗ Ninh phụ trách công tác sản xuất kinh doanh.
 
Trải qua mấy năm thử thách đầy chông gai để tồn tại và phát triển, Nhà xuất bản Hà Nội vững bước hòa nhập vào cơ chế thị trường. Những năm đầu của thập kỷ 90 là thời điểm bùng nổ của hoạt động báo chí xuất bản. Nhiều nhà xuất bản mới được thành lập. Sách in ra ngày càng nhiều và đủ loại nên thị trường sách cũng ngày một phong phú, nhộn nhịp và phức tạp thêm. Trước tình hình đó, Nhà xuất bản Hà Nội tích cực khai thác bản thảo, mở rộng đề tài, chủ động nâng số đầu sách (từ 49 đầu sách năm 1989 lên 85 đầu sách năm 1990), chủ động tham gia vào cuộc cạnh tranh trên thị trường sách.
 
Được sự hỗ trợ của Thành phố, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết và tập truyện ngắn về Hà Nội trong vòng 2 năm (1992 - 1993) nhằm thu hút đội ngũ cộng tác viên và tạo nguồn bản thảo, đồng thời khẳng định vị thế của mình. Cuộc thi không chỉ tạo ra không khí làm việc sôi nổi trong cơ quan mà còn trở thành một điểm sáng của văn hóa Thủ đô. Qua cuộc thi, tên tuổi một số tác giả được khẳng định và được đánh giá là những gương mặt tài năng của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo, Chu Lai, Ngô Tự Lập, Trần Đức Tiến. Nhiều tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi có tiếng vang trên văn đàn và tạo được sức sống lâu bền trong bạn đọc.
 
Trước những cơ hội và thách thức của Đổi mới, Nhà xuất bản Hà Nội đã dần xóa bỏ cơ chế bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường. Cơ chế mới đòi hỏi Nhà xuất bản phải cân nhắc kế hoạch đề tài, chủ động khai thác nguồn vốn và chú trọng đến hiệu quả của hoạt động xuất bản. Áp lực kinh tế khiến Nhà xuất bản phải tính toán trên từng bản sách, nhiều lúc lâm vào tình trạng “ăn đong” từng bản thảo, chưa thể chú trọng vào việc hoạch định những kế hoạch quy mô và lâu dài. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là Nhà xuất bản Hà Nội đã vượt qua khó khăn đó để tồn tại và phát triển.
 
 
Phòng Biên tập
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)