Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 14/01/2015 10:28
Khởi nghĩa Lam Sơn khẳng định vai trò của đấu tranh ngoại giao góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống phong kiến xâm lược
Thăng Long – Hà Nội luôn giữ vị thế cực kỳ quan trọng trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Trong lịch sử bang giao gần ngàn năm của Thăng Long bắt đầu từ nhà Lý, một trong những thành công của các triều đại phong kiến Việt Nam là đã hình thành được các nguyên tắc ứng xử trong quan hệ với Trung Hoa và với các nước khác. Tất cả các nguyên tắc ứng xử ngoại giao đều phục vụ mục tiêu xuyên suốt các thời đại là độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cuốn sách “Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Phạm Xuân Hằng chủ biên là một đề tài thuộc Chương trình khoa học cấp nhà nước, mã số KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”. Cuốn sách đã tập hợp những hoạt động đối ngoại tiêu biểu diễn ra trên đất Thăng Long – Hà Nội trong 1000 năm qua với những bài học kinh nghiệm hữu dụng đối với hoạt động đối ngoại Thủ đô và đất nước thời mở cửa và hội nhập ngày nay. Qua cuốn sách, từ những phân tích, đánh giá của các tác giả, độc giả sẽ thấy vai trò đấu tranh ngoại giao được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong khởi nghĩa Lam Sơn đã khẳng định được giá trị của nó trong góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống phong kiến xâm lược.
 
Trong chiến tranh, ngoại giao cũng là một mặt trận và có mối quan hệ khăng khít với mặt trận quân sự. Đấu tranh ngoại giao góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống phong kiến xâm lược bởi thực lực của mặt trận quân sự là tiền đề để đấu tranh ngoại giao với mục đích sớm kết thúc chiến tranh, tránh đổ máu vô ích, nhưng đấu tranh ngoại giao hiệu quả sẽ tạo điều kiện giành thắng lợi quân sự sớm hơn. Có thể thấy trong lịch sử trung đại Việt Nam, nhiều nhà chính trị tài ba đã đem trí tuệ, tài năng của mình phụng sự đất nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và hiển nhiên là muốn có hoà bình của một nước độc lập thì phải tập hợp sức lực từ mọi phương diện để có thể giành lấy độc lập. Như cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa điển hình sử dụng đấu tranh ngoại giao để giành thắng lợi, sớm kết thúc chiến tranh. Xin viện dẫn khái quát về vai trò của đấu tranh ngoại giao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để thấy được vai trò của đấu tranh ngoại giao góp phần thắng lợi của cuộc kháng chiến chống phong kiến xâm lược.

Vấn đề độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc, nó mang tính chất bất di bất dịch được các triều đại phong kiến thực hiện trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, với những mức độ khác nhau. Giữ vững ý chí hoà bình, độc lập, tự chủ - bất luận trong hoàn cảnh nào, những người yêu nước Đại Việt luôn kiên trì giương cao ngọn cờ chính nghĩa. Sau khi đặt được ách đô hộ trên đất nước ta, nhà Minh muốn xoá bỏ quốc gia Đại Việt, tiêu diệt dân tộc và văn hoá Đại Việt, trước hết đã tàn phá phá thành tựu văn hoá Thăng Long. Trước nguy cơ bị diệt vong, lòng yêu nước thiết tha và ý chí căm thù giặc sâu sắc trong toàn dân lại bùng lên sôi sục. Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa mang tính chính nghĩa, với một đường lối và chủ trương đúng đắn nên đã trở thành cuộc chiến tranh nhân dân.

Theo phân tích của các tác giả cuốn “Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Phạm Xuân Hằng chủ biên cho thấy, ý chí của nghĩa quân Lam Sơn được hun đúc từ lòng yêu nước, một mặt thể hiện ở tinh thần kiên quyết giải phóng dân tộc, tiêu diệt xâm lược, mặt khác thể hiện trong chủ trương đối xử nhân đạo với kẻ thù khi chúng đã lâm vào nguy cơ thất bại. Nguyễn Trãi là linh hồn của tư tưởng “tâm công” trong cuộc khởi nghĩa này. Kiên trì thực hiện chính sách nhân đạo, Nguyễn Trãi đã cố gắng dùng “đao bút” thay gươm giáo, sử dụng chiến thuật đánh vào lòng người. Tư tưởng hoà bình, độc lập dân tộc của Nguyễn Trãi không chỉ đóng khung trong phạm vi quốc gia mà còn nhằm vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, giữ mối hoà hiếu lâu dài giữa hai dân tộc.  

Đấu tranh ngoại giao góp phần giương cao ngọn cờ chính nghĩa là một quá trình phức tạp mà những lãnh tụ Lam Sơn đã kiên trì thực hiện và thực hiện thành công. Kinh nghiệm này đã được nghĩa quân kế thừa từ những kinh nghiệm đấu tranh trước đó của cha ông, đồng thời nhân lên trong thực tiễn đấu tranh chống quân Minh xâm lược và đó cũng là bài học kinh nghiệm giá trị còn mãi cho sau này.

Nội dung quan trọng trong chiến lược đánh địch có thể thấy ở tư tưởng ngoại giao “tâm công”. Tư tưởng chiến lược, chiến thuật tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của Nguyễn Trãi được thể hiện qua Bình Ngô sách, đó là “mưu phạt tâm công” (đánh vào lòng người). Đây là phương châm được thực hiện triệt để trong toàn bộ quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng Đông Đô và đã đem lại kết quả to lớn góp phần chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình. Với phương châm đánh vào lòng người, Nguyễn Trãi đã vạch ra nguyên nhân thất bại của những cuộc khởi nghĩa trước đó. Có thể khẳng định, chiến lược “mưu phạt tâm công” của Nguyễn Trãi là một bước sáng tạo trong lịch sử tư tưởng quân sự của dân tộc. Đấu tranh ngoại giao từ khởi nghĩa Lam Sơn là một mũi tiến công sắc bén, lợi hại có thể song hành cùng đấu tranh quân sự để đạt kết quả cao nhất. Đây là cống hiến lớn lao của Nguyễn Trãi mà giá trị và ý nghĩa của nó đã được nhân dân ta khai thác và vận dụng trong nhiều thế kỷ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Sáng tạo trong vận dụng sách lược đấu tranh ngoại giao thể hiện ở đường lối và nghệ thuật khởi nghĩa của nhân dân ta xuất phát từ chính nghĩa và tư tưởng nhân nghĩa “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, khoét sâu chỗ yếu của địch, dùng ngòi bút thay giáp binh đẩy địch vào thế nao núng, sợ hãi rồi đầu hàng. Sự vận dụng sáng tạo sách lược đấu tranh ngoại giao của nghĩa quân Lam Sơn thể hiện ở sự chủ dộng tiến công trong đấu tranh ngoại giao; đánh và đàm (đánh trên xu thế chiến thắng, đàm để đánh vào tâm lý, tinh thần, phân tích cái lợi, cái hại), đánh thắng là tiền đề cho đấu tranh ngoại giao và đấu tranh ngoại giao hiệu quả sẽ bớt binh đao, giảm xương máu, sớm kết thúc chiến tranh.

Đông Đô được giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn, nghĩa quân Lam Sơn đã hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình. Trong cuộc chiến vinh quang, hào hùng nhưng nhiều gian khổ đó, ngoại giao đã được sử dụng như một vũ khí tiến công sắc bén khi kết hợp với những mũi tiến công khác tạo thành một sức mạnh to lớn, một thế trận tổng hợp. Những bài học kinh nghiệm mà cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để lại càng trở nên quý báu, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, ngọn cờ chính nghĩa, phát động toàn dân cùng đứng lên giết giặc, kết hợp quân sự với ngoại giao tạo cục diện vừa đánh vừa đàm, sử dụng triệt để vũ khí “tâm công”… là những bài học vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
 
Để tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh ngoại giao từ khởi nghĩa Lam Sơn và những hoạt động đối ngoại tiêu biểu diễn ra trên đất Thăng Long – Hà Nội trong 1000 năm qua, độc giả hãy tìm đọc cuốn sách “Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Phạm Xuân Hằng chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.
 
 
Trần Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)