Một số nét cơ bản về cấu trúc Kinh thành Thăng Long thời Lý
Cấu trúc kinh thành Thăng Long thời Lý được thể hiện rõ ở ba yếu tố cấu thành: cung điện, đền đài, chùa quán; thành quách và phường phố. Ngay từ những ngày đầu mới đặt chân đến Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã khẩn trương xây dựng một số cung điện là nơi ở và nơi làm việc của vua và triều đình. Đầu tiên là điện Càn nguyên được xây dựng ở vị trí trung tâm, bên tả là điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ, mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn. Hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đằng sau điện Càn Nguyên là điện Long An, Long Thuỵ - nơi để vua nghỉ ngơi. Bên tả dựng điện Nhật Quang, bên hữu điện Nguyệt Minh, phía sau là hai cung Thuý Hoa, Long Thuỵ - chỗ ở cho cung nữ. Đến năm 2011, lại xây dựng thêm hàng loạt các cung điện khác như: cung Đại Thanh, điện Hàm Quang. Những năm sau đó, vua Lý Thái Tổ liên tục cho xây dựng và tu sửa các cung điện. Sau khi ông mất, năm 1029 vua Lý Thái Tông lại cho xây dựng điện Thiên An quy mô hơn thay thế cho điện Càn Nguyên. Ngoài ra còn cho xây dựng thêm điện Tuyên Đức ở bên tả, điện Văn Minh ở bên hữu. Thời kỳ này Phật giáo được suy tôn là quốc giáo, nên ngay từ những buổi đầu định đô, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng các chùa ở trong thành: chùa Ngự Thiện, tinh lâu Ngũ Phượng, chùa Thắng Nghiêm… Những năm cuối đời ông tập trung cao độ cho việc chấn hưng Phật giáo, khuyến khích dân trong nước làm tăng, tô tượng thiên đế, xuống chiếu chép kinh Tam tạng; xây dựng các chùa: Thiên Quang, Thiên Đức, nhà Bát giác chứa Kinh, kho Đại Hưng chứa kinh Tam tạng, chùa Chân Giáo ở trong thành để vua ngự xem tụng kinh…
Tất cả những công trình kiến trúc cung điện, đền đài, chùa quán thời Lý đều nằm trong thiết kế kinh đô của Lý Thái Tổ. Điều đó đã tạo nên một diện mạo kinh đô Thăng Long bề thế, hoành tráng, lộng lẫy. Về cơ bản kinh đô Thăng Long thời Lý được xây dựng hoàn chỉnh đầu thời Lý, các vị vua đời sau chỉ xây dựng, tu sửa thêm một số công trình như Văn Miếu, chùa Diên Hựu, tháp Báo Thiên, đàn Nam Giao…
Cùng với việc xây dựng các cung điện, đền đài, chùa gác là việc xây dựng các hệ thống thành quách bao quanh, chia tách các khu của triều đình, hoàng tộc với các khu quân sự, văn hoá… Để bảo vệ an toàn cho các cung điện, vua cho đắp thành, hào, mở bốn cửa ra bốn phía: phía Đông là Tường Phù, phía Tây là Quảng Phúc, phía Nam là Đại Hưng và phía Bắc là Diệu Đức. Năm 2014 lại cho đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long. Đây là vòng ngoài và được gọi là thành Đại La. Năm 1029, Lý Thái Tông lên ngôi đã cho xây dựng lại toà chính điện, đổi là điện Thiên An, bên ngoài đắp một lần thành bao quanh gọi là Long thành. Có thể nói, thành Thăng Long Thời Lý đã căn bản xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ, đến năm 1078 vua Lý Nhân Tông mới cho sửa chữa lại thành Đại La.
Đồng thời với việc triển khai xây dựng tổng thể, trên quy mô lớn các cung điện, đền đài, thành quách là việc mở mang chợ búa, bến bãi, phường thợ, phố xá, khiến bộ mặt Thăng Long có nhiều thay đổi. Ở trong là Long thành - khu vực hành chính, quân sự, và là khu vực của triều đình. Bao bọc phía ngoài là thành Đại La – là khu vực dân cư, gồm các phố phường, thôn trại, chợ, bến, có cả nhà ở của các quan lại, quý tộc. Theo các tư liệu còn lại thì kinh thành Thăng Long xưa có 61 phường, các phường hình thành tự nhiên không theo quy hoạch cụ thể. Bên cạnh đó trong kinh thành cũng có các làng nghề nông nghiệp, thủ công nghiệp, như làng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Nhật Tân, làng nghề làm giấy ở khu vực Cầu Giấy ngày nay…
Tóm lại, Thành Thăng Long được xây dựng theo kiến trúc “trong thành ngoài thị”, một kiểu kiến trúc phổ biến của nhiều thành thị phương Đông cổ đại. Do đó quan hệ nông thôn, thành thị vốn đã có từ trước đó đến thời Lý đã phát triển mạnh mẽ, đã biến Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - quân sự - văn hoá có sức lan toả cả vùng châu thổ sông Hồng. Qua đây có thể thấy quyết định dời đô và việc xây dựng kinh thành Thăng Long thành trung tâm của cả nước thể hiện trí tuệ và tầm nhìn của các vua nhà Lý, đặc biệt là vua Lý Thái Tổ về tư duy xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt.
Minh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội