Nghệ thuật biểu diễn Thăng Long – Hà Nội buổi đầu dựng nước và giữ nước
Chúng ta có thể tìm hiểu về loại hình nghệ thuật biểu diễn Thăng Long – Hà Nội qua một số hình ảnh thể hiện nghệ thuật biểu diễn trên trống đồng Cổ Loa:
+ Hình đoàn người hoá trang, vũ trang vừa diễn tấu nhạc khí vừa múa nhảy chuyển động theo chiều ngược kim đồng hồ như ngày nay vẫn thấy ở các tộc người vùng Trường Sơn – Tây Nguyên trong nghi lễ đâm trâu. Trong các vật cầm trên tay, có thể nhìn rõ: ngoài một vũ công diễn tấu khèn, còn có vài người khác trong tay cầm hai thanh - một dài một ngắn tương tự như hai lá sênh trong chiếc sênh tiền mà người Việt ngày nay vẫn dùng.
+ Hình bốn người gõ một dàn gồm 4 chiếc trống đồng bằng loại dùi dài và nhỏ với lối đánh kiểu giã gạo tương tự như lối đánh trống đồng của người Mường còn được thấy ở thế kỷ XX.
+ Hình hai người trong trang phục ngày hội cầm chày giã vào cối gợi liên tưởng tới hình thức hát giao duyên bên cối giã mà người Việt ở một số vùng còn lưu giữ.
+ Hình hai người ngồi quay mặt vào nhau trong ngôi nhà sàn mái cong, làm động tác giao tay với nhau trong sự phụ hoạ của tiếng trống.
Trên trống đồng, những người múa thường được phục trang bằng những bộ quần áo như: mũ lông chim cao hoặc mặt nạ, tay đôi khi cầm vũ khí. Mỗi tốp người múa thường có từ 3, 4 hoặc 6 đến 7 người. Trong tốp này có người thổi khèn còn những người còn lại biểu hiện theo một động tác thống nhất, chuyển động từ trái sang phải, người sau nối tiếp người trước một quãng đều đặn, tất cả điều hành vòng quanh ngôi sao (mặt trời). Theo hình khắc trên trống đồng thì thấy có hai loại nhạc khí được sử dụng bấy giờ là khèn và trống. Có hai cách sử dụng trống: Trống một người biểu diễn như hình người cầm trống trong nhà hay trên thuyền để giữ nhịp. Trống diễn tấu trong một dàn trống. Người đánh trống ngồi hoặc đứng trên sàn, cầm gậy dài đánh theo chiều đứng. Trống được đặt trên những chiếc giá sát đất. Kiểu đánh này vẫn được nhìn thấy hiện nay ở những ngày hội của đồng bào Mường ở các tỉnh Hoà Bình.
Đó là chưa kể hành động được thực hiện trong một ngôi nhà nhỏ hơn nhưng đường nét đã bị mờ, mà nếu đối chiếu với trống Ngọc Lũ (bởi hoa văn và hầu hết các mô típ trang trí trên mặt trống Cổ Loa và trống Ngọc Lũ về cơ bản cùng mang một nội dung tương đồng) thì có thể là hình một người đang đánh cồng chiêng.
Ngoài những hình ảnh để lại trên di vật khảo cổ vừa mô tả ở trên, một số tư liệu cổ viết về thời các vua Hùng còn thể hiện một số thông tin khác liên quan tới nghệ thuật biểu diễn, tuy không xác định rõ địa điểm nhưng là trong vùng đất Văn Lang, Âu Lạc. Không loại trừ khả năng tồn tại của loại hình nghệ thuật này ở vùng đất Thăng Long thời cổ đại, bởi một phần của Thăng Long sau này cũng nằm trong bộ Văn Lang ở thuở các vua Hùng.
Minh Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội