Phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài ở Hà Nội trong thời Pháp thuộc
Có thể thấy, trong khâu phát hiện và tuyển chọn, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống trường lớp từ cấp sơ học đến đại học. Mặc dù, số trường lớp rất ít, ban đầu chủ yếu dành cho con em quan lại, những người thân Pháp, người nào học giỏi, gia đình nào có điều kiện về kinh tế thì đều có thể cho con theo học, song phải qua chế độ dự thi và xét tuyển rất nghiêm ngặt. Chế độ thực dân đưa ra nhiều điều kiện đối với những học sinh theo học trong các trường do Pháp mở, trước hết phải là những người không có tư tưởng chống lại nước Pháp, biết ơn mẫu quốc, và sau khi được đào tạo xong phải phục vụ cho chính quyền thực dân.
Với những điều kiện mà chính quyền thực dân đưa ra như vậy, có thể thấy rõ rằng không phù hợp với những thanh niên yêu nước Hà Nội. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, nhiều người vẫn đăng ký dự thi và theo học, cốt là để biết được những cụm từ “tự do, bình đẳng, bác ái” là thế nào, để tiếp cận với nền văn minh phương Tây, mở rộng tầm nhìn. Họ đã thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ và ham học hỏi để sau này phụng sự cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã du học ở Pháp và thành tài. Ngoài ra, trong vấn đề tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài của Pháp ở Hà Nội, nhiều người theo học đã không tán thành với nội dung giáo dục, chính sách đào tạo của thực dân Pháp nên thường xuyên phản đối, biểu tình. Dĩ nhiên, những học sinh theo học ở đây không phải chỉ biết tiếp thu nền văn hoá ấy một cách máy móc, mà họ biết “gạn đục, khơi trong” cho phù hợp với tình hình bấy giờ và có những đóng góp không nhỏ đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Có thể thấy, nhiều thanh niên theo học nhưng vẫn ấp ủ tinh thần yêu nước, chỉ tiếp thu những tri thức khoa học cần cho phục vụ Tổ quốc, hoặc “biến nhà trường thuộc địa thành nơi hoạt động cách mạng”. Đã có rất nhiều người trong quá trình học tập từng tham gia đấu tranh chống Pháp cùng nhân dân, tham gia các phong trào mít tinh, biểu tình chống lại chính quyền cai trị Pháp, như phong trào đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh, phong trào đòi dân tộc dân chủ… Nhiều người sau khi được đào tạo xong, hoặc đang theo học trong nhà trường của thực dân đã đi theo con đường cách mạng, phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chính quyền mới sau này, như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Minh Giám, Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Thiêm, Hoàng Xuân Hãn….
Đối lập với chính sách giáo dục, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài của thực dân Pháp, để thoát khỏi chính sách nô dịch thực dân và muốn phát triển một nền giáo dục nước nhà, từ những năm đầu thế kỷ XX, những người có quan điểm tiến bộ ở Hà Nội bấy giờ đã xây dựng một số trường học và dạy cho thanh niên, con em mình. Tiêu biểu nhất cho quan điểm học tập tiến bộ của nhân dân Hà Nội trong giai đoạn này là trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là một trường kiểu mẫu về tinh thần yêu nước cầu tiến của dân tộc Việt Nam trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Đông Kinh Nghĩa Thục là trường học do các sĩ phu yêu nước, tiến bộ lập ra ở phố Hàng Đào, do Lương Văn Can làm hiệu trưởng và Nguyễn Quyền làm giám học. Chương trình học tập là những kiến thức mới về Địa lý, Sử ký, Cách trí, Vệ sinh,…; nó không mâu thuẫn với nội dung dạy ở các trường học của pháp, song điểm khác nhau căn bản là Đông Kinh Nghĩa Thục chú trọng cho đất nước, chứ không phải để đào tạo những tay sai như trong trường học của thực dân. Bên cạnh chương trình giáo dục, nhà trường còn tổ chức những buổi diễn thuyết ngoại khoá hô hào chống những lề thói phong kiến lạc hậu và trọng thực nghiệp, dùng hàng nội hoá, sống theo lối mới và còn có cả hộp thư để nhân dân góp ý kiến xây dựng nhà trường, do đó tổ chức cũng như mọi hoạt động của nhà trường ngày càng phát triển. Ngoài việc chống tư tưởng phong kiến lạc hậu, một vấn đề đặc biệt tiến bộ mà nhà trường đã làm là mạnh dạn tuyên truyền những tư tưởng tư sản tiến bộ của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu như “Dân ước luận”, “Tiến hoá luận” và “Vạn pháp tinh lý” nhằm xây dựng một nội dung tư tưởng mới cho tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Để truyền bá những tư tưởng học thuyết mới, Đông Kinh Nghĩa Thục đặc biệt chú trọng phổ biến chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Nho học khó học, chữ Nôm, chữ Pháp nhằm đạt mục tiêu cụ thể là phát triển văn hoá làm lợi khí để đẩy mạnh hoạt động thực nghiệp làm cho nước giàu dân mạnh, mới mong thoát khỏi ách nô lệ. Tinh thần yêu nước mà trường Đông Kinh Nghĩa Thục muốn kêu gọi và giáo dục cho người học chính là nền tự do của Tổ quốc. Thực dân Pháp lúc đầu chưa tỏ rõ thái độ với Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng sau gần một năm hoạt động của trường, chúng thấy xu hướng chính trị của trường bộc lộ rõ rệt, gây được ảnh hưởng lớn trong nhân dân, nên đã bắt nhà trường phải đóng cửa (tháng 12/1907).
Dưới thời Pháp thuộc nhiều học sinh Hà Nội và từ các tỉnh thành khác lên Hà Nội học tập đã trở thành người tài giỏi, trở thành những nhân tài của Hà Nội thời đó. Nền giáo dục, đào tạo thực dân cũng giúp cho người học những phương tiện thuận lợi để tiếp thu các luồng tư tưởng mới và tiến bộ của thế giới, cùng với nhân dân để góp thêm ý chí và ngọn lửa đấu tranh chống thực dân, phong kiến và tay sai. Cuốn sách “Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long – Hà Nội” do GS.TSKH. Vũ Hy Chương chủ biên là một đề tài thuộc Chương trình khoa học cấp nhà nước KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”. Cuốn sách nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 sẽ cung cấp cơ sở lý luận và kết quả nghiên cứu về phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của vùng đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay để độc giả có cái nhìn cụ thể xác thực khi tìm hiểu về vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Bình Minh
Nhà xuất bản Hà Nội