Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 06/02/2015 11:28
Một góc khu phố Tây giữa Hà Nội thời thuộc Pháp

Trải qua mười năm ròng rã lao động cần mẫn với sự cộng tác của đông đảo bạn bè, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn đã hoàn thành bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, công trình dành cho những người say mê tìm hiểu về lịch sử và địa chí vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Từng góc đường, khu phố được tác giả khảo cứu, tìm hiểu một cách công phu, kỹ lưỡng đã phác họa nên bức tranh Hà Nội suốt một thời gian dài nhiều biến động. Trong đó, khu phố Tây thời thuộc Pháp để lại cho người đọc nhiều ấn tượng, tạo thành nét tương phản, đối lập với cuộc sống của người Việt suốt những tháng năm dài dưới ách đô hộ của thực dân.

 
Những năm của thập niên đầu thế kỷ XX, tức là thời kỳ đầu thuộc Pháp, đất đai thành phố Hà Nội bấy giờ hình thành bốn khu dân cư rõ rệt. Khu vực trong thành là khu quân sự và ba khu dân cư: khu phố Cửa Đông là khu dân cư cổ của người Việt Nam, khu phố tập trung những người làm nghề buôn bán và sản xuất thủ công nghiệp, khu phố sẵn có cùng với khu thành trì; hai là khu cư dân mơi được mở mang sau ngày người Pháp chiếm đóng Hà Nội, thường được gọi là khu phố Tây, có nghĩa là khu phố chủ yếu dành cho người Tây ở; ba là khu vực bao quanh khu phố cổ, khu phố Tây và khu trong thành.
 
Khu phố Tây mới được xây dựng trong những năm đầu thời thuộc Pháp nằm trong một khu vực hình thang, cạnh trên là phố Hàng Bông, phố Cầu Gỗ - phố Lò Sũ; cạnh dưới là Trần Quốc Toản - phố Hàm Long - phố Hàn Thuyên ra đến phố Trần Quang Khải ngoài bờ sông.
 
Sau khi bình định Hà Nội, khu phố Tây của người Pháp ra đời như một tất yếu bởi chính quyền thực dân cần có những khoảng đất rộng để xây dựng đáp ứng yêu cầu của một bộ máy hành chính mới - chế độ mang danh nghĩa bảo hộ - trùm lên bộ máy cai trị phong kiến bản xứ. Nó là phương tiện thể hiện vẻ oai nghiêm gây ảnh hưởng về tâm lý, đề cao uy lực của người da trắng. Và người Pháp đã chọn khu vực phía đông nam thành phố cũ để mở mang một khu rộng cho họ làm chỗ ở và hoạt động kinh tế, xã hội. Họ chọn nơi đây là vì đã có sẵn khu Đồn Thủy làm hạt nhân và phía đông hồ Hoàn Kiếm là chỗ đạo quân viễn chinh Pháp đóng các cơ quan quân sự, sau là chỗ xây dựng khu hành chính của chính quyền thực dân.
 
Quá trình xây dựng khu phố Tây ở phía đông và phía nam hồ Gươm từ hạt nhân Đồn Thủy (1784) bắt đầu là khu hành chính phía đông bờ hồ Gươm (1886 - 1890) có Tòa Đốc lý, Sở Kho bạc - Sở Bưu điện - Phủ Thống sứ - Khách sạn Métropole và phố Tràng Tiền (những năm 1884 - 1890), đầu phố có Nhà hát Lớn (1911). Từ chỗ đó tiếp đến việc quy hoạch và xây dựng khu cư dân và công sở ở vào quãng giữa Đồn Thủy và Tràng Tiền, có Trường Cao đẳng Y dược (1904), Trường Tiểu học Pháp. Đầu phía tây đường Gambetta (Trần Hưng Đạo) là nhà Ga Hàng Cỏ, trụ sở Công ty Hỏa xa Việt - Điền, khu Đấu Xảo (1901). Đồng thời ở trên đất Phủ Doãn và vương phủ cũ, xây dựng Nhà thờ Lớn Thánh Jôdép (1894), hai trường học nam (Puginier) và nữ (Sainte Marie) của Nhà Chung và Trường Kỹ nghệ Thực hành của nhà nước (1896). Dọc đường Tràng Thi, xây nhà Thư viện trung ương (1918), Sở Sen đầm (1886), Bệnh viện Phủ Doãn và Nhà Hộ sinh thành phố (1908); rồi đến Tòa án - Nhà ngục - Sở Mật thám Bắc Kỳ ở góc phố Thợ Nhuộm và Trần Hưng Đạo.
 
Dọc những phố trong khu phố Tây liên tiếp xây cất những ngôi nhà villa xinh xắn với kiến trúc hiện đại, vật liệu kiên cố, làm nên một quang cảnh góc thành phố hiện đại. Và Tràng Tiền là hạt nhân, là phố trung tâm của khu phố Tây với đông đặc nhà cửa. Phố dài chỉ có ngót 500m mà gồm khoảng 150 số nhà đều là cửa hàng và trụ sở những hãng kinh doanh lớn, có số nhà mang hai ba địa chỉ, cái dưới nhà, cái trên gác. Đi vào khu vực này chỗ nào cũng thoang thoảng mùi thơm, một mùi đặc biệt là “văn minh”: mùi hàng bách hóa, hàng mới thời thượng, có các chất thơm của xà phòng, nước hoa, phấn sáp; mùi béo ngậy từ các cửa hàng bánh ngọt, rượu tây, bơ sữa… Phố này tập trung những hoạt động của các ngành chính về công thương nghiệp giới thực dân Pháp: ngân hàng, công ty xuất nhập khẩu,… Già nửa thế kỷ thuộc Pháp, ở phố Tràng Tiền chỉ thấy có cảnh xa hoa phú quý, chỉ thấy lũ Tây đầm ngạo nghễ, tự mãn với cái vai ông chủ nhân của họ, người Việt ít được bén gót đến nơi đây. Những chuyện không hay cũng không mấy khi xảy ra, đây là chỗ an ninh được giữ gìn chu đáo. Tuy vậy, một ngày cuối tháng 4 năm 1913, một quả tạc đạn đã nổ ở giữa cửa hàng ăn đông khách, Khách sạn Gà Vàng, làm chết hai tên sĩ quan Pháp đang ăn uống; người hạ sát là Nguyễn Khắc Cần, một đảng viên của Quang Phục hội. Vụ này đã gây kinh hoàng cho đám thực dân ở Hà Nội.
 
Song song với quá trình xây cất và cải tạo không gian Hà Nội, người Pháp còn mở mang hồ Gươm thành một thắng cảnh, làm con đường vòng quanh hồ làm nơi dạo mát buổi chiều của họ. Người Pháp mong muốn đây sẽ hoàn toàn là khu vực phố Tây, tuy nhiên đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu được trả cho dân sở tại nên Bờ Hồ vô hình trung hình thành hai khu vực: khu vực người Tây là phần Bờ Hồ phía đông, phía nam và một phần phía tây; còn khu vực người Việt là Bờ Hồ phía bắc đến đền Ngọc Sơn và phía Tây đến cuối dốc phố Pottier (nay là Bảo Khánh).
 
Hà Nội chỉ sau mấy chục năm Pháp đặt nền cai trị đã có biết bao biến cải, đổi thay, tựa như sau cuộc thương hải tang điền. Một khu phố Tây xa hoa xuất hiện giữa lòng đô thị cổ mấy trăm năm tuổi cho thấy sự cai trị của chế độ thực dân, đồng thời phản ánh một khía cạnh tương phản - cuộc sống lầm than cùng cực của những người bản xứ. Viết về phố Tây Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn dường như đã gửi gắm ở đó biết bao nỗi niềm về một thời đoạn tăm tối của dân tộc ta những năm đầu thế kỷ XX.
 
 
Nguyễn Dung
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)