Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 06/02/2015 11:42
Giá trị di sản của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mang tính đại diện và tiêu biểu rất đặc trưng của lịch sử và văn hoá Thăng Long – Hà Nội trong 13 thế kỷ liên tục từ thời Đại La qua thời Thăng Long đến thời Hà Nội hiện nay. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo. Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hoá của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hoá và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu. Những giá trị nổi bật toàn cầu đó không chỉ thể hiện ở các di tích di vật hiện hữu được phát lộ mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hoá phi vật thể và những giá trị tinh thần vô giá, được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử.

 
Khu di tích có một diện tích rất khiêm nhường chỉ vó 18,395 ha nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hoá rất lớn lao. Về mặt nghiên cứu, khu di tích là một không gian hội tụ đầy đủ nhất ba cơ sở sử liệu về nhận thức Thăng Long – Hà Nội: tư liệu thư tịch, di tích trên mặt đất và di tích khảo cổ học trong lòng đất.
 
Khu di tích khảo cổ học tại số 18 phố Hoàng Diệu nằm trong lô D khu trung tâm chính trị Ba Đình với diện tích 45.300m2. Khu vực này được khai quật từ tháng 12/2002 đến tháng 3/2004 với diện tích rộng trên 19.000m2 được Viện Khảo cổ học Việt Nam phân định làm 4 khu đặt tên là khu A, B, C, D. Tại khu di tích đã khai quật 58 hố, cụ thể khu A đã khai quật 25 hố (từ hố A1 – A25), khu B đã khai quật 20 hố (từ B1- B20), khu C khai quật 6 hố (C1-C6), khu D khai quật 7 hố (từ D1-D7). Thông qua các cuộc khai quật, chúng ta có thể thấy các giá trị của Hoàng thành Thăng Long.
 
Các di tích kiến trúc và di vật Hoàng thành Thăng Long tại khu vực nội thành Hà Nội rất đa dạng, phong phú chứng tỏ trình độ kỹ thuật cao của dân tộc và khả năng tổ chức cao của các vương triều Đại Việt nhất là trong thời kỳ thịnh đạt của quốc gia Đại Việt. Dấu tích các kiến trúc được phát lộ từ các cuộc khai quật, đặc biệt là khu vực số 18 phố Hoàng Diệu bộc lộ các đặc điểm:
 
+ Các kiến trúc Lý - Trần có xu hướng được bố trí thành nhiều dãy chạy song song theo hướng bắc – nam, xen kẽ giữa các dãy kiến trúc hàng loạt từ kiến trúc riêng lẻ có các ao cổ, hồ cổ hoặc sông cổ.
 
Từ khu A sang khu D ta thấy ít nhất có các lớp kiến trúc như sau:
 
Dãy kiến trúc khu A: Thời Lý có nhiều “kiến trúc nhiều gian” ở khu A1, dấu tích kiến trúc ở khu A3, dấu tích kiến trúc ở khu A4 – A16, 2 dấu tích kiến trúc A20, 2 dấu tích kiến trúc A5. Vào thời Trần, nằm chồng lên trên kiến trúc Lý có kiến trúc A1, kiến trúc A20 – A5.
 
Dãy kiến trúc khu B: Vào khoảng thời Lý, kiến trúc khu B được bố trí thành 2 dãy: Dãy kiến trúc phía đông ven “dòng sông” cổ đã xuất lộ 6 cụm có mặt bằng, quy mô và số lượng móng trụ khác nhau.
 
Dãy kiến trúc phía tây gồm có kiến trúc B16 giáp vách hố phía bắc, dấu tích kiến trúc B17, kiến trúc nhiều gian B3, dấu tích móng trụ B7, B14.
 
Vào thời Trần, tại dãy kiến trúc này có thêm dấu tích kiến trúc có chân tảng đá B16.
 
Kiến trúc khu C: Tuy chưa kiến trúc nhiều nhưng đã thấy rõ dấu tích các kiến trúc ở C3 và C4.
 
Kiến trúc khu D: Tuy chưa khai quật hết nhưng tại 7 hố khai quật với diện tích nhỏ đều đã tìm thấy dày đặc các dấu tích kiến trúc có niên đại từ thời Đại La, thời Lý, Trần,
Lê như ở khu A – B. Dựa vào những dấu tích đã xuất lộ, có thể thấy ở đây có hai lớp kiến trúc khác nhau: Lớp kiến trúc dưới thuộc thời Đại La, lớp kiến trúc trên thuộc thời Lý - Trần.
 
Như vậy, bước đầu đã có thể nhận ra trên toàn khu vực vào thời Lý - Trần có 6 dãy kiến trúc được bố trí song song theo hướng bắc – nam. Giữa các lớp kiến trúc khác nhau có thể có xen lẫn sông cổ và hồ cổ. Ví dụ ở khu A và khu B có “dòng sông” cổ chạy dài theo hướng bắc nam. Giữa khu B và C, và ở tất cả các khu đều có vết tích của “ao”, “hồ” cổ. Các “sông”, “ao”, “hồ” cổ này vừa làm nhiệm vụ tôn tạo cảnh quan, vừa làm nơi thoát nước cho các kiến trúc.
 
+ Trong từng lớp kiến trúc khác nhau, các kiến trúc khác nhau được bố trí nối tiếp nhau theo toà ngang dãy dọc. Đặc điểm này của kiến trúc Thăng Long thời Lý - Trần đến thế kỷ XIX vẫn thấy ở kinh đô Huế của triều Nguyễn.
 
Ở dãy kiến trúc khu A ta thấy các kiến trúc đã xác định được quy mô một cách tương đối rõ lần lượt được bố trí như sau:
 
Kiến trúc A1 chạy dọc theo hướng bắc – nam.
 
Kiến trúc A4 – A16 chạy ngang theo hướng đông – tây.
 
Kiến trúc A20 chạy theo hướng đông – tây.
 
Ở khu B, các dấu tích kiến trúc ven “dòng sông cổ “khá đa dạng, bố trí chạy liên tiếp từ bắc xuống nam.
 
Còn dãy kiến trúc phía đông thì lần lượt được bố trí như sau:
 
Kiến trúc B16 chạy ngang theo hướng đông – tây.
 
Kiến trúc B17 có xu hướng bố trí chạy ngang theo hướng đông – tây.
 
Kiến trúc B3 chạy dọc theo hướng bắc – nam.
 
Các khu C và khu D do chưa khai quật hết nên chưa rõ cách bố trí ngang dọc của các kiến trúc trong mặt bằng chung ở đây.
 
+ Mỗi một đơn nguyên kiến trúc khác nhau có mặt bằng kiến trúc khác nhau khá đa dạng và có thể được phối hợp với một số công trình kiến trúc khác.
 
+ Kiến trúc nhiều gian A1 hình chữa nhật có 4 hàng cột (sau đó có thể thêm 1 – 2 hàng cột đỡ ở hiên), xung quanh có cống thoát nước mưa, có giếng nước và đặc biệt là hàng kiến trúc “lục giác”.
 
+ Kiến trúc A4 – A16 có hai hàng cột.
 
+ Kiến trúc A20 (phía Bắc) có 3 hàng cột và cống thoát nước.
 
+ Kiến trúc B16 có 4 hàng cột, cống thoát nước, giếng nước.
 
+ Kiến trúc nhiều gian B3 có 3 hàng cột.
 
+ Các kiến trúc ven “dòng sông cổ” khu B có nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau (hình chữ nhật, hình vuông).
 
Kiến trúc nhiều gian B9 có một giếng nước thời Đại La được thời Lý dùng lại. Kiến trúc B16 có một giếng nước. Kiến trúc Trần ở khu A20 – A5 có một giếng…
 
Đa số các kiến trúc ở đây đều có dấu tích của cống thoát nước. Các cống thoát nước được bố trí rất công phu, các của đều có xu hướng đổ ra phía sông cổ. Các kiến trúc nhiều gian A1, B3 kích thước lớn cho nên các cống nước còn được làm nhiều cửa để thoát nước. Lại có dấu hiệu có các cống có kích thước lớn hơn, sâu hơn có lẽ là dùng để thoát nước cho một khu vực rộng lớn hơn.
 
Nghiên cứu về quy mô các kiến trúc kỹ thuật gia cố nền móng, móng trụ các chuyên gia khảo cổ học kiến trúc trong và ngoài nước nhất trí đánh giá các kiến trúc thành Thăng Long được xây dựng ở trình độ rất cao.
 
Cho đến nay, gốm sứ Việt Nam được sản xuất trong thời Lý mới chỉ biết đến duy nhất ở Thăng Long. Tại số 18 phố Hoàng Diệu, số 61-64 phố Trần Phú, di tích đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều đồ gốm sứ cao cấp men trắng, men xanh lục, men ngọc, men nâu và men vàng thời Lý. Tại hố B17 đã tìm thấy mảnh bệ tháp sứ trắng trang trí rồng và mảnh bệ tháp sứ trắng trang trí hình tiên nữ (Apsara) là minh chứng sinh động cho thấy trình độ phát triển rất cao của công nghệ sản xuất đồ sứ trắng thời Lý. Một số đồ sứ trắng tìm được trong Hoàng thành có những loại bát, đĩa, nắp hộp, đài sứ bị méo hoặc cháy do quá lửa cho thấy nó được sản xuất tại chỗ. Tại khu D đã phát hiện được hàng nghìn mảnh bao nung gốm cùng nhiều loại con kê, dụng cụ thử men, đặc biệt là những đồ gốm lớn bị sống men như chiếc đĩa có đường kính miệng 39,5cm ở hố D5.
 
Gốm men ngọc thời Lý gồm bát, đĩa trang trí văn in hoa cúc dây như kiểu gốm Tống và nhóm bát, đĩa khắc chìm hoa sen mang phong cách Việt đặc trưng. Đây là loại gốm có chất lượng cao, men phổ biến có màu xanh ngọc sắc đậm, xương gốm trắng, mịn và có nhiều điểm khác biệt so với gốm thời Trần về kỹ thuật tạo chân đế. Qua phát hiện ở hố D6 những đồ gốm phế thải đặc biệt là những mảnh khuôn in hoa cúc dây.. Hoa văn trên khuôn in này có phong cách như hoa văn trên đĩa men ngọc tìm thấy trong lòng giếng thời Lý ở hố A10. Gốm men xanh lục là dòng gốm men xanh lá cây, hoa văn trang trí đẹp với các đề tài hoa lá và những đồ tinh xảo trang trí hình rồng qua chiếc nắp hộp tìm thấy ở hố A9MR là một trong những tiêu bản đặc sắc cho thấy sự phát triển cao của gốm men xanh lục Lý…
 
Gốm thời Trần tìm được khá nhiều trong các hố khai quật và thường được tìm thấy cùng với những đồ gốm trang trí kiến trúc cùng thời. Gốm thời kỳ này có rất nhiều loại gồm các dòng gốm, men ngọc, men xanh lục, men nâu, men hoa nâu và hoa lam. Nét mới riêng biệt và rất đáng lưu ý về gốm thời Trần là sự xuất hiện dòng gốm hoa lam. Loại gốm này được tìm thấy khá nhiều trong các hố khai quật và phổ biến là bát, đĩa vẽ cành hoa cúc, màu nâu sắt và xanh cobalt giống như những đồ gốm đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ XIV. Tại khu D ở số 18 phố Hoàng Diệu đã tìm thấy chồng đĩa lớn vẽ cành hoa cúc cùng nhiều chồng dính của loại gốm men độc sắc trang trí văn mây hình khánh, chim phượng và hoa lá. Tư liệu này góp phần khẳng định thêm rằng, ngoài những dấu hiệu về lò gốm thời Lý nói trên khả năng ở đây còn có những lò gốm thời Trần.
 
Gốm thời Lê tìm được tại các hố khai quật có số lượng lớn nhưng tập trung nhiều nhất là ở khu vực ven triền sông cổ nằm giữa khu A và B ở số 18 phố Hoàng Diệu: gốm hoa lam cao cấp có hình dáng và hoa văn tương tự những đồ gốm trên tàu đắm Hội An như loại bát vẽ rồng 4 móng, dưới đáy khắc chữ Trù (bếp), giữa lòng viết chữ Kính hay loại đĩa lớn vẽ rồng có bút pháp tinh tế như trên bản đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Phát hiện có ý nghĩa này cho phép một lần nữa khẳng định về sự góp mặt quan trọng của gốm Thăng Long trong mối giao lưu kinh tế, văn hoá với quốc tế trong lịch sử. Ngoài ra còn phát hiện loại gốm trắng mỏng trang trí in nổi hình rồng có chân 5 móng (cũng có loại rồng có 4 móng) giữa lòng ghi chữ Quan hay chữ Kính là những sản phẩm của lò quan Thăng Long. Có thể nói, đồ gốm sứ do cư dân Thăng Long sản xuất đạt trình độ rất cao. Trên bình diện thế giới, gốm sứ Việt Nam ở Thăng Long không kém gì đồ gốm sứ Trung Quốc.
 
Ngoài gốm sứ các nguồn tư liệu khảo cổ học khác còn cho biết rõ lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trên các đồ đất nung, đồ gốm đều có trang trí các loại hoa văn như rồng, phượng, sen, cúc, sóng nước, mây trời. Các hình tượng trang trí đó phản ánh lịch sử lâu dài, độc đáo của mỹ thuật Việt Nam. Các di tích kiến trúc và di vật qua các phát hiện khảo cổ học còn phản ánh rõ nét bản sắc văn hoá Thăng Long – Hà Nội, nơi hội tụ, kết tinh tinh hoa và bản sắc văn hoá dân tộc. Có thể thấy, các di tích kiến trúc, di vật, di tích động vật, thực vật, mộ táng, sông hồ đã phản ánh rất rõ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, quan niệm thẩm mỹ, nghệ thuật ẩm thực, tôn giáo, tín ngưỡng của con người Thăng Long qua nhiều thời kỳ lịch sử.
 
Không chỉ hiển lộ rõ bản sắc dân tộc, các di tích, di vật khảo cổ học Thăng Long còn cho thấy được mối quan hệ giao lưu kinh tế - văn hoá chặt chẽ giữa quốc gia Đại Việt với thế giới bên ngoài: gốm Islam từ vùng Tây A (thế kỷ IX – X), gốm Triều Tiên (thế kỷ XIII – XIV), gốm Hizen - Nhật Bản (thế kỷ XVII – XVIII), gốm sứ Trung Quốc từ thế kỷ VI – VII cho đến thế kỷ XX một số yếu tố cấu trúc hoa văn trang trí, kỹ thuật chôn cột kiến trúc trong hố, kỹ thuật xây giếng thời Đại La và giếng thời Lý...
 
Trải qua 13 thế kỷ lịch sử, Kinh đô Thăng Long biểu trưng cho sức mạnh tự lực, tự cường của dân tộc trong thời đại dựng nước và giữ nước. Từ những giá trị trên, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2007, Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009 và năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Trở thành di sản văn hoá thế giới, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là niềm tự hào của nhân dân thủ đô Hà Nội và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hoá, truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị cho di sản. Tài sản vô giá của cha ông để lại sẽ được bảo vệ, gìn giữ cho muôn đời con cháu mai sau.
 
 
Minh Quang
 
Nhà xuất bản Hà Nội