Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 25/02/2015 04:48
Hồ Tây - một góc lãng mạn của bức tranh Hà Nội đa màu

Hồ Tây là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, nằm ở phía tây Hà Nội trên địa bàn quận Tây Hồ. Mặt hồ rộng tới 5.261.600m2, xấp xỉ 526ha, chu vi hồ Tây hiện dài 18.967 mét, chỗ rộng nhất từ đường Thanh Niên đến cống Xuân La trên đường Lạc Long Quân dài 3.271 mét, chỗ hẹp nhất từ chùa Võng Thị, đền Mục Thận đến phủ Tây Hồ dài 768. Các con đường bao quanh: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Thanh Niên và Thuỵ Khuê dài tới 17km. Về địa lý, Hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, ngành địa chất lịch sử đã chứng minh được Hồ Tây là một phần của sông Hồng.

 
Vốn là một khúc sông Hồng khi đổi dòng sót lại, hồ Tây có nhiều tên trong lịch sử như hồ Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, hồ Dâm Đàn, Tây Hồ, Đoài Hồ nhưng tên gọi quen thuộc với người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung vẫn là tên gọi hồ Tây. Hồ Tây được coi là lá phổi của Hà Nội bởi nơi đây trải qua bốn nghìn năm lịch sử đã lắng hồn núi sông Hà Nội đọng lại và xếp lớp biết bao huyền thoại thơ ca. Trong dân gian vẫn có hai thần thoại nói về lai lịch của hồ. Một thuyết nói rằng, xưa kia ở đó có một quả núi, trong núi có con hồ tinh chín đuôi làm hại nhân dân. Thượng đế sai Long Vương cùng đội quân thuỷ tộc theo dòng sông tràn vào, phá tan cái đầm. Lại một thuyết nói rằng, về đời Lý nước ta có vị cao tăng là Nguyễn Minh Không sang Trung Quốc chữa bệnh cho con vua Tống. Khi chữa khỏi bệnh vua Tống tạ ơn, cho phép Nguyễn Minh Không vào kho muốn lấy gì thì lấy và bao nhiêu cũng được. Minh Không hoá phép thu tất cả đồng đen trong kho vào một cái bao, đem về nước dâng vua Lý, vua sai đúc thành một quả chuông. Chuông đúc xong đánh thử mấy tiếng tức thì từ bên Trung Quốc có một con trâu bằng vàng nghe tiếng chạy sang Đại Việt đến khu rừng phía Bắc thành Thăng Long tiếng chuông im bặt, trâu vàng lồng lộn đi tìm, dẫm nát cả khu rừng, đất thụt xuống thành hồ.
 
Hồ Tây có địa thế rộng lớn, một thi sĩ vô danh đã có hai câu thơ tả cảnh chiều thu trên hồ Tây được nhiều người truyền tụng để mô tả hình thế rộng lớn của hồ Tây:
 
… Sương lam phủ đất chim chờ gió
Sóng bạc tung trời cá đớp mây…
 
Hồ Tây được thiên nhiên phú cho nhiều cảnh sắc nên thơ và qua từng giai đoạn, từng thời kỳ bằng sức lao động, sự sáng tạo không ngừng của nhân dân lại tô điểm thêm làm cho hồ càng thêm nhiều cảnh đẹp. Cảnh đẹp hồ Tây xưa được một thi sĩ đời Vĩnh Hựu (1735-1739) nhà Lê mô tả trong “Tây Hồ bát cảnh” có thể tóm tắt như sau: bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng Cổ, Phật say làng Thuỵ, sâm cầm rợp bóng, đồng bông (những ruộng trồng hoa) Nghi Tàm, chợ đêm Khán Xuân, tiếng đàn hành cung. Nhà thơ Cao Bá Quát đã từng say mê vẻ đẹp của hồ Tây mà so sánh “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” (hồ Tây đích thực là nàng Tây Thi). Nguyễn Huy Lượng từng có Tụng Tây Hồ phú nổi tiếng. Từ xưa đến nay biết bao nhà văn, nhà thơ từng nặng lòng, đắm say với cảnh đẹp hồ Tây, rồi để lại bao áng văn thơ, tác phẩm nghệ thuật sống mãi với muôn đời.
 
Hồ Tây là một vùng sinh thái với những động thực vật đáng quý. Cá hồ Tây có nhiều loại cả cá tự nhiên và cá nuôi thả. Ngoài cá, nơi đây còn có tôm, ốc… Trước đây hồ Tây còn có nhiều chim, nhất là chim sâm cầm nổi tiếng.
 
Hồ Tây không chỉ là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Hà Nội mà còn là tâm điểm của một vùng văn hoá. Xung quanh hồ Tây là dày đặc các di tích lịch sử - văn hoá, nổi bật là những ngôi chùa như chùa Trấn Quốc (Khai Quốc/An Quốc) cổ kính thâm nghiêm, chùa Kim Liên gắn bó với những thăng trầm của các vương triều mà vẫn là bông sen vàng bất chấp thời gian, chùa Quảng Bá được xây cất từ thời nhà Lý và đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, đình Yên Phụ… chưa kể một thời quanh hồ Tây còn những làng nghề nổi tiếng đã đi vào ca dao:
 
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
 
Hiện nay, những cảnh đẹp mà người xưa gọi Tây Hồ bát cảnh không còn nhưng hồ Tây vẫn là một thắng cảnh của thủ đô Hà Nội bởi những giá trị về cảnh quan, bởi một hệ thống các làng hoa nổi tiếng bao bọc quanh hồ: Tứ Tống, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Quảng Bá… Tất cả tạo nên một vẻ đẹp của hồ Tây và tạo ra một vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội.
 
Các danh lam thắng cảnh của Hà Nội có giá trị văn hoá du lịch rất lớn. Đây là những điểm dừng chân tham quan không thể thiếu của bất cứ du khách nào khi đến, ở lại hoặc đi qua Hà Nội. Các thắng cảnh này cũng là nơi để nhân dân Thủ đô dạo chơi ngắm cảnh, tư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng, là nơi để các bạn trẻ vui chơi, hẹn hò, là địa điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân Thủ đô vào những ngày lễ tết quan trọng. Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Quanh hồ hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng cùng nhiều văn vật giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá... Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc... dịp đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết. Phía tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, mang đậm giá trị lịch sử - văn hoá của chốn kinh kỳ.
 
 
An Nhiên
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)