Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 26/03/2015 04:43
Người Thăng Long - một bản sắc độc đáo của đất Kẻ Chợ - Kinh kỳ

Với vị thế một kinh đô lâu đời, một đô thị thủ phủ lớn nhất nước, Thăng Long – Hà Nội đã là một lò luyện hợp, nơi hội tụ kết tinh của những tinh hoa văn hoá của những vùng miền, địa phương khác nhau trong cả nước. Con người Thăng Long – Hà Nội truyền thống là sản phẩm tổng hoà dưới tác động phức hợp của điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội, nhân văn, dung hợp những đặc trưng của nhiều không gian văn hoá và thời kỳ lịch sử khác nhau. Là mẫu hình tiêu biểu của nhân cách Việt, người Thăng Long – Hà Nội còn tự khẳng định mình ở cấp độ cao hơn với vị thế “thứ nhất Kinh kỳ”, “người Tràng An”, tự hào là người dân của một đô thành “địa linh nhân kiệt”, “trái tim của đất nước”.


Dân Kẻ Chợ, người Thăng Long – Hà Nội vẫn nổi tiếng là “khéo tay hay nghề”, sản xuất, buôn bán nhiều mặt hàng nổi tiếng về chất liệu, kỹ thuật và mỹ thuật. Một số thương hiệu Hà Nội đã gây được uy tín trong cả nước như gạch vuông, đồ gốm Bát Tràng “không thua kém gì hàng Trung Quốc” (theo Thượng kinh phong vật chí), loại giấy nghè ở làng Trung Nha, Nghĩa Đô cũng vậy là một loại sản phẩm thể hiện sự khéo tay hay nghề của người Thăng Long:
 
Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ
                                                                        (Ca dao)
 
Và trong dân gian lưu truyền câu ngạn ngữ về một số làng nghề nổi tiếng ở Thăng Long được mọi người biết đến từ xưa:
 
“Lĩnh hoà Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã”.
 
Ở thế kỷ XIX, nhiều thợ giỏi của Hà Nội đã được triều đình trưng dụng làm “thày dạy nghề” (thợ đúc tiền, dệt, khảm), giao huấn luyện, truyền nghề cho thợ ở Huế, Sài Gòn, được chọn mang hàng ở Hà Nội, đặc biệt là the lụa, đã được thương nhân Hoa Kiều mua về Trung Quốc, dán nhãn mới, giả làm hàng “Tầu”, xuất trở lại Việt Nam… Người phương Tây đến Thăng Long – Hà Nội cũng đã từng ca ngợi tài năng trong sản xuất, buôn bán của người thợ thủ công, thương nhân. Họ khen các cô, các bà ở phố Hàng Bạc “thành thạo hệt như các tay buôn chứng khoán sắc sảo nhất ở Luân Đôn… Ngoài các hoạt động kinh doanh buôn bán, người Thăng Long – Hà Nội còn hướng tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ, chất lượng cao trong các mặt sinh hoạt khác. Văn hoá ẩm thực Hà Nội nổi tiếng cả nước với những món ăn độc đáo, cách thưởng thức cầu kỳ, lịch sự. Nhiều phẩm vật, hàng hoá của Hà Nội đã được tuyển chọn để tiến vua chúa. Người Thăng Long – Hà Nội cũng nổi tiếng là người sành điệu trong cách phục sức, áo quần chải chuốt, đẹp mà nền nã, cũng như trong cung cách giao tiếp thanh lịch, hào hoa, hiếu khách, lịch sự mà không xô bồ… Trong truyền thống, những người Thăng Long – Hà Nội cũng rất tán đồng, thích ứng với cái mới, thường đi đầu trong việc tiếp thu, ủng hộ những cải cách, đổi mới…
 
Một phẩm chất theo hướng vươn tới sự hoàn mỹ nhân cách của người Thăng Long – Hà Nội là niềm tự hào, tính trọng danh dự của người khí tiết, cốt cách của đất Kẻ Chợ - Kinh Kỳ. Có thể hiểu được tâm lý hãnh diện của một số gia đình, dòng họ mang tính chất “Hà Nội gốc, nhiều đời” của họ. Nhưng Thăng Long – Hà Nội còn là nơi tụ hội, kết tinh của những tinh hoa văn hoá, nhân cách của nhiều vùng, miền, địa phương trong cả nước. Sau một thời gian “ngụ cư”, các thành phần cư dân này thực sự đã trở thành người Thăng Long – Hà Nội đích thực, cùng với gia đình, con cháu của họ, mang trong mình phẩm chất, nhân cách đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội.
 
Người Thăng Long – Hà Nội rất coi trọng danh dự, khí tiết, cốt cách trong đời sống, những giá trị tinh thần cao cả. Theo đó, người Thăng Long – Hà Nội muốn sống cao đẹp với tài năng và lòng tự trọng của mình, không chịu thua kém và nhất là không chịu sống hèn, với một tinh thần “Hà thành chính khí”, ý thức “vô tốn” không chịu thua. Trong những tấm gương tuẫn tiết hy sinh đầy ấn tượng của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu khi chống lại quân Pháp, ngoài trung quân ái quốc, còn là lòng tự trọng, khí tiết, thể hiện sự gắn bó và tinh thần quyết tử với Thăng Long – Hà Nội. Ở một tuyến khác, trong những gương mặt văn hoá lớn của đất Kinh kỳ, còn có nhiều nhân vật nổi trội, thể hiện nhân cách Thăng Long – Hà Nội với tố chất Thăng Long – Hà Nội như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…
 
Tuy nhiên, cũng có những người ở Thăng Long – Hà Nội đã trở thành những gương mặt phản diện, từ bỏ cái chất của mình, “đánh mất mình”. Danh dự và khí tiết ở đây đã nhường chỗ cho thói cơ hội, xu nịnh; lòng tự hào, tự trọng bị đánh đổi thành tiền bạc, chức quyền theo kiểu buôn bán nơi chợ búa. Người Thăng Long – Hà Nội vốn có một năng khiếu nhận xét, đánh giá con người khá tinh tế. Những phần tử thoái hoá, lạc loài kết cục cũng đã trở thành những đối tượng bị đàm tiếu, lên án trước búa rìu dư luận và sự phán xét lịch sử. Lịch sử vốn là cuộc đối thoại thường xuyên giữa quá khứ và hiện tại. Và chính con người lại tạo nên lịch sử, lịch sử là để con người rọi vào mà nhìn nhận, đánh giá những bước tiến của thời gian. Phân tích, nhận diện nghiêm túc về con người Thăng Long – Hà Nội của ngày hôm qua, trong một tầm nhìn đa chiều có thể sẽ giúp chúng ta tìm hiểu, xây dựng con người thủ đô Hà Nội ngày hôm nay, xứng đáng với vị thế, tầm vóc và tiềm năng của một “Hà Nội ngàn năm văn hiến”.
 
 
Gia An
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)