Nhân cách người Hà Nội thời Pháp thuộc
Đánh giá một cách tổng quát, trong suốt giai đoạn 1888-1944, tức là giai đoạn Hà Nội đặt dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp, người Hà Nội luôn thể hiện được những nét đặc trưng nhân cách tích cực sau:
Thứ nhất là, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí bất khuất trước kẻ thù. Ngay từ những ngày đầu tiên bọn thực dân Pháp đến Hà Nội, người dân Thăng Long đã làm tất cả những gì cần thiết để quân đội thuận lợi như thả thuốc độc vào các giếng nước để bọn Pháp và tay sai không có nước dùng, đốt nhà để cản giặc không có lối đi, đóng cọc trên sông ngăn tàu thuyền giặc… Nhiều người yêu nước đã bị tù đày, chém giết, nhưng người này ngã xuống thì người khác đứng lên, có thể kể đến Nguyễn Chí Bình (Đội Bình), Đặng Bình Nhân (Đội Nhân), Dương Bê (Đội Cốc) bị chém đầu do phối hợp không thành với Đề Thám để đánh úp Hà Nội, bà Nhiêu Sáu (Nguyễn Thị Ba) bị cực hình do vụ đầu độc lính Pháp, Nguyễn Khắc Cần, Hán Minh Nguyễn Văn Tuý bị xử tử do ném lựu đạn giết bọn Việt gian và thực dân,… Nhiều tấm gương tiêu biểu cho tinh thần kháng Pháp như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Lương Văn Can…
Thứ hai là, lòng ham chuộng tự do, bình đẳng. Bọn thực dân Pháp đã xây dựng một chế độ thống trị dã man trên đất nước ta và ở Hà Nội, trong đó phải kể đến những luật lệ hạn chế tối đa quyền tự do, dân chủ của người Việt trước người Pháp, chính sách ngu dân để người dân dễ trở thành tay sai phục vụ cho quyền lợi của Pháp.
Trong suốt thời gian bị đô hộ, người dân Hà Nội luôn đấu tranh đòi các quyền: (1) Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận; (2) Quyền tự do lập hội và hội họp; (3) Quyền tự do xuất ngoại và di du lịch nước ngoài; (4) Quyền tự do giáo dục và mở trường chuyên nghiệp, kỹ thuật…
Người Pháp đã cải cách nền công lý theo cách thành lập và đặt các toà án đặc biệt dùng để khủng bố và áp bức những người Việt Nam yêu nước. Cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, bình đẳng thể hiện khá đậm nét ở phong trào vận động văn hoá mang tính dân tộc, dân chủ của Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can và Nguyễn Quyền tổ chức. Đông Kinh nghĩa thục nhanh chóng bị bọn thực dân Pháp dập tắt. Lúc đó ở miền Trung, một số sĩ phu như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng chủ trì phong trào Duy Tân, vận động cải cách xã hội. Phong trào đó cũng có ảnh hưởng lớn đến người dân Hà Nội. Ở Hà Nội, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và văn hoá do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã vạch trần các thủ đoạn thâm độc của thực dân thì nhân dân Hà Nội được hun đúc thêm về khát vọng tự do, bình đẳng của nhân dân là những trí thức cách mạng như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều…
Thứ ba là, lòng bác ái và sống tình nghĩa. Xuất phát từ lòng yêu nước, nhân dân Hà Nội có rất nhiều hành động thể hiện sự đồng cam cộng khổ, sự giúp đỡ không tính toán, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì nghĩa lớn, vì sự sống còn của đồng bào, của cộng đồng làng xã mình. Sau này, trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, trong các cuộc vận động văn hoá như truyền bá quốc ngữ, trong thời kỳ hoạt động của Mặt trận Việt Minh, người Hà Nội luôn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, ủng hộ và tích cực tham gia vào các cuộc vận động mang tính ái hữu… Ở một phương diện khác, các chính sách của thực dân Pháp, đặc biệt là chính sách đầu độc tinh thần, chính sách ngu dân, đã ảnh hưởng xấu đến một bộ phận cư dân Hà Nội. Và chúng đã đào tạo được một số người trở thành tay sai, thành nô lệ làm thuê, cúc cung phục vụ cho quan thầy Pháp. Loại người làm thuê này không thấy được cái nhục mất nước, không thấy được nỗi thống khổ của mọi tầng lớp nhân dân bị chà đạp dưới gót sắt của thực dân. Khi lên án nhà trường của Pháp đào tạo hạng người nô lệ này, cụ Phan Bội Châu nói: “Khi mới cắp sách đi học thì mục đích sở tại đã chỉ dụng vinh thê ấm tử, ấm áo no cơm, vậy nên lưu độc, lưu độc vô vùng, đến nỗi gia đình truỵ lạc, xã hội hôi ám thành ra cái thảm hoạ, nhà không nhà, nước không nước. Suy cho đến lẽ, thì chỉ vì mục đích người ta vào học đã lầm lỗi quá nhiều, mới nên ra nông nỗi thế. Tới lúc bấy giờ, hình thức học đường tuy là khác học đường khoa cử ngày xưa vẫn nhiều, da vỏ bề ngoài hình như vừa mắt, nhưng xem đến tinh thần cốt tuỷ có khác gì vượn học tiếng người, đạo đức cũ đã sạch sành sanh, và văn hoá mới lại chẳng có chút gì dây vướng ở học đường. Ra rồi chưa có thành tựu gì, mà chỉ thấy cái bình rượu tây, túi cơm tây, giá đồ tây, ngồi xe tây, ngày ngày rộn rực trước mắt người ta. Tuy cũng có vài người phảng phất văn minh, nhưng mà cầu cho cái tinh thần chân văn minh thì giống như muôn người không được một. Vậy cho nên, những người thương tâm thế đạo ai cũng bảo rằng: “Cái mục đích người ta ngày nay vào học chẳng qua vì cầu quan to, hốt đống bạc để làm một cái môi giới cho rượu tây, cơm tây, đồ mặc tây, lầu tây mà thôi. Chao ôi! Trời ơi! Thật có thế ru! Thật có thế ru” (Phan Bội Châu (1926), Bài diễn thuyết tại trường Quốc học Huế. Luận về quốc học, Nxb. Đã Nẵng và Trung tâm nghiên cứu quốc học, Đã Nẵng, 1999, tr.41.)
Loại thứ hai mà thực dân Pháp đào tạo được là bọn quan lại, nhiễu sách dân lành, tham nhũng vô độ. Các loại quan tham này, từ lớn chí bé, đều là hạng người chỉ chăm lo vơ vét của dân, còn đối với dân thì “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Từ lý tưởng, chánh tổng cho đến tuần phủ, tổng đốc… đều chỉ là những tên tay sai đắc lực, là công cụ dai khiến của bọn thực dân để cai trị dân. Loại người này sống xa hoa, lười biếng, phản động về chính trị, sa đoạ về văn hoá, luôn đối lập với các cuộc vận động của dân nghèo chống phong kiến và thực dân. Nếu như Tống Nho một thời đã đào tạo ra những con người “tầm chương trích cú”, hơn nữa lại còn bảo thủ, phản khoa học thì các trường Tây học đã sử dụng phương pháp nhồi nhét vào đầu óc người học một mớ kiến thức mà như V.I. Lênin nhận xét về trường học cũ thì cho rằng, 90% là phản động còn 10% là vô bổ.
Chính vì vậy, sau Cách mạng tháng Tám, cách mạng về văn hoá là một vấn đề hết sức quan trọng để tẩy bỏ những tiêu cực của nền văn hoá phản động của thực dân Pháp đã xây dựng để tha hoá con người Việt Nam. Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ I tại Hà Nội ngày 24/11/1946 trong bối cảnh nhân dân cả nước khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ, Hồ Chủ tịch đã căn dặn những người làm công tác văn hoá, về sự cần thiết phải đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực mà chế độ phong kiến thực dân để lại: “Văn hoá có liên lạc với chính trị rất mật thiết, phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý nhân dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng phù hoà, xa xỉ. Tâm lý của ta lại muốn lấy tự do độc lập làm gốc, văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ độc lập, tự do. Đồng thời văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi riêng. Với xã hội, văn hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, đàn ông, đàn bà ai cũng hiểu các nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng, số phận dân ta ở trong tay ta, văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi” (Danh nhân Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2000, tr.693).
Ngọc Minh
Nhà xuất bản Hà Nội