Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 01/04/2015 10:52
Người Thăng Long – Hà Nội dưới lát cắt của văn hoá học

Văn hóa học là những khoa học về văn hóa, nghiên cứu đời sống xã hội và hoạt động của con người, cùng những sáng tạo văn hóa của nhân loại trong lịch sử. Vậy nghiên cứu về con người Thăng Long – Hà Nội dưới góc nhìn văn hoá học sẽ cho ta những nhận định gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu về con người Thăng Long qua góc độ nghiên cứu văn hoá.

 
Người Thăng Long – Hà Nội là một cộng đồng người, sống trên cùng một miền đất gắn với những điều kiện địa lý, tự nhiên nhất định; có lịch sử hình thành và phát triển riêng của nó với những đặc điểm đặc thù của nó và đặc biệt là sự chia sẻ với nhau những giá trị về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Nói một cách khác, người Thăng Long – Hà Nội ở đây được hiểu là một cộng đồng có chung một nền văn hoá với tư cách là hệ thống các giá trị của cộng đồng, do chính những con người của cộng đồng đó sáng tạo ra, vì mục đích phát triển con người và xã hội của cộng đồng; với tư cách là hệ thống các quy phạm và chuẩn mực xã hội có vai trò điều chỉnh hành vi của con người và quy định các mối quan hệ xã hội của cộng đồng; với tư cách là hệ thống các khuôn mẫu hành vi được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những nếp nghĩ, nếp ăn, nếp ở, lao động, nếp ứng xử của cộng đồng; đồng thời với tư cách là môi trường (hiểu theo nghĩa chung nhất của từ này) của sự hình thành và phát triển nhân cách con người cộng đồng.
 
Do vậy, các đặc trưng nhân cách của người Thăng Long – Hà Nội không phải là đặc điểm tâm lý cá nhân như xu hướng, tính cách, năng lực, khí chất, mà là những phẩm chất tâm lý đã tạo nên văn hoá của cộng đồng người Thăng Long – Hà Nội, và văn hoá đó lại trở thành cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng con người Thăng Long – Hà Nội, là môi trường tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách người Thăng Long – Hà Nội. Về luận điểm này, Trần Văn Bính khẳng định qua ngàn năm lịch sử, văn hoá Thăng Long – Hà Nội luôn được bổ sung bởi các giá trị từ các vùng, miền khác nhau. Các vốn văn hoá bản địa khi có mặt ở Kinh đô, trong điều kiện nơi đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước, đã luôn vận động và phát triển để phù hợp với nhu cầu mới của thực tiễn. Trong quá trình đó, nhiều nhân tố lỗi thời, lạc hậu, có tính biệt lập của văn hoá các vùng miền được khắc phục dần, để giữ lại và phát huy những nhân tố tích cực, có tính phổ biến.
 
Về hiện tượng đặc thù của sự giao thoa giữa văn hoá dân gian với văn hoá bác học, theo nhà nghiên cứu Trần Văn Bính cho rằng: “Thông thường, trong các xã hội trước đây, giữa văn hoá dân gian và văn hoá bác học có sự mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau, vì văn hoá dân gian là văn hoá của quần chúng nhân dân, của những người lao động bị áp bức trong xã hội có sự thống trị giai cấp, còn văn hoá bác học là văn hoá của giai cấp thống trị. Nhưng điều đó đã không xảy ra trong nền văn hoá Đại Việt ở Thăng Long. Điều này cũng dễ hiểu, vì suốt trong mấy trăm năm cường thịnh, giai cấp phong kiến Việt Nam thời Lý, Trần, Lê đã gánh vác một nhiệm vụ lịch sử to lớn là lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, khoan sức dân để huy động sức mạnh của toàn dân tộc có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với dân tộc mà còn đối với các vương triều. Tinh thần đó được thể hiện rõ trong “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.
 
Văn hoá dân gian đã trở thành mạch ngầm nuôi dưỡng dòng văn hoá bác học. Nhiều giá trị văn hoá dân gian đã thấm sâu vào văn hoá bác học dưới nhiều hình thức (dù đó là công trình kiến trúc đình chùa, cung đình hay các tác phẩm văn học…). Ngược lại, thông qua văn hoá bác học mà đại diện là các tầng lớp trí thức, nho sĩ thời bấy giờ, các giá trị văn hoá dân gian của từng vùng, miền, của các địa phương, đã được nâng lên thành giá trị có ý nghĩa toàn dân tộc. Rõ ràng, so với các địa phương ở nước ta trước đây, tại Thăng Long – Hà Nội đã diễn ra một cách có ý thức và thường xuyên sự giao thoa, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa văn hoá dân gian và văn hoá bác học nhẳm xây dựng và củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Phải chăng đó cũng là nét đặc thù của văn hoá Thăng Long – Hà Nội” (Trần Văn Bính, 2005, “Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hoá Thăng Long – Hà Nội” - Báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”).
 
Văn hoá Thăng Long – Hà Nội gồm văn hoá bản địa Thăng Long – Hà Nội và văn hoá các địa phương theo các dòng dân cư từ các địa phưng trong cả nước hội tụ lại, hoà quyện vào nhau và được tinh lọc cho phù hợp với yêu cầu của một nền văn hoá kinh kỳ, đại diện cho đất nước. Những giá trị văn hoá được tinh lọc đó thể hiện ở phong tục, tập quán, lễ hội, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, văn học, nghệ thuật, kiến trúc… Cấu trúc nhà cửa, cả nhà ở các phố cổ lẫn các dinh thự hiện đại ở Hà Nội rất khác với ở Hội An, chiếc áo tân thời Hà Nội và cách ăn vận chiếc áo đó của các cô thiếu nữ Hà thành không giống với các cô thiếu nữ Sài Gòn – Gia Định. Đám cưới, đám ma, giỗ chạp, cách làm cỗ bàn… ở Hà Nội có không ít nét khác với Huế, Nha Trang, Vũng Tàu… Tất cả cái khác ấy cần được tách ra và trừu xuất thành nét văn hoá Hà Nội, và từ đó mới thấy cái đặc trưng nhân cách Hà Nội.
 
Văn hoá là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị, kết tinh trong các sản phẩm văn hoá như các công trình kiến trúc, các sản phẩm nghệ thuật, phong tục tập quán, trang phục và ẩm thực. Ở phần này, chúng ta chỉ bàn đến văn hoá như một nhân tố có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người và tạo nên những đặc trưng nhân cách của cộng đồng người. Nước ta nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng đã chìm nổi nhiều phen trong sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài. Đi sau các cuộc viễn chinh và đằng sau cái sự thống trị bằng quyền lực xâm lăng đó là sự áp đặt về văn hoá. Ý đồ sâu xa ở đây là thông qua văn hoá để đồng hoá dân tộc. Song dân tộc ta và Thăng Long – Hà Nội vẫn luôn giữ được cái cốt cách văn hoá của mình, giữ được thuần phong mỹ tục của mình, giữ được văn hoá của con Rồng cháu Lạc được hình thành và hun đúc từ ngàn đời. Trên đất Thăng Long – Hà Nội đã có biết bao công trình văn hoá được dựng lên, đã có biết bao tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời, đã có biết bao các cuộc vận động canh tân, giữ gìn và bảo vệ văn hoá để nó khỏi bị lai căng hay mai một.
 
Văn hiến Thăng Long – Hà Nội, nét thanh lịch như một đặc trưng của nhân cách văn hoá Thăng Long – Hà Nội là sản phẩm của sự phát triển ngàn đời của nền văn hoá được bồi đắp nên bởi hàng vạn thế hệ người Thăng Long – Hà Nội. Thăng Long – Hà Nội – vùng đất ngàn năm văn vật và tại nơi đây, Trường đại học đầu tiên được xây dựng - Quốc Tử Giám. Những trường hợp sau thời kỳ Nho học, từ tiểu học đến đại học cũng được xây dựng sớm nhất và nhiều nhất so với các tỉnh, thành còn lại trong cả nước. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trường học ở Hà Nội được xây dựng và được bố trí thành một mạng lưới khá dày. Ở Hà Nội ngày nay, hệ thống trường học các cấp nhiều hơn bất cứ địa phương nào còn lại. Thanh niên Hà Nội có nhiều cơ hội học tập hơn thanh niên ở mọi miền đất nước đó là những trường đại học, những viện nghiên cứu, những trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp, những câu lạc bộ và nhà văn hoá. Hà Nội còn có những nhà khoa học có tên tuổi, các nhà giáo dục dày dạn kinh nghiệm, các thầy cô giáo dạy giỏi. Do vậy, Hà Nội trở thành một cái nôi nuôi dưỡng các tài năng, là mảnh đất làm nảy nở và phát triển nhiều nhân tài, là đất dụng võ đối với những tài năng từ khắp mọi miền đất nước đổ về. Nền giáo dục nghìn năm ở Thăng Long – Hà Nội đã làm nên một vùng văn hiến của đất nước, một địa danh sản xuất ra hàng ngàn, hàng vạn những sĩ phu Bắc Hà, những nhà văn hoá lớn, những nhân cách lớn, những con người thanh lịch và văn minh. Sự hội tụ, chắt lọc và kết tinh các sắc thái văn hoá mà dân từ nhiều địa phương đem về Thăng Long – Hà Nội đã làm nên một đời sống văn hoá rất riêng của kinh kỳ, nhung cũng rất chung với văn hoá của từng địa phương.
 
 
Hạo Nhiên
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)