Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 03/04/2015 11:43
Người Thăng Long – Hà Nội: mô hình về con người xã hội dưới góc nhìn tâm lý học

Người Thăng Long – Hà Nội hiện diện như một nhân tố quan trọng, quyết định, tiêu biểu của dân tộc, đất nước trong quá trình lịch sử của Thủ đô, gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhân cách Việt Nam được biểu hiện tập trung ở những người con ưu tú của dân tộc, ở những mảnh đất tiêu biểu của đất nước, đặc biệt là ở mảnh đất Thăng Long – Hà Nội, với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước. Nhân cách ấy cũng biểu hiện ở ngay những con người bình thường trong lao động sản xuất, trong chiến đấu chống thiên tai địch hoạ, bảo vệ quê hương đất nước và trong đời sống hàng ngày, trong quan hệ giữa con người với con người, xã hội và tự nhiên. Đó là những giá trị tinh thần đặc trưng của người Thăng Long – Hà Nội, được hình thành qua suốt chiều dài lịch sử bảo vệ và xây dựng đời sống, được kết tinh, tích tụ trong văn hoá và trong con người Thăng Long – Hà Nội, và tạo thành nét riêng, sức mạnh riêng của người Thăng Long – Hà Nội.

 
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hoạt động , tinh thần và tư tưởng của con người (cụ thể đó là những cảm xúc, ý chí và hành động). Tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về đặc trưng nhân cách người Thăng Long – Hà Nội trước hết cần phải xét tiếp cận theo đặc trưng văn hoá của Thăng Long – Hà Nội với tư cách là một vùng thành thị được chọn làm Kinh đô của nhiều vương triều và là Thủ đô của một quốc gia đang đi lên đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới góc nhìn của tâm lý học, người Thăng Long – Hà Nội là con người xã hội với những đặc trưng chung mang tính khái quát của cả cộng đồng, qua suốt chiều dài của những giai đoạn lịch sử tiếp nối nhau. Người Thăng Long – Hà Nội ở đây là một mô hình về con người xã hội, đại diện cho cả cộng đồng gồm những con người cụ thể đã sống và đang sống ở miền đất Thăng Long – Hà Nội, lao động để xây dựng Thăng Long – Hà Nội, gắn bó quyền lợi với các địa phương. Con người Thăng Long – Hà Nội mang đặc điểm văn hoá riêng của nhân cách cộng đồng, đó là bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.
 
Với quan điểm như vậy, Mạc Văn Trang nhấn mạnh cái riêng của người Hà Nội, thể hiện ở tâm hồn Hà Nội. Ông viết: “Những đặc điểm của Hà Nội có giá trị to lớn trong việc hình thành nên tâm hồn người Hà Nội phong phú sinh động, vừa hùng tráng, sâu lắng, vừa lãng mạn, mộng mơ… Những núi Nùng, sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Hồng; những hồ Tây, hồ Gươm và mùa thu Hà Nội v.v… tất cả đều được phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp vào tâm hồn người Hà Nội từ tuổi ấu thơ cho tới lúc trưởng thành, làm nên sắc thái độc đáo, vẻ đẹp riêng của tâm hồn người Hà Nội. Những ai đã từng ở Hà Nội khi đi xa mới thấy nhớ da diết khôn nguôi mùa thu Hà Nội, chiều hồ Tây, đêm hồ Gươm, sông Hồng réo và mùi hoàng lan, hoa sữa, mùa sấu chín, màu đào Nhật Tân trong tiết xuân mát lạnh,… Mỗi mảnh đất, con sông, mặt hồ, hương hoa mỗi loài cây… gắn với bao kỷ niệm không thể phai mờ đối với những người đã sống ở nơi đây, trở thành những giá trị văn hoá tinh thần đặc trưng tâm hồn người Hà Nội v.v… Những ai đã sống nơi đây thì tâm hồn họ đã bị “Thăng Long – Hà Nội hoá”, khiến sau này dù đi đâu, sống ở đâu, chỉ cần một gợi nhớ về Hà Nội là tất cả tâm hồn họ, trái tim họ đều xao xuyến, rung động sâu xa với bao kỷ niệm về mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Quả đúng như nhà thơ Chế Lan viết đã viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”. Thăng Long – Hà Nội – nơi hội tụ của bốn phương đất nước, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm – đã sản sinh ra tâm hồn, cốt cách đặc trưng của người Thăng Long – Hà Nội. Và theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về Hà Nội, họ đồng tình cho rằng: “Phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Hà Nội được hình thành trên nền tảng và cốt cách truyền thống lâu đời của văn hoá kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn vật, nhưng nó lại không ngừng thâu thái, sàng lọc, kết tinh những phẩm chất nhân cách đặc trưng của cả nước, thông qua giao lưu, lan toả, bởi những con người hội tụ về Thăng Long – Hà Nội. Thông qua giao lưu, những gì không phù hợp với văn hoá bản địa được sàng lọc, những gì là phù hợp được tiếp nhận và “Hà Nội hoá”.
 
Sự hình thành những phẩm chất đặc trưng của nhân cách người Thăng Long – Hà Nội là một quá trình lâu dài. Trong suốt ngàn năm lịch sử, những phẩm chất ấy có tác động to lớn và quyết định đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Thăng Long – Hà Nội. Phát huy những giá trị tốt đẹp đó và hạn chế, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực của con người Thủ đô hôm nay khi những thách thức của thời kỳ mới - thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế - là cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong đời sống xã hội.
 
 
Gia Nhiên
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)