Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 03/04/2015 11:49
Thêm góc nhìn về người Thăng Long – Hà Nội

Thăng Long – Hà Nội là nơi giao lưu văn hoá, nơi hội tụ nhân tài của mọi miền đất nước. Do vậy, với vị thế trung tâm địa - văn hoá, địa - chính trị, địa – kinh tế của cả nước, Thăng Long – Hà Nội là kinh đô cổ kính nhất vùng Đông Nam Á, nơi đây thường xuyên diễn ra quá trình giao lưu - hội tụ - kết tinh – lan toả các dòng văn hoá với những bản sắc của các địa phương làm nên đặc trưng riêng của vùng đất này, và con người nơi đây có những đặc trưng nhân cách Thăng Long – Hà Nội.

 
Theo quan điểm nghiên cứu Sử học, người Thăng Long – Hà Nội là con người xã hội trong tổng hoà các mối quan hệ xã hội của nó, được quy định bởi chính hoàn cảnh xã hội nơi nó được sinh ra và tồn tại, được quy định bởi các điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng giai đoạn phát triển của xã hội đó. Thăng Long – Hà Nội đã có 1000 năm phát triển với những bước thăng trầm đó liệu có hay không các phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Thăng Long – Hà Nội, hay cứ qua mỗi triều đại, mỗi thể chế xã hội được xác lập, mỗi giai đoạn chiến tranh hoặc hoà bình mà cộng đồng dân cư ở đây lại có những nét đặc trưng riêng? Hãy cùng chúng tôi khám phá và lý giải vấn đề này.

Trước khi xây dựng kinh đô Thăng Long – Hà Nội, nước ta đã trải qua 1000 năm bị nước ngoài chiếm đóng và bị biến thành quận huyện của ngoại bang. Sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, tinh thần và khí thế quật cường của dân tộc được nâng lên, nền độc lập được xác định. Song, triều đại Đinh, Lê tiếp theo cũng chưa chọn vùng đất Đại La làm Kinh đô.

Đến đời Lý Công Uẩn, do thấy được nơi đây hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà mà quyết định dời đô. Thời cơ quan trọng để quyết định dời đô là nhà Đinh đã chấm dứt tình trạng chia cắt đất nước của 12 sứ quân và nhà Lê đã đánh tan quân Tống xâm lược. Đến lúc đó, đất Việt đã đủ sức mạnh, ý chí, kinh nghiệm để xây dựng vương triều. Vấn đề là phải tìm được một địa danh đủ điều kiện lập cơ nghiệp lớn, thịnh vượng dài lâu.

Về vấn đề này, nhà viết sử Ngô Thì Sĩ đã phân tích rất rõ: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có; phía tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng; phía bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền Đông thì vận chuyển bằng thuyền. Cần Xương thì liên tục bằng trạm, là nơi trung tâm của nước bốn phương chầu về. Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển. Địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt thật không nơi nào được như nơi này”.

Trong suốt nghìn năm lịch sử, nơi đây luôn là nơi địa linh nhân kiệt, vẫn là nơi “tính kế lâu dài” cho sự nghiệp phát triển đất nước, kể cả giai đoạn hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, đi vào kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.

Theo quan niệm của triết học, Thăng Long – Hà Nội là nơi giao thoa của các dòng văn hoá các địa phương, nơi chắt lọc các giá trị thích hợp với Kinh đô trước đây, Thủ đô ngày nay. Những giá trị qua chắt lọc đã được kết tinh theo hướng “Hà Nội hoá”, rồi đến lượt nó lại tác động trở lại các địa phương. Do vậy, khi soi vào Thăng Long – Hà Nội, soi vào cộng đồng dân cư Thăng Long – Hà Nội, người ở các địa phương khác đều cảm thấy có mình trong đó, thấy Thăng Long – Hà Nội gắn bó xương máu với mình. Dưới góc độ triết học, những đặc trưng nhân cách riêng của Thăng Long – Hà Nội liệu có hay không? Ở đây thực chất là quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái chung nằm trong cái riêng và biểu hiện qua cái riêng, trong dạng cụ thể, phong phú và đa dạng của cái riêng. Vậy, Thăng Long – Hà Nội hiện diện như là cái riêng của Việt Nam, nhưng là cái biểu hiện tập trung của cái chung Việt Nam. Các giá trị nhân văn của Thăng Long – Hà Nội, các đặc trưng nhân cách của con người Thăng Long – Hà Nội vừa là cái riêng, mang đặc trưng Thăng Long – Hà Nội, vừa là cái biểu hiện tập trung, là sự tích tụ cao độ, là thể hiện nổi trội của các giá trị nhân văn Việt Nam, nhân cách Việt Nam. Do vậy, cái đặc trưng nhân cách người Thăng Long – Hà Nội quyết không phải là cái cá biệt không nơi nào có, và càng không phải cái dị biệt đến mức khác hẳn so với con người ở các vùng miền khác của đất nước.

Chia sẻ về vấn đề này, GS. Phong Lê bộc bạch: “Tôi muốn tìm một phẩm chất gì khác để nói lên được nét cơ bản gắn với Hà Nội, trong phân biệt với nhiều nơi. Và cảm thấy khó khi chỉ dùng một khái niệm, kể cả dùng nhiều khái niệm. Với người Hà Nội, trong tổng hoà các thành phần của nó, đó là cách ứng xử bao dung và lịch thiệp, không địa phương, không cục bộ, không gây mặc cảm, không tỏ ra kỳ thị; là sự coi trọng các giá trị văn hoá và tinh thần, và rộng ra là coi trọng con người; là một quan niệm rộng rãi cho tự do và chính kiến cá nhân. Nếu không có những cái đó sẽ không có Hà Nội với nhiều thời hưng thịnh rực rỡ như xưa nay đã có, và như Hà Nội hôm nay. Chính với cách ứng xử như thế mà ai được sống ở Hà Nội, ai trở thành dân cư Hà Nội (với bức tranh xã hội rộng rãi bao gồm các sắc màu khác nhau, và đối lập nhau như được tản mạn rút ra qua văn học) cũng đều tìm được một khí hậu sinh tồn, và trong bươn chải của muôn mặt đời thường, có cực khổ đến mấy, con người vẫn có thể sống với nhau trong một không gian đáng tự hào là không gian Hà Nội”.

Trên thực tế, mặc dù là nơi tụ họp giá trị, tinh hoa của con người của các địa phương trong cả nước nhưng Thăng Long – Hà Nội vẫn có những nét riêng của mình. Không chỉ người Thăng Long – Hà Nội tự hào mình là người của mảnh đất này, mà người ở các địa phương khác cũng cảm nhận rõ nét một cái gì đó của Thăng Long – Hà Nội mà các địa phương khác không có:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Sau những biến cố lịch sử, sau những đổi thay nhiều mặt ở vùng đất địa linh nhân kiệt này, phẩm chất đặc trưng cô đọng nhất vẫn là nét thanh lịch của con người Hà Nội, trong văn hoá Hà Nội. Hà Nội nghìn năm văn hiến, Hà Nội anh hùng, Thành phố vì hoà bình, văn minh, thanh lịch được hun đúc qua các thế hệ người Thăng Long – Hà Nội với những phẩm chất nhân cách đã từng giữ gìn và lưu giữ để lời ăn, tiếng nói, sự giao tiếp, cách ứng xử… đúng với cốt cách của người Kinh kỳ, người nơi đô hội đôn hậu, hiếu khách.
 
 
An Nhiên
 
Nhà xuất bản Hà Nội